(Tiếp theo) – Tạm thỏa thuê một góc cù lao của ‘vùng đất rồng’ rồi thì bọn mình trở ra. Vậy nhưng cũng còn một điểm phải ghé lại trên đường Long Phước nữa. Ngoài ra, nếu có thể thì ghé tham quan phim trường quận 9 luôn.
< Đường cao tốc Long Thành – Dầu Giây vẫn còn mờ ảo trong sương sớm. Mà sớm gì, lúc này đã hơn 7h rồi.
Đang ở địa phận Q9, vậy nên mình đề cập chút thông tin về nơi này nhé.
Theo thông tin tổng hợp từ internet thì Quận 9 là một quận ngoại ô của Thành phố Hồ Chí Minh. Quận được thành lập theo Nghị định số 03-CP của Thủ tướng Chính phủ ngày 6 tháng 1, 1997 – tách ra từ huyện Thủ Đức cũ.
< Trên đường Long Phước lúc trở ra, lúc này nắng đã lên rồi.
Quận 9 xưa kia vốn là vùng đất hoang rừng rậm, thú rừng sống thành từng đàn, dân cư thưa thớt, hầu hết sống trên vùng cao chuyên các nghề nương rẫy, chăn nuôi và săn bắt, không quen làm lúa nước.
< Chợ Long Phước đây, chỉ là chợ vùng quê nhưng khá lớn, người mua bán tấp nập.
Đến thế kỷ 15, sau khi cuộc kháng chiến chống quân Minh của nhà hậu Trần thất bại, tàn quân rút vào thuận hóa là tuyệt lộ, một số bỏ chạy sang lào, một số qua Chiêm Thành, số còn lại xuống phía Nam. Số người này đã bắt tay vào việc khai phá rừng rậm, cuốc xới, gieo trồng lúa nước là ngành nông nghiệp và sống chung hoà hợp với dân bản địa, tạo thành một cộng đồng dân cư ngày càng đông đảo.
< Xe mình vứt trước chợ nhưng cái cây trong ảnh che mất. Còn ‘nửa kia’ đâu?
Bà xã vào trong kiếm gì mua sắm. Vậy nhưng do ý định chưa về nên hàng hóa mua được chỉ là nải chuối sứ thật no tròn và rất ngọt.
Từ năm 1623, để mở rộng giang sơn các chúa Nguyễn đã tạo mối thiện cảm đối với triều đại Chân Lạp, để đưa dân cư từ vùng Thuận Quàng vào lập nghiệp…
< Con gà tre cô đơn cứ quẩn quanh bên chân mình hoài. Nắng vàng rượm…
Đối diện chợ là bến xe buýt thông tuyến từ trung tâm thành phố qua đây (vị trí nơi này >)
Đến năm 1698 chúa Nguyễn Phúc Chu sai Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào đây kinh lý, lấy đất Đồng Nai lập ra phủ Gia Định, lấy đất Đông phố lập huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên, đất Sài Gòn lập huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn, đặt quan chức cai trị hành chánh, quân lính trong coi về quốc phòng.
< Bạn thấy không: trong ảnh là xe buýt đã rời bến Long Phước về trung tâm Sàigòn sau khi chạy ngang đền Hùng Vương và một phần quận Thủ Đức.
Phượt Sàigòn bằng xe buýt? rất có thể thực thi tốt đó bạn.
Năm 1808, năm Gia Long thứ 7 huyện Phước Long được nâng thành bốn huyện Phước Long được nâng lên phủ Phước Long, bốn tổng được nâng lên thành 4 huyện. Mỗi huyện được chia làm 2 tổng Long Vĩnh và Thành Thành Tuy, lấy hai chữ tên huyện đặt lên đầu tên hai tổng, quận 9 lúc đó thuộc tổng Long Vĩnh.
< Định vào khi đến phim trường Q9. Vậy nhưng thấy phần thành lũy bê tông bao ngoài thì oải. Oải thì lại đi, đỡ tốn tiền mua vé.
Vị trí phim trường ở đây.
Năm 1821, Qua triều Minh Mạng, năm thứ 2, địa bàn hai tổng được chia làm bốn tổng. Năm 1836 vua Minh Mạng mới củ phái bộ Trương Đăng Quế, Trương Minh Giảng thực hiện công cuộc đo đạc toàn thể ruộng đất trên cả sáu tỉnh Nam Kỳ. Từ đó các thôn phường mới có địa bộ chính thức.
< Do cập dài theo đường Long Thuận là con rạch nhỏ nên lối vào nhà dân phải qua những cây cầu. Ví dụ đây là lối chung cho cả xóm: cầu Bác Ái.
Năm 1837, Đời vua Minh Mạng thứ 18, ranh giới hành chánh của tỉnh Biên Hòa có sự thay đổi. Hai Huyện Long Thành Và Phước An được tách ra khỏi phủ Phước Long để thành lập phủ mới lấy tên là Phước Tuy. Tình trạng đó kéo dài mãi cho tới khi người Pháp đánh chiếm tỉnh Biên Hòa, thành lập chính quyền thực dân.
