(TTO) – Không còn mộc mạc quê mùa, các món ăn làm từ cua đồng giờ đã đường hoàng đi vào nhà hàng, quán ăn, góp phần làm phong phú danh mục ẩm thực. Đáng kể trong đó là món lẩu riêu cua đồng miệt đồng.

Người miền Tây có câu Gió đưa gió đẩy về rẫy ăn còng/ Về sông ăn cá về đồng ăn cua ca ngợi vùng đất trù phú, cá tôm hào sảng, nhất là cua. Cua đồng xưa nhiều vô số kể, nhiều đến nổi người ta bắt đem phơi khô bán cho các cơ sở chế biến thức ăn gia súc với giá rẻ như bèo. Thế nhưng, từ vài ba năm trở lại đây con cua bé nhỏ nầy lại lên ngôi, nhất là mùa nắng.

< Cua đồng mùa nắng bán với giá rất cao.

Cua là món ăn dân dã vốn chỉ là món ăn của người nghèo miệt đồng. Còn bây giờ, thịt cua giàu dinh dưỡng và có tác dụng chữa trị một số bệnh thông thường được nhiều bà nội trợ và các nhà hàng biến tấu thành nhiều món ngon, bổ dưỡng.

Ngoài việc sử dụng càng, thịt, nhiều người còn chế biến riêu cua để bán ra thị trường như một đặc sản. Muốn làm riêu, người ta rửa cua cho thật sạch, bóc bỏ vỏ yếm, nạo lấy gạch để riêng, sau cùng đem đâm hoặc cho vào máy xay thật nhuyễn. Sau đó đem lượt lấy nước rồi cho vào nồi nấu chín. Nếu chuyển đi xa thì dùng bột riêu đóng gói, ướp lạnh.

Riêu cua có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như bún riêu cua, canh cua, cháo cua… độc đáo nhất là lẩu cua đồng. Món lẩu cua tuy là món món ăn quen thuộc nhưng mỗi nơi, mỗi người đều có cách chăm chút tỉ mẫn khác nhau nhằm nâng cao chất lượng, giúp thực khách càng ăn càng khám phá ra nhiều điều thú vị.

Tại miền Tây, đa phần các nhà hàng đều chọn thịt cua đồng làm nguyên liệu chính, không đủ riêu cua tươi thì để đông lạnh. Ngoài ra còn có các loại hải sản như chả cá thát lát, chả ốc bươu, chả nghêu, hàu… tôm, mực tươi.

Muốn món lẩu cua đồng đạt mức tuyệt hảo, nồi nước lẩu ở các hàng quán còn được tinh lọc từ xương heo hoặc thịt gà, cộng thêm một số rau quả tạo vị ngọt đậm đà, tự nhiên và mùi vị đặc trưng. Một vài nơi chế biến món lẩu cua không kém phần cầu kỳ, như dùng riêu cua dồn vào mai cua, vào cọng rau muống, đậu bắp, rau ngổ… giúp người ăn thấy lạ miệng, thú vị.

Có thể coi lẩu cua đồng như một món canh ăn kèm với cơm, nhưng ở hàng quá thường ăn lẩu kèm bánh đa hoặc bún. Dù thưởng thức cách nào, món lẩu cua đồng vẫn là món ngon, hương vị lạ, hấp dẫn. Dân sành thì điệu coi đây là món “lai rai” hết ý.

Ngoài cua và hải sản, lẩu cua đồng không thể thiếu các loại rau, củ, quả nhưng phải là loại rau bình dị, thân quen và ngọt lành mới đúng điệu. Tuyệt nhất là mồng tơi, rau dền, rau cần nước, cải trời, tía tô, bầu, mướp, bông bí, điên điển, lục bình… và các loại nấm. Không chỉ kích thích vị giác, chúng nó còn có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu thực.

Nhìn các món ăn phơi bày trên nồi lẩu một cách hài hòa đẹp mắt với đầy đủ màu sắc, mùi vị quyến rũ cũng đủ tác động vào mọi giác quan.

Bên cạnh nồi lẩu tỏa hơi nghi ngút, chỉ cần một làn khói mỏng bốc lên từ cái mùi thanh tao dịu ngọt của miếng riêu cua hòa cùng thứ nước mằn mặn, cay cay thơm nồng, cũng đủ làm cho người ăn háo hức, ăn đến vã mồ hôi mà vẫn thấy thèm. Mùi vị quấn quýt mãi không thôi.

Theo Hoài Vũ (báo Tuổi Trẻ)
NISAVA TRAVEL!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *