(BBĐ) – Nghe tiếng Vĩnh Thạnh có loại rượu rất ngon. Lại nghe một đồng nghiệp kể về thứ rượu hảo hạng được nấu từ nước nguồn sông Côn. Mãi đến gần đây, tôi mới có dịp đến Vĩnh Giang, được nếm hương vị rượu, được nghe người dân nơi đây nói về một đặc sản còn ít người biết đến…

< Sông Côn, đoạn chảy qua cầu Định Bình, nơi ngày xưa người dân Vĩnh Giang hay ra lấy nước để nấu rượu.

1. Vĩnh Giang là một ngôi làng nhỏ nằm cạnh sông Côn, thuộc địa phận thôn An Ngoại, xã Vĩnh Thịnh. Trên đường lên trung tâm huyện Vĩnh Thạnh, chỉ cần rẽ phải qua phía bên kia của cầu Định Bình là ta đã đặt chân lên đất Vĩnh Giang. Người dân ở đây cho hay, cứ 10 hộ trong làng thì có đến 7 hộ nấu rượu để bán hàng ngày. Những người lớn tuổi trong làng cũng không thể biết nghề nấu rượu ở Vĩnh Giang có từ bao giờ.

Nhưng, có một điều mà họ chắc chắn, đó là từ xưa, khi người dân chưa có điều kiện để đào giếng lấy nước, thì người Vĩnh Giang hay đào những cái hố giữa bãi cát ven bờ sông Côn để lấy nước lọc uống và nấu rượu. Anh Trương Văn Tây, 34 tuổi, kể: “Hồi còn nhỏ, tôi hay ra bờ sông quẩy nước về cho mẹ nấu rượu. Bờ sông cách nhà có mấy chục mét mà phải nghỉ mấy lượt mới quẩy được thùng nước về nhà”.

Ngày nay, những cái hố của dân làm rượu đã không còn. Nhưng những giếng nước của dân Vĩnh Giang vẫn nằm gần dòng sông. Có lẽ, chính nguồn nước của dòng Côn đã góp phần làm nên hương vị độc đáo của rượu Vĩnh Giang…

2. Năm nay, bà Võ Thị Phương đã ở tuổi 70. Bà kể, bà bắt đầu nấu rượu từ năm 17 tuổi, mấy năm gần đây, tay chân chậm chạp, nên lâu lâu có giỗ quải bà mới nấu rượu để dùng trong gia đình. Bà mang ra một canh rượu mới nấu cách đây mấy ngày để dùng trong ngày giỗ chồng, rót cho tôi một ly nhỏ để nếm thử. Ngay từ lúc đang rót, đã có mùi thơm thoang thoảng bay ra. Không cay nồng như đặc sản Bầu Đá, rượu Vĩnh Giang dìu dịu nhưng khá mạnh, phổ biến từ 50-55 độ, có thể đến 70 độ. Cầm chai lắc lắc, rượu sủi tăm rất lâu.

< Bà Phương với các dụng cụ để nấu rượu.

Bà Phương cho biết, cách nấu rượu của người Vĩnh Giang chủ yếu mang tính gia truyền. Với cách làm của gia đình bà, công đoạn đầu tiên là nấu cơm, rồi giở ra cho cơm nguội bớt. Sau đó bóp nát, để cho cơm thật nguội, trộn với men. Ủ hỗn hợp cơm – men này trong thùng 3 đêm, sau đó đổ nước vào thùng, ủ thêm 3 đêm nữa mới bắt đầu nấu.

Có một chi tiết khá thú vị là mỗi hộ nấu rượu ở làng Vĩnh Giang chỉ đắp 1 cái lò duy nhất. Những cái lò ấy gần như đồng nhất về kích cỡ, cấu tạo cũng như vật liệu. Vì chỉ có 1 cái lò, nên nhà nào nấu nhiều thì phải đốt lò liên tục. NISAVA

< Mỗi hộ nấu rượu ở Vĩnh Giang chỉ có 1 lò nấu rượu như thế này.

Về các nguyên liệu để nấu rượu, ngoài nước nguồn cạnh sông Côn, người dân Vĩnh Giang chủ yếu dùng lúa gạo của người dân trong làng hoặc mua của những làng xung quanh. Trước kia, người dân Vĩnh Giang chỉ dùng men cục để ủ cơm, giờ thì không ít người trẻ đã bắt đầu dùng men bột. Bà Phương cho biết: “Men bột do Trung Quốc làm, dùng ủ rượu làm rượu có mùi hăng. Men cục do dân mình làm, nấu rượu thì thơm hơn. Trước đây, tôi thường mua men của bà Điềm, chuyên làm men cục ở Định Thạnh, xã Vĩnh Hảo”. Nói đoạn, bà lấy cho tôi xem những cục men màu trắng đục còn dính vài vỏ trấu để trên đầu tủ.

Ở Vĩnh Giang bây giờ, nấu rượu nhiều nhất phải kể đến gia đình anh Lê Văn Điệp, mỗi ngày bán ra khoảng 15 lít rượu; kế đó là nhà bà Võ Thị Hiếu với hơn 10 lít/ngày. Làng rượu Vĩnh Giang thật sự tất bật vào thời điểm đầu tháng 11 âm lịch, khi những lò nấu rượu đỏ lửa suốt ngày đêm để phục vụ nhu cầu rượu ngày Tết. Có người đặt đến gần 40 lít rượu Vĩnh Giang để biếu bà con, họ hàng ở xa…

Tùy theo chất lượng, uy tín của từng gia đình, rượu Vĩnh Giang có giá từ 18.000-20.000 đồng mỗi lít nếu bán sỉ, còn bán lẻ thì mỗi lít hơn 25.000 đồng. Không sản xuất quy mô lớn, nhưng công việc nấu rượu độ nhật vẫn mang lại nguồn sống ổn định cho người dân Vĩnh Giang; nhất là những hộ kết hợp tốt giữa nấu rượu và nuôi heo…

3. Người Vĩnh Thạnh có câu “Bánh Vĩnh Cửu, rượu Vĩnh Giang”. Bánh Vĩnh Cửu là bánh tráng Vĩnh Cửu, cũng là một đặc sản của xứ Vĩnh Thạnh. Cái đặc biệt của bánh tráng mỏng Vĩnh Cửu là vừa đảm bảo được độ dẻo của bánh, nhưng khi nhúng nước lại không dính nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Nghề tráng bánh tráng đã giúp không ít hộ ở Vĩnh Cửu có được cuộc sống thoải mái hơn so với nhiều vùng nông thôn khác trong huyện, lại không phải đi làm thuê làm mướn nơi xa mỗi lúc nông nhàn.

So với bánh tráng Vĩnh Cửu, rượu Vĩnh Giang vẫn chưa được phổ biến rộng rãi, mặc dù đã được tiêu thụ ở nhiều vùng lân cận, lên đến tận An Khê (Gia Lai). Khái niệm thương hiệu vẫn còn quá xa lạ với những người nông dân Vĩnh Giang. Họ vẫn bán rượu trong những chiếc canh đã cũ, còn nhãn mác thì chưa bao giờ nghĩ đến…

Một điều đáng suy nghĩ là, giờ đây, bí quyết nấu rượu của mỗi gia đình giờ đã lan rộng, số người nấu rượu ngày càng nhiều hơn. Chiếm đa phần trong số đó là những người trẻ mà nhiều người trong số đó chạy theo số lượng, hạ giá bán, không chú ý đúng mức đến chất lượng rượu. Nên, hương vị rượu Vĩnh Giang đang có nguy cơ mai một theo thời gian…

Theo Nguyễn Văn Trang (Báo Bình Định)
NISAVA TRAVEL!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *