(BQN) – Ngay cả với nhiều người Quảng Nam bây giờ, nghe đến địa danh Tắk Pỏ vẫn còn thấy ngơ ngác, chẳng biết ở phương trời nào. Nhưng khi có dịp đặt chân đến vùng rừng núi điệp trùng của huyện Nam Trà My hôm nay, mọi người sẽ thấy ngỡ ngàng với nhiều cảm xúc thú vị…

< Bản làng của người Xơđăng ngập trong nắng chiều.

Giữa ngày hè nóng rát, mấy “chị chàng” văn nghệ tỉnh lẻ ngẫu hứng bất chợt cùng kéo nhau lên Tắk Pỏ. Ban đầu ngỡ không xa lắm, nên ai cũng háo hức cố đi cho biết. Ai dè chiếc xe Ford phải gồng mình qua quãng đường ngoằn ngoèo hơn 110km mới chạm đến chân thị tứ của huyện Nam Trà My.

< Kho thóc của người Xơđăng dưới chân núi Ngọc Linh.

Vừa đặt chân đến trung tâm huyện, anh Lê Ngọc Kích – Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My đón chúng tôi như những người thân lâu ngày tìm về làng cũ! Không khí thân mật, nhiệt tình kích thích bầu máu nóng của đám “dân phố” từ già đến trẻ. Mặc dầu mới đổ bộ lên đây còn mệt nhoài, nhưng chân ai cũng thấy háo hức, vì thực sự cảnh trí, núi rừng ở đây vẫn còn đang rất… thiên nhiên.  Mọi người tự vẽ “đường bay” để cố thu vào tầm mắt lạ lẫm về cuộc sống và cảnh hùng vĩ của dải đất biên ải phía tây nam đất Quảng.
Nhưng đâu phải lúc nào cũng mơ được, ước thấy…

Mây đen đang sà xuống trên khắp dãy núi cao, báo hiệu một buổi chiều không thuận lợi. Dù vậy, mọi người quyết tâm vượt núi để đến xã Trà Nam trước cơn mưa rừng. Bởi nghe nói ở chót vót vùng đất biên viễn này đã được ông Bí thư Thành ủy Đà Nẵng lên thăm, quyết định việc Đà Nẵng hỗ trợ xây một ngôi trường cấp II bề thế với kinh phí hơn 10 tỷ đồng. Hình như ông trời cũng không nỡ phụ lòng người. Chúng tôi tìm đến ngôi trường mới xây giữa chiều còn hửng nắng. Quả thực, khi nhìn tận mắt ngôi trường khang trang, với hai dãy tầng lầu giữa đại ngàn vời vợi tôi cảm thấy thấm đẫm chất nghĩa tình.

< Thưởng ngoạn bởi những âm điệu của trống, cồng chiêng và cả điệu múa Xoang truyền thống của thiếu nữ Xơ đăng.

Tuy các thôn, nóc của đồng bào dân tộc còn rất thưa thớt và ở sâu dưới các khoảnh ruộng bậc thang, nhưng ngôi trường Phổ thông Cơ sở Trà Nam này đủ làm sáng lên sắc diện văn hóa của cuộc sống chốn thâm sơn. Từ cổng trường Trà Nam, người hướng dẫn của Phòng VH-TT huyện chỉ về hướng tây bắc giới thiệu: “Còn vài khoen rựa nữa sẽ đến chân dãy Ngọc Linh. Đó là nơi duy nhất trồng được loài sâm quý, được đánh giá là hơn hẳn sâm Cao Ly”. Nhưng lần này, ông trời đùng đùng nổi cơn sấm chớp. Anh em đành lặng lẽ rút lui trong sự tiếc nuối, vì ai cũng đã “lên dây cốt” tinh thần chuẩn bị vượt qua mấy con núi chạm trời, để được tận mắt nhìn thấy… cây sâm Ngọc Linh.

Trên đường xuống núi, trời bắt đầu chạng vạng. Những đám mây vần vũ đang khóa kín các cửa rừng bao quanh. Bỗng nhiên, từ các thung lũng, các triền núi ánh lên ánh điện lung linh, mờ ảo. Những kẻ “dân phố” như chúng tôi cũng thấy vô cùng lạ lẫm, reo lên: “Ở đây cũng có điện!”. Hóa ra, cảnh rừng già đâu còn là cõi heo hút như xưa, ánh sáng của văn minh đã được những bàn tay người thợ không quản nhọc nhằn mang đến thắp sáng tự bao giờ. Vừa về đến trung tâm huyện, tôi vội vã gặp anh Lê Ngọc Kích hỏi cho ra cơ sự. Anh nói ngay: “Cả huyện Nam Trà My có 10 xã, 43 thôn, 112 nóc. Đến nay đã có 10/10 trung tâm xã có đường ô tô và điện chiếu sáng; 2/3 số thôn và một số nóc gần đường lớn đã có điện từ nhiều năm nay”. Đến lượt tôi phải xuýt xoa về thông tin thú vị này.

