(TCXN) – Miếu lập năm 1802 (Nhâm Tuất) để thờ các tướng sĩ trong quân ngũ của vua Gia Long sau khi vua Gia Long lên ngôi, gọi là Cù Mông công thần miếu. Năm 1851 (Tân Hợi) vua Tự Đức đổi lại là Miếu Biểu Trung.

< Miếu Biểu Trung ở Phú Yên (ảnh xưa).

Theo Đinh Bá Kha, trong một bài diễn văn năm 1941 sau khi in trên tạp chí Đô thành hiếu cổ (BAVH, số 3, năm 1952) thì: Phía trước ngôi miếu là một bình phong lớn, có đắp hai con cọp, một dãy sáu trụ đắp rồng uốn lượn. Qua ba bậc cấp vào đến sân miếu. Năm gian và hai chái đều lợp ngói. Bên trong có hai dãy dài, mỗi dãy 8 cột lớn bằng gỗ, cao 5m, chu vi hơn 1m. Ở các trụ biểu cũng như cột có các câu đối chữ Hán ca ngợi những người được thờ ở đây ngụ ý rằng sự hy sinh anh dũng của họ sẽ sống mãi với Trời Đất, ngàn đời sau tấm lòng trung nghĩa ấy ví như núi cao biển rộng…

Công tại quốc gia, danh tại sử
Sanh vi anh liệt, tử vi thần
**
Nhứt xang chính khí tồn thiên địa
Vạn cổ trung hồn đối hải sơn
**
Hứa quốc trung cang sơn hải cộng
Để lưu cô dự nhật tinh cao

< Hòn Nần nằm giữa đầm Cù Mông, phía Nam.

Lật trang lịch sử

Năm 1799 – Kỷ Mùi, Nguyễn Ánh chiếm được thành Quy Nhơn (tức Hoàng đế thành Bình Định của vua Thái Đức- Nguyễn Nhạc, Tây Sơn) đổi thành Bình Định, giao cho Võ Tánh và Lễ bộ Tham tri Ngô Tùng Châu trấn giữ. Năm 1800 – Canh Thân, các tướng Tây Sơn là Thiếu phó Trần Quang Diệu, Tư đồ Võ Văn Dũng đem quân vào đánh Quy Nhơn. Võ Tánh đóng cửa thành. Trần Quang Diệu sai đắp lũy quanh thành ra sức công hãm. Võ Văn Dũng đem thủy quân chặn ở cửa Thị Nại.
NISAVA
Năm 1801 – Tân Dậu, Nguyễn Ánh ra cứu viện, tuy phá được cửa Thị Nại nhưng không thể nào giải vây Bình Định, sai quân lẻn vào trao mật thư bảo Võ Tánh và Ngô Tùng Châu tìm cách phá vòng vây mà ra cùng đại quân. Hai ông nghĩ: nếu mạo hiểm phá vây sẽ hao binh tổn tướng chưa chắc có kết quả, liền tâu: “Tướng giỏi quân mạnh của Tây Sơn đang ở đây, kinh đô Phú Xuân đang bỏ trống, xin hãy thừa cơ tiến đánh Phú Xuân trước, khoan nghĩ đến thành Bình Định này. Đem mạng chúng tôi đổi lấy thành Phú Xuân cũng xứng đáng lắm…”.


< Không ảnh đầm Cù Mông, một góc Hòn Nần ở phía trái.

Nguyễn Vương Ánh đã theo kế hoạch đó, để lại một ít quân, thủy binh chia thành nhiều nhóm nhỏ do Mai Đức Nghị, Nguyễn Hữu Nghi, Nguyễn Văn Cẩm, Tôn Thọ Vinh, Võ Đình Giai chỉ huy, bộ binh do Nguyễn Văn Tánh và Nguyễn Viết Phúc điều khiển từ cửa Thị Nại tiến vào Phú Yên. Mai Đức Nghị biết rằng đây là một trận chiến không cân sức nên đã lui vào ẩn trong vịnh Cù Mông, trên đảo Hòn Nần. Tại lối ra vào của vịnh Cù Mông, Mai Đức Nghị đã cho đóng cọc ngăn chặn quân Tây Sơn xâm nhập vào đảo.

Nhưng bộ binh Phạm Văn Điềm vượt qua đèo Cù Mông, chiếm lĩnh đèo Vận Lương cắt đứt liên lạc giữa quân của Mai Đức Nghi tại Hòn Nần với bộ binh của Nguyễn Văn Tánh và Tống Viết Phúc trong đất liền tại núi Ông Định. Mai Đức Nghi bị cắt toàn bộ tiếp viện và bị đặt trong tình thế nguy khốn, nhiều lần cho quân đổ bộ vào bờ nhưng lần nào cũng bị đẩy lùi và hao hụt nhiều quân số. Sau mấy tháng cầm cự, quân của Mai Đức Nghị bị tiêu diệt hoàn toàn. Tương truyền rằng họ còn bị chết vì đói và khát, sau khi đã phải đào củ nần (một loại khoai rừng) làm lương thực. Đầu năm 1802 (Nhâm Tuất), khi quân của Nguyễn Văn Tánh và Tống Viết Phúc từ Hội An tiến ra được Cù Mông để mong yểm trợ cho Mai Đức Nghị thì đã quá trể!

