Nếu bạn cần đến một địa chỉ du lịch vừa xa xôi, có phần mạo hiểm, vừa lãng mạn và dân dã, thì Đảo Quan Lạn là một nơi lý tuởng cho bạn. Nơi đây hội đủ các yếu của một địa chỉ du lịch lý tưởng: biển, rừng, kiến trúc, văn hóa… Tuyệt hơn, Quan Lạn còn rất hoang sơ dù cái tên của nó không còn xa lạ.
Đảo Quan Lạn thuộc vùng vịnh Bái Tử Long, đây là tuyến đảo phía ngoài cùng của vịnh Bắc Bộ, là vùng đất được thiên nhiên hào phóng ban tặng nhiều lợi thế. Nơi đây không chỉ hội tụ đầy đủ những yếu tố của 1 danh thắng thiên nhiên mà còn lưu giữ trọn vẹn những giá trị lịch sử, truyền thống lâu đời.
Toàn đảo có diện tích 11 km2, trên đó cư dân sống trong 8 thôn làng. Đảo Quan Lạn trải dài theo hướng đông tây, từ chân dãy núi Vân Đồn tới núi Gót với những ngọn núi cao phía đông, tạo nên như bức tường thành ngăn sóng gió từ biển khơi bảo vệ cho cư dân.
Chạy dọc suốt theo hai bên đảo là những bãi cát dài tới hàng chục kilômét, đây là nguồn nguyên liệu làm thuỷ tinh dường như vô tận của biển cả dành cho con người và là tài nguyên du lịch vô cùng hấp dẫn của vùng. Cát Quan Lạn thật kỳ lạ, trắng hơn bất kỳ cát ở đâu, nhỏ li ti, mịn màng, tinh khiết. Đứng trên bờ biển, bạn có thể nhìn rõ dưới làn nước biển. Cũng dưới làn nước ấy, bạn sẽ thấy đủ các loại sắc màu trong thế giới thủy thần như màu xanh của rêu tảo, đỏ của san hô, trắng đen của muôn vàn loài cá tôm bơi lội. Vũ khúc sôi động quay cuồng không ngừng nghỉ bên dưới những ngọn sóng li ti.
Quan Lạn có rất nhiều loại đặc sản biển quý và ngon như mực, cá chim, cá thu, hải sâm, tôm, sái sùng…
Ngay từ thế kỷ 11, Quan Lạn đã là một trung tâm của thương cảng cổ Vân Đồn sầm uất và thịnh vượng, tàu bè ra vào tấp nập. Hiện nay, trên đảo còn có rất nhiều di tích liên quan tới thương cảng đó. Điều này cũng giải thích vì sao giữa chốn biển khơi mênh mông lại có những ngôi chùa to lớn cùng nhiều di chỉ khảo cổ đến vậy.
Người Pháp cũng cho xây dựng ở đây ngọn Hải đăng án ngữ nhằm xác định vị trí và tọa độ cho các tàu buôn ngày xưa. Đây là ngọn Hải Đăng có từ từ đầu thế kỷ 19, được xem là cổ xưa nhất Việt Nam và Đông Nam Á.
Với kết cấu bên ngoài là vô số những viên đá hoa cương được đẽo gọt và tính toán rất kỹ lưỡng sao cho chỉ cần lắp ghép những viên đá vào với nhau có thể tạo thành một khối vững chắc. Bên trong có 184 bậc thang xoáy ốc dẫn lên đỉnh cùng hàng chục bậc tam cấp dẫn lên đến đỉnh đèn. Tất cả vật liệu xây dựng đều được đưa từ Pháp sang kể cả ngọn đèn có công suất 2.000 w trên đỉnh và máy phát điện.
Ngọn đèn này có thể chiếu xa trong vòng bán kính 40 km tương đương 22 hải lý tạo thành những luồng sáng kỳ ảo, nhấp nháy liên tục như một vì sao theo chu kỳ 20 giây 1 lần. Nếu không có cơ hội được leo lên tận đỉnh ngọn hải đăng khi đêm về, bạn chỉ cần ngồi trên cát cũng có thế thấy trong mỗi 20 giây, ánh sáng đèn lặp lại một cách chính xác tuyệt đối trên biển, quét mạnh mẽ vào không gian.
Tại đây có ngôi đình Quan Lạn được xây dựng từ thế kỷ 18 tuyệt đẹp, hiện nay vẫn giữ lại gần như nguyên vẹn, các đường nét chạm khắc hoa văn tinh xảo. Bên cạnh đình là chùa Quan Lạn (Linh Quang tự) thờ Phật và bà chúa Liễu Hạnh. Trong chùa còn có tượng cụ Hậu, một người dân địa phương góp nhiều công sức xây dựng chùa. Bức tượng là một bà cụ già Việt Nam tươi tắn, hiền hòa, chất phác đã tạo nên nét độc đáo của chùa. Cạnh chùa Quan Lạn là Miếu Nghè Quan Lạn (miếu Đức Ông) thờ Phạm Công Chính, một người dân địa phương đã tham gia trận Vân Đồn lịch sử chống quân Nguyên và được suy tôn là Vị Thần.
NISAVA TRAVEL! – Tổng hợp từ internet