< Đến Tắk Pỏ bạn sẽ được thưởng thức hương rừng Trà My bên ché rượu cần ngay ngất hương thơm.

Mọi người thử tưởng tượng, ngay mấy xã vùng đông như ở huyện Thăng Bình mà đến 2008 vẫn còn “ăn đèn, ngủ điện”. Trong khi đó, huyện Nam Trà My mới được sinh thành chưa tròn 10 tuổi, chưa kể điều kiện khắc nghiệt của vùng cao, núi thẳm… Thế mà nhiều thôn, nóc giữa rừng cách trung tâm huyện gần 50 cây số đã sáng đèn điện, đồng nghĩa với việc bà con các dân tộc nơi đây đã bắt đầu hòa nhập vào đời sống văn minh, hiện đại. Những gì vừa được “sở thị” giữa đại ngàn mênh mông này khiến chúng tôi phải ngả mũ thán phục. Để có được những chấm sáng tuy còn bé nhỏ, nhưng giữa điệp trùng mây núi hòa quyện này đủ chứng nghiệm cho tâm huyết, mồ hôi của đội ngũ cán bộ, chính quyền huyện mới Nam Trà My. NISAVA

Hơn một ngày lưu lại Tắk Pỏ, chúng tôi cố giật lùi thời gian để hình dung, đối chiếu. Tôi nhớ trước năm 2003 – năm chuẩn bị chia tách huyện – đã có lần tôi “lạc lối” đến đây. Nghe tiếng là “thị tứ Tắk Pỏ” nhưng chỉ có dăm ngôi nhà gỗ, nằm cạnh bãi đậu xe loang lổ với nhiều ổ voi, ổ trâu. Đường sá thì qua khỏi thị trấn Trà My – Bắc Trà My bây giờ – chủ yếu là “dấu xe hai bánh với lởm chởm đá núi” như một người dân tộc Co miêu tả. Thế mà giờ đây, trục đường nhựa chính từ dưới xuôi lên trườn qua khỏi thị tứ mới hình thành, lên tận xã vùng biên Trà Nam.

< Thiếu nữ Xơđăng bên bến nước làng.

Phía dưới trung tâm huyện còn có hai ngả rẽ: một đi Đắk Tô – Tân Cảnh và một nối với tuyến đường Đông Trường Sơn. Một cảnh tạo tác như mơ. Đường sá thông thoáng; điện về giăng mắc khắp nơi đã làm thay đổi diện mạo cuộc sống của người dân Tắk Pỏ trước đây. Nhiều dãy nhà, quán xá mọc lên với tinh tươm biển hiệu. Thậm chí, cái tên thị tứ đặc trưng gắn bó mấy đời của đồng bào dân tộc cũng không còn nghe ai nhắc đến. Bây giờ người ta chỉ biết nơi đây là thị tứ xã Trà Mai, hoặc trung tâm hành chính huyện. Sắc thái mới của nhịp sống đang lan tỏa trên những triền đồi, trong các ngành thông tin, dịch vụ – dự báo cho tương lai sẽ là một thị trấn  sầm uất của vùng cao.

Công cuộc bạt núi, phá đồi đang mở ra nhiều triển vọng “đổi đời” cho cuộc sống người dân vùng cao. Thanh niên dân tộc thiểu số trong các thôn, nóc không còn thấy gùi cõng lên thị tứ như xưa mà giờ đây mọi thứ được vận chuyển bằng xe máy nhiều loại. Trong quán cà phê góc núi, tôi còn nghe líu ríu những giọng Kinh chưa chuẩn đang tán chuyện “cập nhật thông tin” trên báo mạng… Những việc mà nhiều người đã gắn bó với đất này còn thấy bất ngờ, kể chi là khách qua đường như chúng tôi. Bởi thế, những “chị chàng” chưa hết bần thần say xe, chừng như giờ đây muốn gật gù say cảnh…

Với sự phát triển “chậm mà chắc”, có lẽ trong tương lai gần địa bàn Nam Trà My sẽ là một điểm sáng trên bản đồ du lịch Quảng Nam. Bởi nơi đây không chỉ có thiên nhiên hùng vĩ, cảnh sắc thơ mộng mà còn có cả lực hút của một vùng văn hóa bản địa chưa bị pha tạp.

Theo Ngô Phú Thiện (Báo Quảng Nam), ảnh từ Nam Tra My
NISAVA TRAVEL!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *