(BGĐT) – Đã vào tháng cuối năm. Ấy là khi những ngày nắng oi nồng nghiệt ngã phi lý vào đầu đông đã dứt để nhường lại đợt rét chính vụ chậm chạp đến, kéo dài lê thê. Tôi trở lại vùng cao Sơn Động – điểm Đông Bắc của tỉnh Bắc Giang.

< Màu sắc tươi vui, ấm áp là nét chủ đạo trong các phiên chợ vùng cao Sơn Động.

Bao năm nay tôi hay đến vùng đất này. Ấy là có nguyên do. Ban đầu chỉ vì bài hát An Châu cha tôi hát trong căn nhà tre nứa tuềnh toàng ở Đại Từ (Thái Nguyên) những năm kháng Pháp. Bài hát đã đưa tôi một đứa trẻ mới sáu, bảy tuổi đầu tới một nơi xa ngái, lạ lẫm, hoang vu mà cũng đầy bí hiểm.

An Châu rừng núi âm u, đồng lúa hoang vu. Sương mờ nặng trĩu. Rừng cau bát ngát. An Châu chìm đắm trong sương mù… Đó là một đoạn của bài ca. Bài hát ấy mà sau này tôi được biết của Hữu Hiệp – chính trị viên tiểu đoàn – đã theo tôi suốt năm tháng. Cách đây ba chục năm tôi háo hức khi lần đầu tiên tới An Châu – huyện lỵ Sơn Động. An Châu đất đỏ bụi bặm, buồn tẻ, chật hẹp. Những căn nhà ngói tây nằm lạc lõng giữa những căn nhà tường đất thấp tè, lợp ngói âm dương.

Thị trấn không điện sáng trừ trụ sở Ủy ban huyện, cũng chỉ có vài ba tiếng sáng đèn ban tối. Người đi lại thưa thớt. Thi thoảng có vài con ngựa uể oải gõ móng trên đường. Đi cạnh chúng là những người mặc áo chàm với vẻ mặt khắc khổ.

Ngẫm, mấy chục năm dường như chỉ trong chớp mắt. Giờ mỗi lần trở lại vùng cao này thấy bao điều kỳ diệu, tưởng chỉ có trong mơ và trong các câu chuyện cổ tích. Sơn Động hôm nay cũng giống như bao vùng quê của tỉnh và trên khắp đất nước đã đổi thay như thế.
NISAVA
Sơn Động tự hào về rừng, và rừng thực sự là mũi nhọn kinh tế như người ta vẫn ví von; là con đường dẫn tới thoát nghèo bền vững, là giàu có lâu dài. Rừng ở đây là lâm nghiệp, lâm sản, lâm lộc, không phải thu lợi từ rừng nguyên sinh, rừng tái sinh mà là rừng trồng, hiện giờ chủ yếu là cây keo lấy gỗ.

Nếu như huyện Lục Ngạn phía dưới là vương quốc vải thiều thì Sơn Động là vương quốc keo. Keo trập trùng trên các đồi núi, tràn xuống nương bãi. Keo uốn lượn bên bờ sông suối, chạy dài ven đường, tạo một màu xanh thắm bát ngát trong tầm mắt. Thiên nhiên đã trao tặng Sơn Động một Khe Rỗ nguyên sinh huyền diệu, một Tây Yên Tử huyền bí, không những tô đẹp cảnh quan vùng đất này mà đã và sẽ đem tới cuộc sống ấm no cho người dân.

Tôi tới Đồng Rì, thị trấn Thanh Sơn, nằm xa trung tâm huyện lỵ. Nơi đây đã có nhà máy nhiệt điện tạo thêm Núi rừng có điện thay sao như một nhà thơ cách mạng nổi tiếng đã từng mơ ước cho Việt Bắc những năm 60 của thế kỷ trước, dựng lên một sắc màu lung linh cho vùng Tây Yên Tử. Nơi đây đã có một công ty khai thác than thuộc Tổng Công ty Đông Bắc. Công ty vừa sản xuất kinh doanh, vừa gắn liền với việc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế địa phương; vừa làm công tác quốc phòng – an ninh, vừa tham gia xây dựng nông thôn mới cho Sơn Động.

Đã có hơn 1.600 người dân Bắc Giang, trong đó Sơn Động có hơn 1.300 làm ở Công ty, chiếm trên hai phần ba quân số của đơn vị. Vậy là nhiều chàng trai, cô gái Nùng, Dao, Tày, Sán Dìu, Cao Lan tưởng như suốt đời chỉ bán lưng cho đất, bán mặt cho rừng, không hiểu biết gì hơn trong vòng vây núi đồi đã làm chủ máy móc, công nghệ; đã biết văn hóa công nghiệp. Có thể ví von thế này chăng, họ từ trong cánh rừng đã bước ra cánh đồng chan hòa ánh nắng để bước tới con đường lớn thênh thang.

Tôi tới Hữu Sản – một nơi tận cùng phía Bắc của huyện, giáp với huyện Đình Lập (Lạng Sơn) nơi hiện vẫn là xã đặc biệt khó khăn. Đúng là xã nghèo vì theo lời ông Nông Văn Khánh, Bí thư Đảng ủy – Hữu Sản có tới gần một nửa số hộ nghèo, bình quân mỗi người trong năm chỉ hơn tám triệu đồng. Nghèo, nhưng xã rẻo cao với gần ba nghìn nhân khẩu của sáu dân tộc, đông nhất là Tày, đã tất cả có điện sáng, ti vi, tất cả có điện thoại di động, xe máy và có nhiều ô tô tải, xe con.

