(DTO) – Càng gần đến cuối năm, những người thợ ở làng nghề Nam Diêu (P. Thanh Hà, TP.Hội An) nỗ lực chạy đua với thời gian để sản xuất những mẻ tượng táo quân cung ứng cho thị trường tại Quảng Nam, Đà Nẵng và các tỉnh thành ở khu vực miền Trung.
Làng gốm Thanh Hà là nơi ra đời của hàng nghìn tượng ông Công, ông Táo dưới bàn tay tài hoa của những người nghệ nhân. Những ngày này, tượng đang được hoàn thành gấp rút để lên xe đi khắp mọi miền cho kịp ngày 23 tháng Chạp có mặt trên mâm cúng.
Theo quan niệm của người xưa, trên mâm cúng tiễn Táo quân về chầu trời ngoài bánh trái, xôi chè… thì bao giờ cũng phải có bức tượng ông Công, ông Táo mới trọng vẹn.
NISAVA
Bởi vậy, bắt đầu từ tháng 11 hàng năm, những nghệ nhân làng gốm Thanh Hà (Hội An) lại bắt đầu nổi lửa làm tượng.
Nghề đúc tượng ông Công, ông Táo bằng đất sét để cung ứng cho thị trường ngày “tiễn đưa các Táo về trời” đã có từ hàng trăm năm nay.
Trước đây nhiều người theo nghề, nhưng do giá thành quá rẻ so với công sức bỏ ra nên hiện nay chỉ còn vài hộ dân tại làng gốm Thanh Hà vẫn còn giữ nghề.
Theo những người thợ làm tượng, để làm ra một tượng Táo quân đẹp mắt và đạt chất lượng, người thợ phải tỉ mỉ từng công đoạn: nhồi đất cho nhuyễn, phơi khô phải đủ 2-3 nắng hoặc sấy, nung 3 ngày 3 đêm, sau đó đợi 2 ngày cho tượng nguội rồi sơn tượng…
NISAVA
Khi mới đúc, tượng đất thường rất dẻo và chưa cố định về hình dạng. Lúc này, người thợ cẩn thận gia công lại bằng tay, đặt nhẹ xuống đất hoặc thanh gỗ để tạo bề mặt phẳng giúp tượng đứng thẳng được. Sau đó tượng được phơi nắng đến lúc ráo mới cho vào lò nung.
Tượng Táo quân được bán với giá từ 1.500-2.000 đồng/tượng tùy theo loại. Cứ mỗi dịp cận Tết cổ truyền của dân tộc, các gia đình làm nghề ở Thanh Hà sản xuất khoảng từ 30-60.000 tượng để cung ứng ra thị trường.
Ông Nguyễn Văn Chín là một trong những gia đình sản xuất Táo quân nổi tiếng ở làng gốm Thanh Hà. Ở mảnh đất chật hẹp trước nhà ông là nơi hàng nghìn Táo quân ra đời mỗi năm.
NISAVA
Ông Chín cho biết, gia đình ông dự định làm hơn 60.000 tượng táo quân nhưng năm nay nhà có việc nên chỉ sản xuất khoảng 35.000 tượng thôi. Thị trường năm nay khá sôi động, gia đình ông phải làm xuyên đêm mới có hàng giao cho khách.
“Nghề này cha truyền con nối, có lịch sử đã gần 200 năm. Đây là nghề văn hóa tâm linh rất ý nghĩa, dù nhiều người bỏ nghề nhưng gia đình tôi vẫn cố gắng truyền thụ cho con cháu phải yêu và giữ lấy nghề. Để mỗi dịp 23 tháng Chạp hằng năm tượng Táo quân lại có mặt trên mâm cúng của các gia đình, góp phần duy trì truyền thống văn hóa của dân tộc”- ông Chín chia sẻ thêm.
Cuộc sống ngày càng hiện đại, những nét văn hóa truyền thống xưa cũ cũng dần bị lãng quên nhưng đâu đó vẫn còn những con người hàng ngày đem niềm say mê, tâm huyết của mình cống hiến cho đời, góp phần gìn giữ nét văn hóa truyền thống của dân tộc.
NISAVA
Và những người thợ làm tượng Táo quân của làng gốm hàng trăm tuổi Thanh Hà vẫn mong có người mai sau nối nghiệp, để Tết đến những bức tượng ông Công, ông Táo vẫn còn hiện diện trong gian bếp gia đình Việt.
Theo N.Linh (Dân Trí)
NISAVA TRAVEL!