Việc thờ kính
NISAVA
Tháng 6 năm 1802, sau khi lên ngôi với niên hiệu Gia Long, nhà vua cho xây Miếu Công thần để tưởng nhớ công ơn các tướng và tất cả tử sĩ đã nằm xuống tại đây là 516 người (lúc đầu kê là 526 người), sau xét lại có một số trùng tên, điều chỉnh còn 516 người). Danh sách ghi đầy đủ trên bài vị 7 bàn thờ.


< Ngư dân vớt sứa trên đầm.

– Năm vị thờ ở bàn giữa là: Thần sách quân Hậu dinh Đô thống chế truy tặng Thiếu bảo Quận công Mai Đức Nghị – Thàn sách quân Hậu dinh Phó đô thống chế truy tặng Chưởng cơ Tôn Thọ Vinh, – Ngự lâm quân Tả đồn Phó thống chế truy tặng Chưởng dinh Nguyễn Hữu Nghi, – Tiền thủy dinh Chánh tiền Chi thống binh cai cơ truy tặng Chưởng dinh Nguyễn Văn Cầm. (Tên vị Chưởng dinh cơ này, sách Thực lục viết là Võ Đình Nhai, trong BAVH Đinh Bá Kha viết là Võ Đình Giai, có chú chữ Hán, “giai” gồm bộ “nhân” và hai chữ “thổ”).

– 55 vị thờ ở bàn đầu tiên bên phải.
– 55 vị thờ ở bàn đầu tiên bên trái.
– 58 vị ở bàn thờ thứ hai bên phải.
– 58 vị ở bàn thờ thứ hai bên trái.
– 143 vị ở bàn thờ bên phía đông.
– 142 vị ở bàn thờ bên phía tây.

Đông và tây ở đây chúng tôi nghĩ là theo thông lệ từ bên ngoài nhìn vào bên phải là đông, bên trái là tây, vì như ghi nhận tại thực tế di tích miếu hướng mặt vào tây-tây nam, xây lưng ra đông-đông bắc, như vậy bàn thờ phía đông  ở hướng nam-đông nam, bàn thờ phía tây ở hướng bắc-tây bắc.

Lễ cúng long trọng được tổ chức mỗi năm 2 lần vào mùa xuân và mùa thu, đủ tam sinh vàng mã, nhang đèn, hoa quả. Tỉnh còn mua thêm 5 giạ nếp trong ruộng “tịch điền”. Đến đời vua Thành Thái về sau, nghi lễ chỉ tổ chức mỗi năm một lần. Lễ cúng do Tuần Vũ Phú Yên chủ tọa, có mặt các quan trong tỉnh: Án sát, Kiểm học, Tri Huyện Đồng Xuân, Chánh Quản, Thông Phán, Kinh Lịch…

Những ngôi mộ xưa
NISAVA
Trong chương Phú Yên cổ tích, sách Địa dư tỉnh Phú Yên (1938) của Nguyễn Đình Cầm và Trần Sĩ viết: “Miếu Biểu Trung chẳng những là nơi cổ tích mà lại là một nơi thắng cảnh nữa. Đứng ở đèo Tùy Luật ngó ra, biển Cù Mông nước xanh ngăn ngắt, bao bọc hòn đảo cây cối um tùm, xa xa là doi đất Vĩnh Cửu, những cồm cát trắng phau xen giữa mấy chòm dừa xanh đậm. Ở Sông Cầu muốn đi miếu Biểu Trung phải qua đèo Vận Lương, kêu như vậy là vì thuở ấy người ta tải lương thực cho quân lính đi ngang qua đèo này”.

Đó là theo đường cũ. Đèo Vận Lương ở phía nam đèo Nại đi xuống hướng đông. Nay nếu tính từ thành phố Tuy Hòa ra đây trên 60 km, từ trung tân thị xã Sông Cầu ra đây là 10 km, rồi dùng thuyền máy loại nhỏ ra Hòn Nần, đi trong khoảng 20 đến 30 phút, tùy theo hướng xuất phát, chính diện trực chỉ tây-đông hoặc hơi nghiêng tây bắc-đông nam. Thuyền cập bến gặp ngay những hồ tôm, bờ hồ tôm chất đá, sát ngay chân đảo. Có lẽ là những khối đá trước miếu Biểu Trung xưa thấy trong ảnh cũ, ngày nay không còn.

Bước chân lên đảo, cây cối thấp nhỏ um tùm chằng chịt với những dây leo và gai. Còn nhận thấy một trụ biểu và một phần chân tường, như vậy sân miếu rộng rãi không còn nữa, do tác dụng xâm thực của sóng nước hay bàn tay con người trong hơn 60 năm qua? Bẻ cây, rẽ lối bước vào một đoạn nữa gặp một đoạn chân tường  tương đối dài, còn dấu vết 2 bệ thờ. Trèo qua chân tường này, có lẽ là tường sau của miếu, phía nam có một cây me nhỏ, phía bắc là khu mộ. Đi tiếp ra phía đông có một khối đá lớn, thoai thoải, không cao, nằm giữa mấy khóm lau. Trèo lên khối đá này nhìn thấy bán đảo Vĩnh Cửu bên ngoài, và gần hơn ngay trước mặt là một bãi cát trắng mịn, hai đầu bãi cát là hai mỏm đá màu nâu đen, chịu đựng ngày đêm cho sóng vỗ.

Trở lại khu mộ xưa, chúng tôi không có thẩm quyền và điều kiện để phát dọn khai quang, chỉ bẻ cây vạch cỏ tìm kiếm, thấy được ba bốn ngôi mộ ngoài rìa, biết là bên trong còn nữa nhưng không chui vào được. Rất tiếc là các tư liệu xưa, từ Đại Nam thực lục, Đại Nam liệt truyện đến A.Laborde trong La province de Phú Yên, Đinh Bá Kha trong bài đã dẫn đều không nói ở đây có bao nhiêu mộ. Những ngôi mộ này hướng vào tường phía sau miếu Biểu Trung mà mà tường miếu chạy theo hướng bắc-tây bắc và nam-đông nam, tức là cửa miếu nhìn vào hướng tây-tây nam, lưng miếu xây ra đông-đông bắc.


< Một ngôi mộ cổ ở Phú Yên (ảnh xưa).
NISAVA
Như vậy đầu của người nằm dưới mộ quay vào hướng tây-tây nam, mặc dù có cách một phần nước vịnh Cù Mông nhưng vào bên trong là hướng núi của đất liền, chân người nằm dưới mộ duỗi ra hướng đông-đông bắc, cũng có cách một phần núi của bán đảo Vĩnh Cửu nhưng ra ngoài là hướng nước của biển khơi. Mộ hình chữ nhật, bốn góc không vuông mà hơi tròn, chiều dài 3m, chiều rộng 2m, thành xây bằng đá, không rõ ngày xưa cao bao nhiêu, còn lộ trên mặt đất khoảng vài ba tấc (như những cái “hộc” của mộ hiện nay). Phần nấm cao nằm chính giữa  ngôi mộ theo Đinh Bá Kha là hình bán cầu, nhưng hiện giờ bị vùi khuất bớt, còn trông giống như những nấm dài  hình múi cầu trên mộ ngày nay (người bình dân thường gọi là nấm mộ mai rùa), cũng được tô đắp chắc chắn, đủ sức chịu đựng cùng năm tháng nắng mưa.

Cảm tưởng của chúng tôi khi bước chân lên Hòn Nần là thấy nơi này quá chật hẹp. Mai Đức Nghị đem quân vào đóng ở đây khi bên trong thuộc quyền quân Tây Sơn đúng là đem quân vào chỗ chết với nhiệm vụ nghi binh. Lòng tận trung của người làm tướng là vậy. (Theo Tạ Chí Đại Trường trong Việt Nam thời Tây Sơn thì khoảng giữa tháng 1 đến đầu tháng 2 năm 1801 Nguyễn Ánh cũng có mặt ở Hòn Nần). Để dựng công sự, đồn lũy ông đã phải cho chặt dừa xóm Cát Dốc làng Vĩnh Cửu, gây tổn thất tài sản cho dân chúng, vì vậy sau này để đền bù, triều đình cho phép làng Vĩnh Cửu được cắt ra 60 người miễn sưu thuế, lo việc phụng sự miếu.
NISAVA
Tướng sĩ quân binh chết rất đông, đất hẹp, một ít, vậy yên nghỉ ở đây là ai? Đại Nam liệt truyện không nói Mai Đức Nghị được an táng ở đâu. Những tướng lãnh khác và tất cả… chôn cất nơi nào? Một người địa phương, nhà giáo Tô Trần Giám bảo rằng số mộ đông đảo ở núi Chỏ, tức là núi Cánh Chỏ nơi cửa vịnh Cù Mông. Giờ này thì những ngôi mộ ở Hòn Nần và Núi Chỏ, dẫu khi còn sống người ấy là bậc anh hùng quả cảm, tất cả đều là mả lạn, đều là mồ vô chủ không ai thăm viếng khói hương.

Theo Trần Sĩ Huệ, Tạp chí Xưa & Nay số 294 tháng 10-2007).
Nguyễn Hải Phú – sưu tầm và gửi NISAVA TRAVEL

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *