(BQN) – Với những người Sán Chỉ đã đứng tuổi ở các xã Đại Dực, Đại Thành, huyện Tiên Yên thì đồi Tình đã một thời gắn bó suốt tuổi thanh niên của họ và là địa danh ai cũng muốn tìm đến khi đang ở tuổi hẹn hò. Đồi Tình giống như “ông Tơ, bà Nguyệt” se duyên hạnh phúc cho nhiều đôi trai gái người Sán Chỉ.

< Đồi Tình trong nắng.

Đồi Tình rộng khoảng 100ha, trải dài trên vùng đất của 3 xã Đại Dực, Đại Thành (huyện Tiên Yên) và xã Húc Động (huyện Bình Liêu). Vào mùa hè cỏ non trên đồi xanh mướt, xen kẽ là những bụi sim, mua hoa nở tím cả một vùng. Đồi Tình có thác Khe Lục Mỉ, mùa hạ nước chảy tung bọt trắng xóa, về mùa đông, mùa thu dòng thác êm dịu hơn tạo cảm giác thơ mộng cho những ai đến nơi này.

Không ai biết tên đồi Tình có từ bao lâu, chỉ biết các xã Đại Dực, Đại Thành và Húc Động có nhiều thôn giống như ốc đảo, vì đường sá đi lại khó khăn. Ấy vậy nhưng chẳng mấy ai vì thế mà buồn, có lẽ vì đồi Tình đã đem đến cho họ niềm vui. Trên đồi có nhiều bụi cây, càng tạo thêm sự thơ mộng và hấp dẫn với những đôi lứa đến đây hẹn hò.


< Thác Khe Lục Mỉ chảy quanh năm trên đồi Tình.
NISAVA
Ông Tằng Móc Phống, thôn Khe Ngàn, xã Đại Dực, năm nay đã gần 60 tuổi, thời thanh niên ông là “ca sĩ” trên đồi Tình. Ông bảo: “Nhiều đêm có đến hơn trăm người cả nam lẫn nữ cùng lên đồi, làng nọ làng kia cùng hát đối Soóng Cọ. Đồi Tình tạo sự đoàn kết người dân trong làng. Không hiểu sao, tuy chẳng có ai quy định cả, thế nhưng đồi Tình lại là nơi hẹn hò đặc quyền của người Sán Chỉ. Ở Đại Dực, Đại Thành và Húc Động cũng có nhiều dân tộc khác, như người Dao, người Tày… Họ cũng lên đồi Tình chơi, nhưng thường chỉ là đàn ông không thấy phụ nữ và cũng không hẹn hò ca hát trên đồi như người Sán Chỉ”.

Ông Nình Văn Ba, sinh sống thôn Kéo Cai, xã Đại Thành, cưới vợ là người thôn Khe Lục, xã Đại Dực. Cả 2 ông bà một thời là “ca sĩ nổi tiếng” trên đồi Tình. Tiếp chuyện với tôi, ông Ba chia sẻ: “Không phải chúng tôi tìm hiểu nhau trên đồi Tình đâu, mà bố mẹ hỏi cho từ trước rồi”. Theo ông Ba, đồi Tình không chỉ là nơi tìm đến của các đôi nam, nữ khi còn son rỗi, mà cả các cặp vợ chồng đã cưới nhau cũng lên đó để thỏa niềm vui ca hát của họ.

< Thanh niên xã Đại Thành, huyện Tiên Yên thổi khèn giao lưu trên đồi Tình.
NISAVA
Ngày nay, từ chương trình xây dựng nông thôn mới, các xã Đại Dực, Đại Thành có nhiều con đường bê tông liên xã, liên huyện và nam nữ đã có nhiều lựa chọn cho thú vui của riêng mình, nên không còn hẹn hò nhau mỗi tối lên đồi Tình như thế hệ cha ông khi xưa nữa. Đồi Tình cũng trở thành nơi phát triển kinh tế của bà con các xã như trồng rừng, trồng lúa và chăn thả gia súc.

Ông Nguyễn Thế Anh, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã Đại Dực, cho biết: “Đồi Tình rất cần được quy hoạch để trở thành điểm du lịch của huyện Tiên Yên, vì ở đây có phong cảnh đẹp, khí hậu mát mẻ thơ mộng lại giáp với xã Húc Động (huyện Bình Liêu) hiện đang phát triển rất tốt về du lịch. Đồi Tình cần có con đường bê tông để phát triển kinh tế vì chỉ riêng xã Đại Dực đã có 200ha rừng thông khu vực đồi Tình. Đây là loại cây lấy nhựa lâu năm, tạo cảnh quan đẹp cho phát triển du lịch. Mặt khác khi có đường bê tông, sẽ thu hút lớp trẻ lên đồi Tình hẹn hò ca hát giúp cho các xã bảo tồn tốt hơn các làn điệu Soóng Cọ của người Sán Chỉ”.

Theo Công Thành (Báo Quảng Ninh)
NISAVA TRAVEL!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *