(NISAVA) – Những mánh vặt mà dân phượt thường trải qua. Khi chưa cần đến thì nó chả có giá trị gì nhưng vào đúng hoàn cảnh, ta sẽ buộc miệng: mẹ ơi, biết trước cũng đỡ quá!
– Sức khỏe cái đã!
Rời thành thị đến một tỉnh thành khác, khí hậu có thể thay đổi, các món ăn lạ với khẩu vị thường ngày cộng với việc phải di chuyển một chặng đường dài và xa nên rất dễ làm bạn mệt mỏi và có thể trở thành bệnh. Nếu bệnh trên đường phượt: bạn sẽ mất đi cơ hội khám phá và chuyến đi trở thành một giai đoạn mệt mỏi, gắng gượng. Lúc ấy, ta lại nghĩ thầm: giá như ở nhà… sướng hơn!
Vậy nên: ngoài việc lên kế hoạch đi lúc rỗi rảnh, lúc rủng rỉnh tiền, lúc thời tiết tốt… thì cần lưu ý đây là lúc cần sức khỏe ‘ngon lành’ nhất – nếu có mệt thì nên dời lại chuyến đi, đừng tiếc.
– Vé ở Bến xe Miền Đông
Bạn có thể đặt vé qua điện thoại. Tuy nhiên, nếu có đem kèm theo xe gắn máy thì vé dặn qua ĐT không có gì chắc chắn cả. Vé người thì có nhưng có thể vé cho con xế không còn (do hầm xe hết chỗ). Phương án 2 là chạy lòng vòng trong bến, hỏi nhà xe khác xem có chỗ cho lộ trình đến nơi bạn muốn không rồi chọn (may mắn là có rất nhiều nhà xe).
Khi chạy xe vào BXMĐ, chỉ mua vé 6k giao hàng (không mua vé 20k gọi là ‘phí bốc vác’). Hút bớt xăng, đem xe vào hầm… nhà xe sẽ lo cho bạn mà không phải tốn đồng nào.
– Nước uống free
Mỗi khách trên xe CLC thường được tặng 1 chai nước 1/2L. Cho dù bạn không uống (vì đã có đem theo rồi) thì cũng nên giữ để súc miệng, rửa mặt. Lưu ý là tránh uống nước nhiều trên xe, nhất là buổi tối hay lúc thấy quá lạnh. Nạp nhiều, chờ xe dừng ‘xả pô’ rất khó chịu đấy. Tốt nhất là chỉ uống một ngụm nhỏ khi khát, súc nhẹ trong miệng rồi nuốt. Nếu bí quá, cần WC thì phải gọi tài xế hay lơ để dừng xe lại thôi.
– An toàn trên xe khách
Đi xe khách, bất kể là ghế ngồi hay giường nằm: cách tạo thêm an toàn cho bạn là phải cài dây an toàn. Có thể không ai cài cả nhưng bạn cứ cài. Nói ngu, nếu có chuyện: dám chừng chả ai còn nguyên vẹn bằng bạn đâu – lúc ấy lại cảm ơn… cái dây an toàn vì nó cứu mạng.
– Áo đi mưa
Dùng áo mưa cánh dơi, bạn không thể chống chọi lại các cơn mưa lớn trên đường. Nhất là khi chạy nhanh, gió giật có thể làm tốc áo che khuất tầm nhìn gây té xe nguy hiểm. Vậy nên bạn cần trang bị áo và quần đi mưa loại tốt: thứ này rất kín và hiếm khi nước lọt vào trong được. Mặc quần trước, mặt áo sau, kéo nón trùm đầu, bấm nút hay rút dây cho nón ôm sát mặt, kéo dây khóa áo – đội nón bảo hiểm, mang kiếng vào. Bây giờ có thể tiếp tục lên đường rồi!
Kiếng mát ở đây có tác dụng chống nước mưa đập thẳng vào mắt. Có thể nước làm lem nhem tầm nhìn đôi tý nhưng bạn vẫn có thể thấy đường mà chạy xe.
Một mảnh bạt nylon mỏng lớn, vài kẹp phơi đồ hay kẹp giấy có thể bảo vệ hành lý ràng sau xe không ướt (nếu túi treo, ba lô của bạn không chống nước). Nhớ kẹp kỹ, đừng để bạt bị cuốn vào bánh sau thì đại họa nghen! Tấm bạt này còn có thể trải nằm nghỉ hay tạo lều cá nhân.
Chạy xe trong mưa nếu buộc phải đi, bằng không thì nên kiếm chỗ trú. Mưa tạo nhiều nguy hiểm do đường trơn, tầm nhìn kém, sấm sét, lũ bất ngờ…, bạn đừng quên nhé.
– Nón bảo hiểm có kiếng
Nón bảo hiểm nếu là loại có kiếng sẽ khá thuận lợi cho chuyến đi xa: kiếng giúp chống bụi, chống chói và chống cả những hạt mưa đập thẳng vào mắt trong cơn mưa lớn. Tuy nhiên, nếu trời nắng gắt thì bạn vẫn có thể bị lột da mặt nếu chạy xe cả ngày. Vậy nên khẩu trang (loại mỏng thôi cho đỡ ngộp) là thứ cần thiết phải có.
– WC trên đường phượt
Tolet không thiếu nếu đoạn đường ta đi đang vượt qua những vùng hoang vắng. Cứ tấp ven đường: vừa xả ‘sú bắp’, vừa nghe tiếng sóng biển, tiếng gió xào xạt, vừa ngắm cảnh trời đất mênh mông… nhưng cẩn thận đừng để gió lộng khiến… ướt hết ống quần hồi nào không hay đấy! Nữ thì cần kín đáo hơn, gốc cây, bụi rậm, tảng đá ven đường… nhưng nếu sợ rắn hay côn trùng thì… Chẹp, cứ núp sau con xế của mình rồi… tự do! Phòng xa thôi, đi một hai mình – nhiều khi cả nửa giờ hơn có thấy bóng ai trên con đường vắng đâu?
Vậy nhưng khi vào khu vực thị trấn, khu dân cư… thì thế nào đây? Chả việc gì phải… nhịn cả, bạn cứ tìm đến một cây xăng ven quốc lộ, tỉnh lộ: hầu như tất cả những trạm xăng ven đường đều có toilet. Nếu xăng còn nhiều, bạn cũng chả cần đổ thêm đâu; cứ tự nhiên đậu xe gần trạm, vô WC của họ và tự nhiên. Xong rồi, rửa tay rửa mặt cho mát – nếu có kiếng soi tại đó thì tút tát lại chút dung nhan và… mỉm cười bái biệt mà không phải mất đồng xu nào đâu. Tuy nhiên đừng quên xả nước sau khi đi vệ sinh nhé, đây là điều tối kỵ đấy!
– Mảnh khăn vuông
Một mảnh khăn vuông mỏng có thể giúp bạn trùm đầu, quấn cổ hay làm khẩu trang kiêm luôn nhiệm vụ che ót. Nắng nóng trên đường kinh khủng lắm đấy: nó có thể khiến bạn rát và dộp da vùng trên mặt và sau gáy – phần lộ ra ánh mặt trời.
Mu bàn tay và bàn chân cũng vậy, ‘đề kháng’ bằng bao tay cụt ngón, vớ mỏng.
– Chụp ảnh
Từ chuyến đi, bạn sẽ được học hỏi tất cả mọi thứ, từ những bỡ ngỡ, đặc biệt mới lạ làm bạn cảm thấy thích thú. Tuy nhiên, bạn sẽ quên dần những điều này khi về để đầu óc dung nạp các tri thức mới. Vậy nên nếu cần viết bài về chuyến đi, nếu lười ghi chép thì hãy chụp thật nhiều ảnh. Ảnh giúp bạn gợi nhớ tất cả những điều đã trải qua… và ảnh cũng là những kỷ niệm tuyệt vời sau này. Máy ảnh số, không phim nên tha hồ chụp – thà bấm thừa còn hơn bỏ sót, bạn nghĩ đúng không?
À, túi chống nước: nếu được bọc quanh máy ảnh thì bạn hoàn toàn không sợ chuyện chụp trong mưa, bạn nhớ nhé. Lũ cuốn, gió lốc, sạt đường trong mưa thường là ảnh hiếm.
Lưu ý là nên chỉnh độ phân giải vừa mức bạn cần thôi, không cần quá ‘khổng lồ’ nếu không có mục đích thi nhiếp ảnh, in ấn – điều này giúp giảm dung lượng ảnh số, chuyển dữ liệu cũng nhanh chóng.
– Bao xốp
Vài bao xốp lớn, ít túi nylon nhỏ loại vuốt liền miệng sẽ cần thiết trong chuyến đi. Bao xốp lớn dùng dựng rác, bọc quần áo dơ, chống ướt cho hành lý. Túi nylon loại vuốt miệng giữ khô ráo bóp, ví, máy ảnh trong cơn mưa. Lưu ý là người dân Cù lao Chàm đã ‘nói không’ với túi nylon. Bạn đem ra thì hãy đem về đủ nhé!
– Giấy tờ cá nhân
CMND, giấy Đăng ký xe, giấy phép lái xe, giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc (nếu bạn chạy xe cá nhân, dĩ nhiên) không thể thiếu khi vào chuyến phượt. Ra các vùng gần biên giới, bạn nên xin thêm giấy giới thiệu (tại xã, huyện hay tỉnh đó) để xuất trình khi biên phòng ‘hỏi thăm’.
Nếu sợ mất giấy tờ cá nhân, bạn có thể mang theo bản photo nhưng nên chứng sao y ở phường trước đó.
– Hòa nhập
Đến những địa danh nổi tiếng về du lịch (ví dụ Vũng Tàu, Nha Trang …), cố gắng đừng tỏ ra mình là khách du lịch nếu bạn không muốn bất kỳ dịch vụ nào cũng bị tính mắc mỏ.
Bạn đi du lịch tĩnh dưỡng, thụ hưởng… hay đi phượt? Nếu phượt, hãy tránh làm mình nổi bật giữa thiên hạ mà nên hòa nhập với cộng đồng. Máy ảnh to thì bỏ túi đeo hay trùm áo khoát, máy nhỏ tiện quá, nhét đâu cũng được – bấm vài phát rồi dúi vào túi ngay. Đừng máy to máy bé đeo lủng lẳng, ăn diện lòe loẹt, nữ trang đỏ ngón… rồi khi kêu tính tiền thấy cái gì cũng… chát!
– Quà cho trẻ
Vài gói bánh kẹo sẽ giúp bạn tạo niềm vui cho bọn trẻ vùng xa và cho cả chính bạn. Trẻ dân tộc đôi khi sợ hãi và chả hiểu bạn nói gì nhưng hãy từ tốn, với nụ cười trên môi… thì ta sẽ giao tiếp được thôi. Áo ấm cũ của con bạn không còn mặc vừa nữa mặc dù vẫn còn tốt? Bạn hãy giặt sạch và xếp để dành. Trong những chuyến vào bản làng vùng cao: đó sẽ là chút quà của bạn trong mùa giá buốt… tặng và cảm nhận nét mặt thích thú của các em và niềm vui lớn trong chính lòng bạn.
– Tập tục vùng cao.
Nhất là vùng núi Tây Bắc – Tây Nguyên: muốn khám phá ở đây, cần phải hiểu sơ qua phong tục tập quán của người dân địa phương để thuận lợi cho chuyến phượt của mình.
Dân bản làng rất thân thiện và cởi mở nhưng nếu không rõ những phong tục tập quán của họ, bạn rất dễ làm mất đi những cảm tình của dân bản dành cho bạn mà bạn đang muốn gây dựng và củng cố.
– Từ điển… địa phương
Đến nơi nhưng không biết địa phương có địa danh gì hay, chốn đẹp lạ?
Nguồn tin chính xác nhất cho bạn sẽ từ chủ nhà nghỉ (nơi bạn trú ngụ), cô hay bác bán bún (nơi bạn vừa ăn sáng hay trưa tại đó). Một thác nước, một hẻm sông đẹp, những bãi đá hoang sơ… đố ai mà biết nhưng người dân ở đấy có thể biết rõ.
Hãy khéo gợi chuyện và rồi nhận thấy đa phần người địa phương nơi ta đến chân thành, sốt sắng hơn người thành phố nhiều. Người ta sẽ tận tình hướng dẫn bạn đường đi nước bước, thậm chí có thể rủ bạn đi một chuyến biển (lưới hay câu) đấy. Hướng dẫn viên địa phương là trẻ em. Bọn trẻ sẽ dắt bạn vượt đoạn rừng đến suối và… không công. Vậy nên chuẩn bị sẳn ít kẹo bánh làm quà.
– Bất ly thân
Tránh để các thứ giá trị như latop, máy tính bảng, máy ảnh, điện thoại… trong ba lô rồi bỏ mặc đó và xuống thác – leo đồi. Ba lô dù có tốt đến cỡ nào, có khóa kỹ… nhưng sẽ bị mở ra và đóng lại chớp nhoáng chỉ bằng một… cây bút bi. Vậy nên những thứ này nên bỏ vào túi đeo vai kè kè bên người – nếu nặng quá thì chuyến sau đừng mang đi, hãy so đo xem nó có thật sự cần thiết không.
Tình thật, có những nơi bọn mình vứt xe lẫn hành lý cả buổi rồi lang thang lung tung nhưng không mất thứ gì. Lại có khi mọi thứ, cả máy tính bảng… bỏ đại trên túi treo xe rồi xuống thác. Chừng lên, mất tiêu… bao kẹo to trong khi những thứ khác y nguyên (he he). Cẩn thận không thừa vì ‘đụng chuyện’ mất vui, lại áy náy vì chính ta ‘gợi lòng tham’ cho trẻ.
– Mặt trời nhỏ
Một cây đèn pin sạc nhỏ (LED) sẽ cần thiết nếu chuyến đi của bạn kéo dài hơn 2 ngày. Đèn khá gọn, rọi xa, có đèn hông… với giá chưa đầy 50k nhưng có thể giúp bạn chạy xe đêm an toàn hơn, báo hiệu khi có xe lớn, sửa xế trong đêm hay soi đường lúc lang thang dưới bãi biển không đèn.
– Ống đa năng
Đoạn ống gen cao su mềm, trong (cỡ nhỏ hơn ngón tay út) dài chừng đôi ba mét có thể giúp bạn cột chặt hành lý, xin xăng (khi hết xăng giữa nơi hoang vắng)… và nhiều công dụng khác nữa. Khi chưa xài đến, bạn gập làm 3 rồi cột lên ghi đông hay baga để không vướng.
– Tiền nong
Nên để tiền ở nhiều nơi khác nhau trong ba lô – túi đeo và để một ít tiền ở ngoài để tiện sử dụng. Khi bạn cần lấy thêm tiền ra, hãy làm điều đó thật kín đáo. Chỉ mang theo một chiếc thẻ tín dụng bên mình và để nó cách xa các giấy tờ khác
(thẻ này chỉ để phòng thân trong trường hợp xui xẻo, ví dụ như mất sạch tiền). Tốt nhất, nên đeo theo ‘vừa đủ xài’ – Khéo co thì ấm.
– Bí đường
Nghiên cứu bản đồ kỹ cách mấy, có sẳn Google Earth trong túi nhưng vẫn có lúc bí đường vì con đường ấy bé quá, hiểm quá nên chẳng thấy trên bất kỳ bản đồ nào. ‘Bản đồ’ cho bạn lúc ấy là trong miệng: hãy hỏi người địa phương sống ven đường. Hỏi vài người (chạy một đoạn rồi dừng lại hỏi) để có hướng đi chính xác.
Trong những chuyến đi của bọn mình, có nơi năm người mình hỏi thì chỉ có… 1 người biết – chắc do địa điểm mình muốn khám phá… ác đạn quá.
– Lãnh địa riêng
Thuê phòng, bày bừa lung tung lại ngại mất đồ: Hãy dặn quầy tiếp tân khi bạn gởi chìa khóa rằng mình không muốn dọn phòng – vậy là không có người khác vào. Riêng đối với nhà nghỉ: bạn có thể thoải mái đem theo chìa khóa. Chủ cũng không dọn phòng nếu bạn không yêu cầu khi ở đôi ngày.
– Thẻ nhớ máy ảnh
Nên có ít nhất 2 cái, chịu khó thay khi vào ngày thứ 2 hay 3… để tránh việc hư hỏng do đánh rơi máy ảnh xuống nước, mất sạch hình.
– Và cuối cùng…
Bạn là người thành phố? Hãy để người địa phương có cảm tưởng tốt về bạn. Ở đây, bạn chỉ là khách lạ, đừng để người dân cảm thấy khó chịu về bạn cùng những thứ bạn mang tới rồi vứt bỏ vùng đất của họ. Đừng nghĩ rằng chút rác mà bạn bỏ lại thì ‘không là gì’ giữa khung cảnh bao la. Một người vứt, ngàn người vứt: cảnh đẹp cách mấy nhưng hứng rác thải của cả ngàn người từ năm này qua tháng khác thì khác gì bãi rác Đông Thạnh đâu?
Hãy luôn nhớ câu nói nằm lòng của dân phượt: “Không lấy gì ngoài những bức ảnh, không để lại gì ngoài những dấu chân”, bạn nhé.
Điền Gia Dũng – NISAVA TRAVEL!