< Còn lối đi riêng cho một vài hộ gia đình sẽ là cầu không tên nhưng có cửa khóa.
Thậm chí có cầu với cổng sắt kính cổng cao tường, đóng im ỉm.
Năm 1862, theo hòa ước Nhâm Tuất, sau khi được làm chủ ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ người Pháp muốn thi hành chính sách trực trị, bèn bỏ hết cấp tỉnh, phủ, huyện chia địa bàn tỉnh thành 13 địa hạt (Arrondisements), trong đó tỉnh Biên Hòa cũ được chia làm 5 địa hạt.
< Ra đến ngã 3 Long Thuận và Nguyễn Duy Trinh: nếu rẽ trái là về nhà nhưng mình rẽ phải vào đường Nguyễn Xiển – phải đi tiếp chứ!
Năm 1867, sau khi chiếm trọn Sáu tỉnh Nam Kỳ, người Pháp chia toàn địa bàn 24 đơn vị hành chính gọi là hạt thanh tra (Inspections), sau đổi thành tham biện (Administrateur). Nơi trụ sở gọi là tòa tham biện, người Việt quen gọi là tòa Bố.
< Sương vẫn còn giăng mắc hai bên đường, trên những trảng cỏ và bụi rậm ven các ao hồ.
Ngày 05 tháng 6 năm 1871, thống đốc Nam kỳ ra nghị định giải thể tòa tham biện Long Thành, sát nhập phần đất vào các toà tham biện lân cận, do đó các làng thuộc tổng Long Vĩnh Hạ được sát nhập vào hạt tham biện Sài Gòn.
< Ngã 3 đường Nguyễn Xiển và đường Lò Lu. Lò Lu sẽ dẫn vào dự án Trung tâm Hành chính Quận 9 và sau đó sẽ nối vào đường Lã Xuân Oai.
Vậy nhưng bọn mình chạy thẳng, hướng đi Long Thạnh Mỹ.
< Chạy qua cây cầu bắt ngang dòng sông khá lớn, đây là cầu Trao Trảo.
Năm trước, người dân ngụ tại phường Trường Thạnh, quận 9 – TPHCM phản ánh ngay đường dẫn lên cầu Trao Trảo trên đường Nguyễn Xiển có một khúc cua gắt rất nguy hiểm nhưng không có biển báo nên thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông. Vậy nên ngày nay đã có biển báo và cả gờ giảm tốc.
< Ven chân cầu có nhiều vườn tược, có cả vườn lan.
Năm 1920, tỉnh Gia Định được chia làm 4 quận: Thủ Đức, Hóc Môn, Gò Vấp và Nhà Bè. Ngày 10 tháng 10 năm 1965, tổng Long Vĩnh Hạ lại được tách khỏi quận Dĩ An, nhập trở lại quận Thủ Đức.
< Vẫn là đường Nguyễn Xiển, con đường dài này kéo dài đến tận xa lộ Hà Nội, đoạn gần cầu Đồng Nai. Tuy nhiên, bọn mình cũng sắp quẹo rồi.
Trước mặt dường như lại có cây cầu…
< Đây là cầu Gò Công (vị trí tại đây). Cầu Gò Công quận 9 chứ không phải cầu ở dưới Gò Công – Tiền Giang đâu nhé.
Năm 1967 xã An Khánh được cắt khỏi quận Thủ Đức, nhập vào thành phố Sài Gòn và được thành lập quận 9 với hai phường là An Khánh và Thủ Thiêm. Qua năm 1972 trên địa bàn Thủ Đức lại được lập thêm một xã mới là xã Phước Bình.
< Rồi lại vượt tiếp cây cầu nhỏ có tên là cầu Rạch Hầm. Miệt sông nước mà, cũng chưa hà rầm như dưới miền đồng bằng sông Cửu Long đâu.
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, quận Thủ Đức đổi thành huyện Thủ Đức và trực thuộc Thành phố Hồ Chí Minh, gồm 1 thị trấn Thủ Đức và 22 xã: Linh Đông, Linh Trung, Linh Xuân, Tam Bình, Tam Phú, Hiệp Bình Phước, Hiệp Bình Chánh, Hiệp Phú, Tân Phú, Phước Long, An Phú, An Khánh, Thủ Thiêm, Bình Trưng, Thạnh Mỹ Lợi, Long Bình, Long Thạnh Mỹ, Tăng Nhơn Phú, Long Phước, Long Trường, Phú Hữu, Phước Bình.
< Qua cầu một đoạn thì thấy ngã 3: chạy thẳng vẫn là Nguyễn Xiển còn rẽ trái thì vào đường Nguyễn Văn Tăng.
Lúc này, ‘bộ nhớ’ không còn đủ dữ liệu dù mình biết rằng đi đường nào cũng ra xa lộ Hà Nội – chỉ xa hay gần thôi. Vậy nên sau khi hỏi người qua đường vài câu, bọn mình chọn rẽ trái.
< Chạy qua cổng chùa Bửu Sơn. Hôm sau nghiêng cứu hình ảnh mới biết rằng Bửu Sơn là ngôi chùa có giá trị về kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu cho kiến trúc của các đình, chùa tại Nam bộ.
Chùa đã được UBND thành phố xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật theo quyết định số 2209/QĐ-UBND ngày 28/4/2012.
Vài hôm nữa mình sẽ có bài về chùa này, vị trí chùa tại đây.
< Chạy thêm nửa cây số thì gặp chợ Long Thạnh Mỹ rất xôm tụ.
Đến ngày 6 tháng 3 năm 1997, theo nghị định 03/CP của Thủ tướng Chính phủ, huyện Thủ Đức tách ra thành 3 quận là quận 2, quận 9, và quận Thủ Đức.
< Sắp hết đường Nguyễn Văn Tăng do phía trước là ngã 4. Bọn mình vẫn chạy thẳng để vào Lê Văn Việt: con đường sẽ chạy ngang Khu Công Nghệ cao thành phố HCM.
Ngày 6 tháng 1 năm 1997, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 03-CP tách huyện Thủ Đức ra thành 3 quận là quận 2, quận 9, và quận Thủ Đức. Trong đó: thành lập quận 9 trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số các xã Long Bình, Long Thạnh Mỹ, Long Phước, Long Trường, Phú Hữu, Phước Bình, Tăng Nhơn Phú, cộng thêm 484 ha diện tích tự nhiên và 15.794 người trích từ xã Phước Long, 891 ha diện tích tự nhiên và 13.493 người trích từ xã Hiệp Phú, 140 ha diện tích tự nhiên và dân số trên đây được chia làm 13 phường – trong đó có phường Long Thạnh Mỹ, phường Tăng Nhơn Phú A mà mình đã chạy ngang.
< Khu công nghệ cao nằm bên Xa lộ Hà Nội, Quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh, cách trung tâm thành phố khoảng 12 km. Khu công nghệ cao có diện tích giai đoạn 1 là 300 ha.
< Do đường Lê Văn Việt cắt ngang khu Công Nghệ Cao nên đây là cặp cầu vượt Hi-tech park nối liền 2 khu vực lại.
Hiện tại đây đã có nhiều công ty trong và ngoài nước hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao đầu từ xây dựng nhà máy, trong đó đáng kể nhất là Nidec của Nhật Bản đầu tư 1 tỷ USD sản xuất các thiết bị đầu đọc quang, các thiết bị nghe nhìn; hãng Intel của Hoa Kỳ cũng đã được cấp phép đầu tư 1 tỷ USD năm 2006 để sản xuất và lắp ráp chip máy điện toán…
< Tiếp tục chạy thẳng qua một số khu vực đông đúc, bọn mình sẽ ra Coop-Mart ngay ngã 4 Thủ Đức. Đoạn ni thì bà xã thường đi công việc ngang đây.
< Từ ngã 4 Thủ Đức, mình rẽ trái vào Xa lộ Hà Nội. Mé phải đang bị che chắn là nơi người ta đang thi công tuyến Metro Bến Thành – Suối Tiên.
Tuyến đường sắt đô thị Bến Thành-Suối Tiên (tuyến metro số 1) có tổng chiều dài 19,7 km, trong đó có 2,6 km đi ngầm và 17,1 km đi trên cao với 14 ga (3 ga ngầm và 11 ga trên cao).
Ngoài ra còn có tuyến metro số 2 (Thủ Thiêm-bến xe Tây Ninh) có chiều dài toàn tuyến 11,322 km (trong đó có 9,315 km đi ngầm, 0,232 km chuyển tiếp, 0,778 km đi trên cao và 0,997 km nối vào trạm trung chuyển Tham Lương) với 9 ga ngầm và 1 ga trên cao.
< … Ngoài 2 tuyến metro chính trên, hiện Ban quản lý đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh cũng đang xúc tiến và triển khai lập các dự án metro số 3a (Bến Thành – Tân Kiên), số 3b (ngã 6 Cộng Hòa – Hiệp Bình Phước), số 4 (cầu Bến Cát – Nguyễn Văn Linh), số 5 (cầu Sài Gòn – bến xe Cần Giuộc mới), số 6 (Bà Quẹo – vòng xoay Phú Lâm), cùng 2 tuyến tàu điện một ray và dự án nhà ga trung tâm Bến Thành…
Còn bây giờ thì sao? Sẽ theo xa lộ Hà Nội rồi vào nút cầu vượt Cát Lái để vào Mai Chí Thọ, về ngã cầu Phú Mỹ?
Không, bọn mình lại sẽ theo đường khác.
Còn tiếp
Phần 1 – Phần 2 – Phần 3 – Phần 4 – Phần 5 – Phần 6 – Phần 7 – Phần 8 – Phần 9 – Phần 10…
Điền Gia Dũng – NISAVA TRAVEL!