(QĐND) – Nằm cách Phố cổ Hội An gần 1km, Làng lụa Hội An được du khách đánh giá là “bảo tàng sống” với một không gian giữ gìn nghề truyền thống là trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt vải, thêu thùa…
< Theo dọc còn đường trải gạch từ cổng làng, du khách sẽ đắm mình trong không gian của làng nghề thật sống động với những ngôi nhà nuôi tằm, ươm tơ, xe tơ, kéo sợi, cuộn thoi, dệt vải qua bàn tay khéo léo của những nghệ nhân.
Nơi đây đã trở thành điểm du lịch không thể bỏ qua của nhiều du khách trong và ngoài nước mỗi khi đến thăm Di sản văn hóa thế giới Hội An.
< Du khách có thể tự tay cho tằm ăn ngay chính trong ngôi nhà nuôi tằm này. Thức ăn của tằm được hái từ những cây dâu ChămPa trồng trong vườn.
Làng lụa Hội An ra đời từ tháng 7/2012, nằm trên khu đất rộng 2ha, thiết kế theo kiểu nhà vườn. Hội An từng là đầu mối giao thương quan trọng từ thế kỷ XVII, một trong những mặt hàng được giao dịch nhiều chính là lụa tơ tằm.
< Hơn 40 cây dâu ChămPa được sưu tầm từ các vùng núi Quế Sơn, Duy Xuyên, là nguồn gien quý được bảo tồn tại Làng Lụa, nhằm góp phần tái hiện về cách trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt vải của người Chăm trên đất Quảng Nam cách đây hơn 1000 năm.
Sự lụi tàn của thương cảng Hội An cũng khiến nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa mai một dần. Nhận thấy nguy cơ mất đi một nghề thủ công truyền thống độc đáo, Công ty CP Tơ lụa Quảng Nam đã đầu tư xây dựng Làng lụa Hội An vừa để khôi phục một làng nghề, vừa trở thành điểm tham quan du lịch hấp dẫn.
< Một trải nghiệm thú vị khác đối với du khách khi đến làng lụa chính là tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp của tơ, của lụa và một quy trình sản xuất thủ công khép kín nhưng rất tinh xảo của các nghệ nhân.
Đến thăm Làng lụa Hội An hôm nay, du khách được chiêm ngưỡng những gốc dâu cổ thụ ở vùng thượng nguồn Thu Bồn được dày công tìm kiếm, đưa về trồng, tiến hành nhân giống.
Rời những vườn dâu xanh mướt, du khách sẽ tham quan các nhà cổ và được chứng kiến những cô gái trong trang phục truyền thống thao diễn cảnh cho tằm ăn, tái hiện nghề ươm tơ, kỹ xảo để làm tằm nhả tơ…
Du khách cũng có thể tự tay hái dâu sau vườn cho tằm ăn, mặc bộ đồ lụa truyền thống dạo quanh làng, được tư vấn cách chọn tấm lụa tốt đã được xuất khẩu sang một số thị trường nổi tiếng “khó tính” như: Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Đức, I-ta-li-a, Xin-ga-po…
Các bộ trang phục từ chất liệu lụa được thiết kế để đáp ứng nhu cầu may mặc cho nhiều đối tượng khách hàng, nhất là thỏa mãn ước mơ của phái đẹp sở hữu những trang phục đẹp, bền, quý phái. Làng lụa Hội An cũng dành một gian nhà để làm phòng trưng bày với hơn 100 các sản phẩm lụa sang trọng, quý phái, cung cấp phương pháp nhận biết lụa tơ tằm “xịn” với các sản phẩm lụa chất lượng thấp…
Bên cạnh không gian truyền thống, Làng lụa Hội An còn có quầy bar và nhà hàng ở Làng lụa Hội An rộng rãi, sang trọng, được sắp đặt, trang trí phù hợp với cảnh quan sinh thái, thiên nhiên thoáng mát, gợi cảm.
Khách đến du lịch tại Làng lụa Hội An sẽ thêm trải nghiệm, khám phá môi trường sinh thái và cảnh quan thơ mộng.
Ngoài ra, du khách còn được thưởng thức nhiều món ăn và được dạy chế biến nhiều món ăn truyền thống Quảng Nam như cao lầu, mì Quảng bởi đội ngũ phục vụ được đào tạo chuyên nghiệp, giàu kinh nghiệm, sẵn sàng đáp ứng và làm hài lòng những vị khách quý.
< Đặc biệt du khách hoàn toàn có thể đặt niềm tin khi chọn mua sản phẩm lụa ở đây vì sau khi đã lựa được thứ mà mình yêu thích.
Cũng vì vậy, Làng lụa Hội An đang trở thành địa điểm lý tưởng để tổ chức đám cưới, tiệc sinh nhật và cuộc họp mặt gia đình, điểm nghỉ dưỡng sau khi tham quan Phố cổ Hội An. Nhiều người du khách trong và ngoài nước đã nhận xét, khi đến Làng lụa Hội An luôn cảm thấy thư thái, hài lòng bởi đã tìm thấy nhiều giá trị văn hóa thấm đẫm tâm hồn xứ Quảng.
Theo Hoàng Hoàng (Quân Đội ND), Vovworld
NISAVA TRAVEL!