Đình làng Hạ Thái (Làng Hạ Thái, xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, Hà Nội) thờ hai vị Thành hoàng làng là quan võ thời Lê Bùi Sĩ Lương và bà Đinh Thị Trạch (còn gọi là bà Lạy), người đã tự nguyện nộp mình cho hổ để giải cho dân làng cái hạn phải cống nộp người hàng năm.
Thần phả của làng ghi lại rằng: thủa xưa, vùng đất này còn hoang vu, cây cối um tùm, dân cư thưa thớt. Lúc đó, trong rừng có một con hổ dữ, gọi là hổ lang (hổ thành tinh) thường về làng bắt người và gia súc để ăn thịt. Dân làng không thể thu phục hổ nên đành chịu cống nạp cho hổ mỗi năm một người vào ngày 10/11 âm lịch để được yên lành. Lúc đó, bà Lạy đã già, không có chồng con. Thương xót cho số phận dân làng, bà đã làm lễ khấn trời đất và tự nguyện xin thế mạng cho hổ với một tâm nguyện là cái hạn đó từ nay sẽ được chấm dứt.
Đúng ngày 10/11 âm lịch, hổ đến vồ bà và tha đi mất. Nhưng cũng từ đó, dân làng không còn thấy hổ về quấy phá nữa. Để tưởng nhớ công lao của bà, dân làng Hạ Thái xây miếu thờ bà (nay là đình Hạ Thái), tôn bà làm Thành hoàng làng và lấy ngày 10/11 âm lịch hàng năm là ngày hội làng truyền thống.
NISAVA
Còn quan võ thời Lê Bùi Sĩ Lương sinh ngày 10/3/1544 (Giáp Thìn), là người rất thông minh, văn võ song toàn. Ông đã làm đến chức Thái sư kiêm Điện Tiền Chỉ Huy Sứ. Khi nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê, ông chỉ huy 10 vạn quân tinh nhuệ diệt Mạc phò Lê, đem lại thái bình cho đất nước.
Khi đi qua làng Hạ Thái, thấy nơi đây có địa thế rồng chầu hổ phục, dân cư đông đúc, ông liền cho xây dựng gia trang và dạy dân lập nghiệp. Ông mất vào ngày 10/5/1597 (Đinh Dậu) và được dân làng Hạ Thái tôn làm Thành hoàng làng.
NISAVA
Lễ hội làng Hạ Thái được tổ chức trong ba ngày, từ 09 đến 11 tháng 11 âm lịch hàng năm, thu hút rất nhiều nhân dân và du khách thập phương tham dự.
– Ngày 09/11
Buổi sáng, các cụ ông, cụ bà trong trang phục truyền thống cùng dân làng ra đình để dự lễ mở cửa đình, khai mạc lễ hội. Cụ chủ tế thắp hương, cung thỉnh nhị vị Thành hoàng chứng tâm cho sự thành kính của bà con dân làng. Tiếp đó, lễ chấp thủy tại giếng chùa Hạ Thái được tổ chức. Nước giếng được rước về đình để làm lễ tế phong phục (mộc dục). Buổi chiều, lễ rước cỗ vào đình để lễ Thánh được tổ chức long trọng. Đi đầu là đội múa sư tử, cờ ngũ phương, đội bát âm, đồng văn, sau cùng là cỗ của các xóm trong xã Duyên Thái. Buổi tối, các sư chùa Hạ Thái làm lễ lục cúng với đủ 6 lễ vật bao gồm: hương, hoa, nến (đăng), trà (chè hoặc rượu), quả (các loại hoa quả), thức (oản, xôi nén, cơm).
– Ngày 10/11 (Chính hội)
Buổi sáng, lễ rước kiệu từ đình ra miếu Đức Ông (thờ võ quan Bùi Sĩ Lương) để xin sắc được bắt đầu từ sáng sớm.
NISAVA
Đi đầu đoàn rước là đội múa sư tử, kế tiếp là phường bát âm, đoàn người mang cờ, đồ bát bảo, đội khiêng kiệu. Những người khiêng kiệu đều là những thanh niên khỏe mạnh, đạo đức tốt, chưa có gia đình. Kiệu Ông (kiệu Long Đình) do bốn chàng trai khiêng, kiệu Đức Bà (kiệu Bát Cống) do tám cô gái khiêng. Đi sau đội khiêng kiệu là đội tế nam, đội tế nữ, đội lễ và dân làng.
Không khí rước rất tưng bừng, náo nhiệt trong tiếng trống, tiếng nhạc của phường bát âm và tiếng reo hò của dân làng. Đến miếu, đội tế đem lễ vật vào làm lễ cáo yết Thánh và xin sắc để rước về đình. Khi đội rước yên vị tại sân đình thì đội tế nữ cử hành lễ dâng hương tế Thánh. Buổi chiều, đội tế nam làm lễ tế Thánh. Tối đến, những tiết mục giao lưu văn nghệ của làng Hạ Thái và các làng bạn được tổ chức.
– Ngày 11/11:
Buổi sáng, các đội tế của các làng lân cận trong trang phục truyền thống lần lượt vào làm lễ tế và dâng hương Đức Thánh. Buổi chiều, đội tế nam của đình Hạ Thái làm lễ tế giã hội và phát lộc Thánh cho tất cả mọi người.
Trong những ngày tổ chức lễ hội diễn ra rất nhiều các trò chơi, văn nghệ dân gian như; múa sư tử, múa sênh tiền do các cháu thiếu nhi biểu diễn, hát quan họ trên thuyền rồng, cuộc thi cờ tướng, chọi gà…
NISAVA
Làng Hạ Thái nổi tiếng với nghề sơn mài có lịch sử hơn 200 năm. Sản phẩm sơn mài của Hạ Thái đã khẳng định được thương hiệu từ lâu nay: bóng, mịn, đẹp, có độ bền cao; được kết tinh từ đôi bàn tay khéo léo và sức sáng tạo của những người thợ tài hoa. Nhờ nghề sơn mài, người dân Hạ Thái đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Ngày nay, hai bên những con đường được trải nhựa, sạch sẽ, các hộ mặt đường kinh doanh bán hàng, chợ làng họp tấp nập, nhiều căn nhà xây dựng kiên cố. Thỉnh thoảng, du khách có thể bắt gặp những kiến trúc cổ dọc lối đi.
Nét đẹp cổ kính của cổng làng Hạ Thái xưa kia, giản dị, yên bình vẫn còn đó, ẩn sâu bên trong là cả một bề dày về lịch sử và văn hóa truyền thống. Song hành cùng tồn tại với kiến trúc đường làng, ngõ xóm cũ trước đây là sự phát triển của trung tâm kinh tế mới của làng nghề đang ngày càng được mở rộng, để bắt nhịp với tốc độ phát triển của nền kinh tế toàn cầu.
Theo TTTTDL – Huy Hoàng, ảnh KTĐT
NISAVA TRAVEL!