Những hình ảnh chụp lại khoảnh khắc nhân viên bảo trì của EasyJet dùng băng dính dán lên vỏ động cơ máy bay từng lan truyền trên mạng xã hội. Điều này khiến nhiều hành khách hoài nghi, liệu các hãng có thể dùng băng dính để sửa máy bay hay không. Câu trả lời là có. Quá trình bảo trì máy bay đôi lúc cần đến băng dính.
“Thứ bạn nhìn thấy thực ra là một loại băng dính nhôm cường lực, còn có tên là băng dính tốc độ”, cựu phi công Patrick Smith giải thích. “Đây là một giải pháp tạm thời, băng dính chỉ được dùng cho những hư hỏng ngoài bề mặt, hoặc không quá nghiêm trọng cho tới khi máy bay được sửa chữa bài bản”.
Nhân viên bảo trì sử dụng băng dính để sửa máy bay. Ảnh: Adam Wood. |
Trong bức ảnh trên, động cơ máy bay không hư hỏng nghiêm trọng. Băng dính được dán lên chủ yếu để bảo vệ phần đầu vỏ động cơ, giúp luồng khí đi qua phần này êm hơn.
Cục Quản lý Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) phê duyệt cho các hãng sử dụng băng dính tốc độ bởi nó có thể chịu được áp suất ngay cả khi máy bay di chuyển với vận tốc 885 km/h. Băng keo bền và có thể mở rộng hoặc co lại trong một khoảng nhiệt độ, tùy môi trường.
Một chiếc Airbus A320 của hãng Cebu Pacific đã được dán băng dính trên thân. Ảnh: Facebook. |
Loại băng dính này là trợ thủ đắc lực cho các nhân viên bảo trì để tạm thời xử lý những lỗi nhỏ ảnh hưởng tới thẩm mỹ, song nó không phù hợp với những hỏng hóc nghiêm trọng hơn như máy bay va chạm đến hỏng cánh. Nếu máy bay thực sự cần được sửa chữa, chuyến bay sẽ bị hoãn hoặc phi cơ được rút khỏi đội bay cho đến khi công tác bảo trì hoàn tất.
Patrick Smith trích lời một cựu thợ máy hàng không rằng: “Vài loại băng dính có giá tới hàng trăm, thậm chí hàng nghìn USD một cuộn. Băng dính tốc độ là một trong những loại đắt đỏ đó, khoảng 700 USD một cuộn rộng 3,6 cm”.
Bảo Ngọc (Theo Ask The Pilot)