Xã có nhiều hộ thu về trên dưới trăm triệu đồng nhờ cây keo, mà điển hình là anh em Hoàng Văn Chung, Hoàng Văn Đồng. Hữu Sản hẳn sẽ nhanh giảm nghèo vì hiện tại mỗi năm đã giảm từ bốn đến năm phần trăm hộ nghèo, vì có diện tích cây keo rất lớn, chiếm một phần ba diện tích tự nhiên xã.
NISAVA
Với số tiền thu được từ năm mươi đến sáu mươi triệu đồng mỗi ha, sẽ có thêm nhiều hộ thoát nghèo, vươn tới no đủ. Cây keo chỉ sau 5 năm đã được thu hoạch. Hữu Sản hiện giờ đã đạt chín trên mười sáu tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đó là cố gắng vượt bậc.

Tôi tới Dương Hưu -­­ nơi phía Nam Sơn Động, kề với huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh). Dương Hưu cũng là xã nghèo, đặc biệt khó khăn, với tỷ lệ hộ nghèo non một nửa dân số. Bà con nơi đây hầu hết là dân tộc ít người, đông nhất là người Dao. Dương Hưu có nhiều điểm sáng. Đường giao thông đã bê tông hóa gần hết.

Trạm Y tế xã đã đạt chuẩn quốc gia. Trường học khang trang, kiên cố không khác gì ở đồng bằng. Nhiều làng đạt danh hiệu làng văn hóa. Dương Hưu có thế mạnh về rừng. Diện tích đất đai tự nhiên chiếm tới hơn 9% diện tích toàn huyện. Nơi đây vẫn còn nhiều lâm sản quý hiếm. Cây keo là cây chủ lực xóa đói giảm nghèo. Tôi tới thăm ông già người Dao Bàn Vũ Quyền – một trong những người già có uy tín và điển hình của xã. Giống như bao gia đình người Dao ở bản Mùng, ông nghèo lắm, đã vậy lại đông con.

Là Bí thư Chi bộ, lại là người lính trở về từ mặt trận Tây Nguyên, ông hăng hái đi đầu trong việc nhận đồi núi trọc để trồng rừng kinh tế ngay từ năm 1985. Với chính sách hỗ trợ của Nhà nước, ông đã nhận gần ba chục ha để trồng keo và thông, sau đó với tiền lãi thu được đã mở rộng thêm mấy chục ha nữa. Hiện giờ chỉ nhận 20ha vì chia cho các con. Ông còn nuôi chục con trâu, 11 đàn ong, làm gần 2 mẫu ruộng nương. Năm ngoái trừ chi phí, ông thu về trên dưới 400 triệu đồng, chủ yếu từ bán keo và nhựa thông.
NISAVA
Tôi tới một trung tâm trí thức của con em bà con dân tộc ít người, như nhiều người gọi, đó là Trường Dân tộc nội trú. Đây là nơi mở mang trí tuệ cho thế hệ trẻ và là nguồn đào tạo cán bộ cho huyện suốt mấy chục năm qua. Đã có rất nhiều học sinh từ mái trường này trở thành những nhà sản xuất giỏi, những nhà khoa học quốc gia, những trí thức làm vinh danh quê hương.

Cô giáo Hoàng Thị Việt Hà, người Tày, Hiệu trưởng, có lẽ là một trong những tấm gương tiêu biểu cho thế hệ thầy, cô giáo hôm nay ở trên vùng đất này. Nhiệt tình, năng nổ, say mê sáng tạo, bám trường bám lớp, tất cả vì học sinh thân yêu. Cô Hiệu trưởng liên tục nhiều năm là giáo viên dạy giỏi, là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và tỉnh, được thưởng nhiều Bằng khen của tỉnh và Trung ương.

Tôi trở lại thị trấn An Châu sau những ngày đi từ Bắc tới Nam của huyện rẻo cao này. Vùng đất trập trùng núi, mênh mông núi chỉ thấy màu xanh bát ngát. Ẩn hiện trong đồi rừng, trong lưng chừng núi là những căn nhà ngói đỏ và cả những căn nhà cao tầng. Đường nhựa quanh co. Đường bê tông mờ tỏ bên những rặng cây. Tiếng ô tô ầm ì trong xóm. Sơn Động là một minh chứng về sự tự vượt lên của đồng bào các dân tộc nơi đây, và cũng là một minh chứng về sự quan tâm to lớn, thiết thực, hiệu quả của Đảng và Nhà nước với miền núi và dân tộc ít người.

Sơn Động đã rộn rã vào xuân, đã hối hả chờ đón ngày Tết cả. Hàng hóa bên hè phố đã nhiều hơn. Hàng Tết đã bày bán khắp cửa hàng. Chợ phiên cũng đông nghịt người. Phố phường đã thêm sắc màu. Đường cái nhộn nhịp người đi. Đã nghe một mùa xuân mới vẫy gọi…

Ký của Đỗ Nhật Minh (Báo Bắc Giang)
NISAVA TRAVEL!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *