(TMT) – Lăng Hòa Lợi có mặt tiền quay về hướng nam, nhìn về phía mặt đầm Cù Mông. Ngay phía trước lăng, dưới nước là bến neo đậu tàu thuyền, trên bãi là nơi tập trung các loại ngư cụ của nghề biển. Vị trí di tích nằm giữa khu vực dân cư đông đúc.

Hòa Lợi là một làng biển thuộc xã Xuân Cảnh, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Đây là địa bàn dân cư nằm về phía mũi của bán đảo Vĩnh Cửu, gần cửa đầm Cù Mông. Làng Hòa Lợi trải dọc theo bờ đầm Cù Mông, với thế tựa lưng vào núi, mặt hướng ra đầm, nhà cửa được xây dựng trải rộng ra sát mép nước. Phía sau làng có những động cát và đồi núi bao bọc, che chắn với những tên núi như: hòn Rồng, cồn Muối, núi Đá Trắng, núi Gềnh Bà,… Phía trước làng có đảo Hòn Nần (còn gọi là Bình Đảo) nằm trong cửa đầm Cù Mông.

< Một góc đầm Cù Mông nhìn từ lăng Hoà Lợi.

Trong thời kỳ giao tranh giữa nhà Tây Sơn và chúa Nguyễn, trên đất liền quân Tây Sơn xây dựng các pháo đài và đặt đại bác canh giữ tại cửa đầm, nay còn lại dấu tích bờ đá; ngoài đảo Hòn Nần quân Nguyễn Ánh chốt giữ, tạo thế giằng co quyết liệt. Sau khi lên ngôi, năm 1806 vua Gia Long cho lập miếu Công Thần (miếu Biểu Trung) trên hòn Nần để thờ các tướng sĩ trận vong, hằng năm có tổ chức cúng tế theo nghi thức tỉnh tế do các quan tỉnh chủ trì.
NISAVA
Trải qua các thời kỳ chiến tranh và sự tác động nắng mưa, biến đổi khí hậu theo thời gian năm tháng, ngày nay chỉ còn dấu tích ngôi miếu trên đảo. Do có vị trí và điều kiện tự nhiên thuận lợi, địa bàn Hòa Lợi đã sớm thu hút sự tập trung dân cư, hình thành làng mạc ngay từ thời kỳ đầu khi người Việt vào khai phá vùng đất Phú Yên ở cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII. Tên gọi Hòa Lợi được sử dụng từ sau năm 1975 đến nay.

< Sắc vua Tự Đức năm thứ 5 (1852) phong cho thần Nam Hải.

Vào khoảng giữa thế kỷ XIX, thời điểm phát triển hưng thịnh, tại cửa đầm Cù Mông thuyền buôn hoạt động rất nhộn nhịp, từ sự đóng góp vật chất của các thương lái và công sức của dân làng, lăng Ông đã được xây dựng rất bề thế, và đây là lăng lớn nhất vùng kể từ thời điểm đó cho đến hiện nay.

Lăng Hòa Lợi có mặt tiền quay về hướng nam, nhìn về phía mặt đầm Cù Mông. Ngay phía trước lăng, dưới nước là bến neo đậu tàu thuyền, trên bãi là nơi tập trung các loại ngư cụ của nghề biển. Vị trí di tích nằm giữa khu vực dân cư đông đúc. Từ phía đầm Cù Mông nhìn vào có thể quan sát được toàn cảnh khu vực di tích nằm ẩn hiện dưới những chòm dừa xanh và những bóng cổ thụ che phủ.
NISAVA
Những yếu tố về cảnh quan tự nhiên kết hợp với di tích và những hoạt động về ngư nghiệp của nhân dân địa phương đã tạo cho nơi đây hội đủ những sắc thái của một làng biển. Nhìn tổng thể từ ngoài vào, những bộ phận kiến trúc chính của lăng Hòa Lợi gồm: cổng, thành bao, bình phong, trụ biểu, nhà võ ca, tiền đường, chính điện, mộ cá Ông. Phần lớn kiến trúc di tích được xây bằng vật liệu đá vôi và hợp chất vôi, cát có pha một số phụ liệu tạo độ bền vững rất cao.  

Đối tượng chính được thờ ở lăng Hòa Lợi là thần Nam Hải tức cá Ông. Đây là vị thần cao nhất, được nhân cách hóa, thể hiện qua việc thờ tượng Quan Thánh(1) – pho tượng lớn nhất đặt ở chính điện. Theo lý giải của các cụ cao tuổi tham gia ban tế lễ ở lăng Hòa Lợi hằng năm, việc thờ tượng Quan Thánh là tượng trưng cho thần Nam Hải. Quan Thánh là người đại diện cho lòng trung, can, nghĩa khí. Ngư dân cho rằng những tính cách đó cũng chính là đặc tính của thần Nam Hải.

Ngoài ra, ở lăng Hòa Lợi còn thờ thành hoàng bổn xứ, tiền hiền, hậu hiền, âm hồn, cô hồn,… Đặc biệt, ở đây còn thờ bộ tượng thờ của miếu thờ Bà (người địa phương gọi là lăng Bà). Di tích này có vị trí cách lăng Hòa Lợi khoảng 500m về phía Đông, đã bị phá bỏ trong tiêu thổ kháng chiến, các tượng thờ được chuyển về lăng Hòa Lợi vào khoảng năm 1947. Bộ tượng thờ này bao gồm các tượng: Mộc thần, Thủy thần, Hỏa thần, Thổ thần và một bài vị đề “Thiên Y Ngọc Phi”.

< Cúng thần trong lễ hội cầu ngư ở lăng Hoà Lợi.
NISAVA
Tại lăng Hòa Lợi còn bảo lưu nhiều di vật, cổ vật rất có giá trị. Cụ thể là ba bản sắc phong của các vua triều Nguyễn, bộ tượng thờ cổ bằng chất liệu đất nung, và những di vật, cổ vật khác. Đó là cơ sở để nghiên cứu, nhận biết về nhiều vấn đề khác nhau như lịch sử hình thành địa danh, phong tục, tín ngưỡng ở địa phương, và mối quan hệ giao lưu, giao thoa văn hóa giữa cư dân bản địa với bên ngoài.

Lăng Hòa Lợi có vị trí và môi trường cảnh quan xung quanh mang những nét đặc thù của một làng biển, lại nằm trong khu vực có nhiều di tích, thắng cảnh khác như: đảo Hòn Nần, bãi Tràm, đầm Cù Mông,… Tuy nhiên những năm gần đây trước diễn biến của thời tiết rất bất thường đã ảnh hưởng trực tiếp đến cơ sở thờ tự và việc bảo tồn các di sản văn hoá hiện có ở Lăng Hoà Lợi.

Đặc biệt là những di sản rất quý như sắc phong và các cổ vật có giá trị khác. Điều cần thiết lúc này là ngành chức năng cần có sự hướng dẫn ngư dân cách thức bảo quản các di sản văn hoá tránh sự hư hỏng, mất mát.

< Trao Bằng xếp hạng Di tích Lịch sử – Văn hóa cấp tỉnh Lăng Hòa Lợi.

Về lâu dài cần lập hồ sơ khoa học xếp hạng lăng Hòa Lợi là di tích cấp tỉnh để công tác bảo tồn di sản văn hoá được thực hiện đúng qui trình khoa học, góp phần phục vụ nhu cầu tham quan của du khách trong nước và quốc tế trong hành trình du lịch xuyên Việt qua Phú Yên.
NISAVA
Về hoạt động kinh tế, từ xưa đến nay nhân dân Hòa Lợi chỉ tập trung làm nghề biển. Do vậy dấu ấn văn hoá biển ở Hoà Lợi rất đậm nét từ kiến trúc nhà ở đến các nghề truyền thồng như: đóng, sửa chữa ghe thuyền, đánh bắt và chế biến thuỷ sản, các sinh hoạt văn hoá cộng đồng, trong đó sâu đậm nhất là Tín ngưỡng thờ cúng cá Ông (cá voi). Tại lăng Hòa Lợi hiện nay đang lưu giữ 28 bộ ngọc cốt cá Ông, cùng 1 bộ ngọc cốt của Ông Tổ (Ông lụy đầu tiên) chôn sau chính điện và 3 bộ khác đang mai táng chưa lấy cốt.

Theo Th.s Nguyễn Hoài Sơn (Tin Môi Trường)
NISAVA TRAVEL!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *