(DNSGCT) – Có những món ăn được người dân quê chế biến hoặc từ những nguyên liệu mà thiên nhiên phương Nam hào phóng ban tặng, hoặc từ những cơ sở nuôi trồng thủy sản đã phát triển mạnh những năm qua. Xin giới thiệu mấy món lạ mà nếu có dịp đến những vùng quê của đất phương Nam, bạn nhớ tìm cách thưởng thức.

Chả trứng mực xứ biển Cà Mau

Câu mực tuy cực mà vui/ Khoái ăn trứng mực, lui cui câu hoài – hai câu lục bát kiểu Lục Vân Tiên ấy tồn tại bao đời nay ở vùng quê U Minh đã nói lên sự ngon của trứng mực mà gần như chỉ có ở đất Cà Mau. Chưa ai rõ bà nội trợ nào là người đầu tiên sáng chế món chả trứng mực trứ danh, chỉ biết dân câu mực vẫn cứ “lui cui câu hoài” để vừa có tiền xài nhờ bán mực tươi vừa đáp ứng nhu cầu “khoái ăn trứng mực” của mình.

Chả trứng mực chiên có màu vàng như chả quế, ngó bắt mắt và có mùi thơm phức, mời gọi người ăn. Chả được cắt thành từng lát chừng ngón tay, cuốn bánh tráng rau sống chấm nước mắm nhĩ hay muối tiêu chanh. Để làm món chả trứng mực, khi câu được mực trong đêm, phải ướp nước đá giữ cho mực tươi.

Sáng ra, xẻ mực phơi khô, lấy hai bọc trứng nằm khuất bên dưới mật và gan và phải rất khéo tay để tránh túi mật vỡ, dịch thấm vào trứng làm mất màu và có vị đắng mất ngon. Cứ 10 – 12kg mực tươi mới có được 1kg trứng. Mực lớn có trứng đã đành, mực nhỏ cỡ ngón chân cái cũng “hoài thai”.

Muốn làm món chả trứng mực đúng điệu, mỗi khi đi đánh bắt chúng, ngư dân đều đem theo hột vịt, thịt và gan heo để quết ngay với trứng mực, thấm chút dầu ăn vào tay, bốc từng cục vo tròn rồi ép dẹp, phơi sơ cho khô đem về đất liền. NISAVA
Thường thì món chả trứng mực đặc biệt này được người dân vùng biển Cà Mau dành đãi khách phương xa, hoặc dùng làm món quà quý gửi tặng bà con quyến thuộc sống xa quê để ăn mà thương nhớ quê nhà.

Giòn ngon bao tử cá ba sa

Cá ba sa là loại cá da trơn có giá trị kinh tế cao, được nuôi tập trung tại nhiều nước trên thế giới. Cá ba sa là loài bản địa ở lưu vực sông Chao Phraya (Thái Lan) và Đồng bằng sông Cửu Long (Việt Nam). Chúng trú ngụ và sinh sản nhiều nhất ở Biển Hồ (Campuchia), từ đó cá con mới nở nhỏ li ti trôi theo dòng Mêkông vào đất Việt, được người dân hớt về nuôi trong bè.

Cá ba sa được dùng chế biến nhiều món ăn ngon nhờ thịt cá săn, béo lại không tanh, rất tốt về mặt dinh dưỡng. Đặc biệt là bao tử cá được bà con tận dụng làm nhiều món “độc” như bao tử xào hành, khìa nước dừa, xào chua… nhất là món bao tử dồn thịt chiên giòn và bao tử dồn thịt hấp hơi được nhiều người ưa thích.

Bao tử được làm sạch bằng cách ngâm muối hoặc giấm. Sau đó lại dùng nước chanh tươi rửa lần nữa khử mùi tanh, để ráo. Thịt nạc heo bằm nhuyễn ướp tiêu, muối, tỏi, hạt nêm rồi dồn vào bao tử cá. Bột mì trộn ít bột gạo, quậy đều với nước sền sệt, cho bao tử đã dồn thịt vào lăn bột rồi chiên trong chảo dầu thật sôi, khi bột ngả màu vàng cũng là lúc bao tử chín giòn, vớt ra ngay để không bị cháy khét.

Để làm món bao tử cá ba sa dồn thịt hấp hơi, ướp thịt nạc heo với gia vị cho thấm, bằm nhuyễn nấm mèo, nấm đông cô trộn với thịt rồi dồn vào bao tử. Đặt bao tử cá đã dồn thịt lên đĩa, lót chiếc mâm ở dưới xong đem hấp rượu chừng 20 phút. Nước trong bao tử chảy ra mâm, cái bao tử khô ráo được xếp lên đĩa với rau cải xanh, tía tô, rau răm… lót dưới, mặt trên rải đều sả, ớt, đậu phộng. Món ăn này chấm muối tiêu chanh, thêm ít lát gừng ngon hết biết!

Theo Thụy Châu (Doanh Nhân Sàigòn Cuối Tuần)
NISAVA TRAVEL!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *