(TTO) – Chúng tôi theo con đường nhựa từ trung tâm thị trấn Đức Hòa, qua các xã Đức Hòa Thượng, Đức Hòa Hạ, Hòa Khánh Đông, Hòa Khánh Nam… và “sa vào” vùng đất có danh với thương hiệu đậu phộng Đức Hòa.

< Người phụ nữ tuốt đậu phộng trên ruộng.

Đi qua một đoạn nhà thưa, đồng trống, anh bạn phát hiện những bụi cây được nhổ chất cao trên cánh đồng. Đây đó những người phụ nữ đang ngồi cắm cúi bên những chiếc dù và chòi che nắng được làm bằng những bụi cây vừa nhổ trông thật lạ mắt.

< Cánh đồng đậu phộng bên đường, đậu đã “chín” đang chờ thu hoạch.

Trên đồng, một anh nông dân thấy người lạ nên ngưng việc. Nghe hỏi, anh mới bảo: “À, mọi người đang thu hoạch đậu phộng”.
NISAVA
Lúc này nhìn kỹ mới thấy chi chít những củ đậu dính trên chùm rể cây. Cả nhóm hào hứng xin xuống ruộng “làm thực tế”. Anh nông dân chủ ruộng cởi mở: “Thoải mái, nhưng mà cực lắm”.

< Cánh đồng đậu phộng đang được thu hoạch.

Anh nói mùa này đã hơi trễ vì các ruộng đậu đã nhổ gần hết. Nắng quá nên đậu cũng hết xanh. Sớm một chút, khoảng tháng 2, tháng 3, đi qua vùng này đâu đâu cũng thấy người dân nhổ, lựa, nhặt đậu phộng trên những cánh đồng trải luống…

Trên các cánh đồng, nam giới mạnh tay lo việc nhổ đậu rồi xếp trên luống. Phụ nữ thì tuốt đậu, phần hạt bỏ vô thúng, phần thân bỏ sang bên. Phần thân này trước tiên để luôn trên ruộng cho trâu bò cột thả gần đó ra ăn, phần sau đưa về chuồng gần nhà cũng là cho trâu bò ăn, nhưng là ăn thêm.

< Đậu phộng mới nhổ chất ngay luống chờ người tuốt hạt.

Còn con nít, đi học về, rảnh cũng ra ruộng lượm đậu sót rải rác trên luống.

Trên mảnh ruộng, trong khi các phụ nữ khác ngồi tuốt đậu với găng tay vải sợi, che dù chống nắng thì có một bác gái đứng tuổi lại tuốt bằng tay trần, chỗ bác ngồi cũng không che dù mà có ba cái sào trúc chụm lại, trên là những bụi cây đậu.

< Bông hoa đậu phộng.

Bác vui vẻ giải thích: “Tuốt bằng tay quen rồi. Đeo găng không quen. Còn che dù cứ hay bị gió tạt. Dựng cái chòi mát như vậy xê dịch gì cũng tiện”.

Ngồi sà xuống bên cạnh xem bác làm việc, bác ân cần hướng dẫn: “Đậu phộng này đã để khô, chỉ lấy hạt để người ta ép dầu, làm đậu phộng rang, muối. Còn đậu phộng luộc thì phải nhổ khi thân cây còn tươi lá. Nhổ lên, rửa sạch luộc liền thì đậu mới mềm ngọt”.

< Những phụ nữ ngồi lặt đậu trên ruộng.

Trò chuyện với anh chủ ruộng, anh cho biết năm nay nắng quá nên đậu cho hạt không đều và nhiều. Giá bán tại ruộng 15.000 đồng/ký, trừ đi tiền điện bơm nước tưới thì không lời bao nhiêu.

Đậu nhổ xong thì cho đất nghỉ để canh mưa xuống sạ lúa, còn có trồng tiếp hay không thì anh ưu tư: “Phải coi thời tiết sao đã. Cũng có thể trồng rau màu. Đức Hòa nổi tiếng với đậu phộng. Nhưng trồng mà cứ năm ăn năm thua như vầy thì cũng phải tính cách khác”.

< Thân đậu sau khi lấy hết trái (củ đậu) sẽ được dành cho trâu, bò.

Rời ruộng đậu của anh nông dân hiếu khách, chúng tôi tạt vào quán ven lộ của dì Năm, một phụ nữ xởi lởi, vui tính. Bà bảo đất quanh đây bà con hết, con cái dựng vợ gả chồng, đứa làm xí nghiệp, đứa đi nhổ đậu. Không ruộng nhà nầy thì nhà khác, toàn trong họ.
NISAVA
Ở một mình nên mở bà quán cho vui, mấy bịch đậu rang bày trước quán cũng là bán cho con cháu, để “tụi nó có tiền mua sách vở đi học”.

< Đậu phộng khô bán ven đường.

Rồi dì xách ra một bịch đậu nấu: “Con dâu nhổ hồi sáng, luộc rồi mang qua. Đậu tươi là vậy đó. Vỏ nhũn nhũn hơi xấu chớ ruột ngọt ngay. Dì không dám nói mang tội, nhưng những loại đậu bán vỏ trắng đẹp thường luộc với nước phèn. Ăn nhiều quá không tốt cho sức khỏe”.

Chia tay dì Năm vui tánh, dì cứ lưu luyến: “Hay mưa cô chú lại xuống đi. Mưa xuống cây gì cũng xanh tốt. Còn muốn chụp hoa đậu phộng nở vàng thì ghi lại số điện thoại. Dì nhắc mấy đứa cháu hể thấy nở đẹp thì gọi”.

Rời vùng đất nổi tiếng với đặc sản đầu phộng Đức Hòa, anh bạn đi trong đoàn trầm ngâm, cầu mong mưa thuận gió hòa, để người nông dân thả hạt gì xuống đất cũng bội thu, để bớt đi chật vật trong cuộc sống.

Theo Trần Duy (Tuổi Trẻ)
NISAVA TRAVEL!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *