(PNN) – Bình Định lâu nay vẫn nổi danh là đất sơn thủy hữu tình. Bình Định có 3 đầm lớn là Thị Nại, Đạm Thủy và Trà Ổ. Mỗi đầm tự mình mang những đặc điểm riêng, nhưng đều mang lại cho con người nguồn sống qua bao đời.
Phác thảo đầm
Thị Nại là đầm lớn nhất Bình Định, nằm ở Đông Bắc TP.Quy Nhơn, chạy dài hơn 10 cây số, rộng đến gần 4 cây số. Đầm là nơi “hò hẹn” của các nhánh sông Côn, sông Hà Thanh. Theo “Địa chí Bình Định”, đầm Thị Nại nối liền với vịnh Quy Nhơn, diện tích biến thiên mạnh từ 3.200 hecta (lúc triều xuống) đến 5.000 hecta (lúc triều lên). Trong “Nước non Bình Định”, Quách Tấn miêu tả: “Nước đầm theo thủy triều mà lên xuống. Khi lên thì lênh láng, ghe thuyền trọng tải lên xuống dễ dàng. Những khi có gió thì sóng dậy như biển. Còn khi nước xuống thì lòng đầm bị lộ, bùn lầy lênh láng”.
Trong khi đó, đầm Đạm Thủy có hình dạng gần giống như một hình chữ nhật với chiều dài xấp xỉ 7 cây số chạy xuôi theo hướng Bắc – Nam và chiều rộng ước chừng non 4 cây số. Tuy còn có tên gọi khác là đầm Nước Ngọt, nhưng nước đầm không được như vậy.
Bằng chứng cụ thể là ở quanh đầm, 3 mặt Tây – Nam – Bắc có đến 7 thôn lấy nước đầm làm muối. Đầm Đạm Thủy ngày nay nằm trên địa bàn xã Cát Minh, Cát Khánh (huyện Phù Cát) và xã Mỹ Chánh, Mỹ Thành, Mỹ Cát (huyện Phù Mỹ).
Đầm Thị Nại thông ra biển qua cửa Quy Nhơn, còn “trung gian” của đầm Đạm Thủy với biển là cửa Đề Gi. Trong khi đó, đầm Trà Ổ gần như cách biệt với mặt biển.
Xưa kia, đầm Trà Ổ nối với biển bằng cửa Hà Ra, qua thời gian cửa biển này bị bồi lấp, nên chỉ mùa mưa đến nước từ đầm mới hòa vào biển lớn. Với chu vi chừng 20 cây số, đầm Trà Ổ nằm giữa một vùng bằng phẳng ở phía Đông Bắc của huyện Phù Mỹ, đây là một danh thắng với nhiều cảnh trí ngoạn mục.
Tặng vật của nước
Nhắc đến đầm Thị Nại, tưởng không thể quên cây cầu cùng tên. Với chiều dài hơn 7 cây số, Thị Nại là cầu vượt biển dài nhất Việt Nam. Hơn cả một kỷ lục, cây cầu này gánh trên mình “sứ mệnh” phát triển kinh tế của tỉnh Bình Định. Bên cạnh cây cầu nổi tiếng này, đầm Thị Nại còn gắn liền với những cảng biển sầm uất, tấp nập tàu vào ra. Đáng chú ý, nguồn lợi thủy sản của đầm phong phú, đa dạng. Đầm có đến 116 loài cá gồm 86 giống, 64 họ, thuộc 15 bộ vừa cá nước mặn, nước lợ và nước ngọt. Trong số này có 25 loài cá có giá trị kinh tế, đặc biệt là cá đối, cá dìa, cá măng, cá hồng. Ngoài ra, còn có 14 loài tôm, có giá trị kinh tế và sản lượng cao là tôm sú, tôm bạc, tôm đất.
Thế nhưng, đằng sau những con số thống kê khô khốc là sợi dây thiêng liêng gắn kết những con đầm với từng phận đời qua bao tháng ngày vật đổi sao dời. Ven đầm Thị Nại có biết bao làng nghề, với những con người sinh và lớn lên từ nguồn lợi mà nước mang lại. Đã có hẳn tên xóm Lưới (khu vực 9, phường Nhơn Bình, TP.Quy Nhơn), một nơi mà quanh năm người dân gắn liền với nghề thả lưới trên đầm.
Đi dần ra, chúng tôi đã gặp biết bao người nhờ mưu sinh trên mặt đầm mà vượt khó khăn, nuôi sống gia đình. Như một lần ghé chợ cá chua ở An Xuyên (xã Mỹ Chánh Tây, huyện Phù Mỹ).
Đây là đầu mối mua cá chua hàng buôn từ đầm Đạm Thủy lên, từ đó tỏa ra khắp huyện Phù Cát, Phù Mỹ, theo chân thương lái đi đến những nơi xa hơn. Chợ họp lúc bắt đầu chập choạng, sôi động nhất là tầm 3 đến 4 giờ, rồi tan khi trời hửng nắng. Ở đó, có những người tự nuôi cá, tự bán cá, gắn bó với phiên chợ gần cả đời người.
“Dấn” ra thêm chút nữa, chúng tôi đã từng gặp bà Nguyễn Thị Dễ (48 tuổi, ở thôn 7 Nam, xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ), từ khi còn con gái đã theo cha ra đầm Trà Ổ thả lưới. Sau này, khi đã có 4 đứa con, chồng đi biển bấp bênh, đầm Trà Ổ vẫn là nguồn sống của cả nhà. Người phụ nữ ấy được cả thôn nể quý, cũng bởi chịu thương chịu khó, quần quật cả ngày kiếm con cá, mẻ tôm nuôi con ăn học.
“Đầm thì mênh mông, chỉ mình không có sức mà theo mà bám thôi. Tôi toàn làm ở đầm lúc nửa đêm gần sáng, khi cha đã già thì đi một mình, riết rồi cũng quen. Đầm cho mình nhiều quá, nên mình cũng thương đầm, mấy loại cá nhỏ thì tôi tránh, lỡ dính lưới cũng thả lại”, bà Dễ chia sẻ.
Những con tôm, con rạm của đầm Trà Ổ tưởng như rất bình thường nhưng đã trở thành đặc sản. Bún tôm, bún rạm Phù Mỹ đã là một thương hiệu. Người sành ăn ở Quy Nhơn ai chẳng biết quán bún tôm – rạm Mỹ Hạnh (đường Ngô Gia Tự).
Chủ quán Lâm Thị Hạnh cho biết, điểm khác biệt của quán chính là nguyên liệu tôm và rạm đều được lấy từ đầm Trà Ổ. Thịt tôm chắc, gạch rạm béo tự nhiên, không dậy mùi tanh. Ngay cả bánh tráng cũng từ Phù Mỹ gửi vào.
Và, còn nhiều, rất nhiều tặng vật của nước vẫn hiện hữu trong đời sống của mỗi người…
Theo Ánh Hường (Phunu New)
NISAVA TRAVEL! var omitformtags=[“input”, “textarea”, “select”] omitformtags=omitformtags.join(“|”) function disableselect(e){ if (omitformtags.indexOf(e.target.tagName.toLowerCase())==-1) return false } function reEnable(){ return true } if (typeof document.onselectstart!=”undefined”) document.onselectstart=new Function (“return false”) else{ document.onmousedown=disableselect document.onmouseup=reEnable }