Mười năm trở lại đây, xóm chùa Tây Phương (xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội) nổi tiếng với nghề làm đồ chơi chuồn chuồn tre. Đó là những con chuồn chuồn được làm bằng tre, sau khi được phủ một lớp sơn màu, vẽ hình ngộ nghĩnh, được bán ra thị trường trong các hàng lưu niệm, các khu vui chơi như một hình ảnh biểu trưng độc đáo của làng quê Việt Nam.

Từ thợ ảnh… đến nghệ nhân chuồn chuồn tre

Ngay từ đại lộ Thăng Long rẽ vào huyện Thạch Thất (Hà Nội), hỏi bất kỳ người dân nào về làng làm chuồn chuồn tre, người hỏi sẽ được chỉ dẫn vào xã Thạch Xá. Ngoài Thạch Xá ra còn có xã Phùng Xá cũng làm nghề chuồn chuồn nhưng xóm chùa Tây Phương (Thạch Xá) nổi tiếng hơn, bởi đây là nơi làm chuồn chuồn đầu tiên và có nhiều người làm đẹp nhất.

Cuối năm, những cơn mưa phùn làm không gian ảm đạm, lạnh lẽo, nhưng đường vào làng nghề Thạch Xá lại nhộn nhịp các chuyến xe vào ra lấy hàng bán trong dịp Tết cổ truyền. Nhiều gia đình ở đây cho biết, dịp cuối năm cũng là thời điểm “hái” ra tiền, có hôm đến 7h tối vẫn có khách từ Hà Nội vào mua và chuyển hàng đi.

Theo chân người chỉ dẫn, chúng tôi vào nhà anh Nguyễn Văn Tái. Anh Tái là người làm nghề chuồn chuồn tre đầu tiên ở xóm chùa Tây Phương. Trong ngôi nhà ấy, các thành viên của gia đình đang hối hả làm các công đoạn để cho ra đời những con chuồn chuồn đủ màu sắc. Anh Tái cho biết, 10 năm trước, khi đang làm nghề chụp ảnh ở chùa Tây Phương, anh thấy có người mang chuồn chuồn tre lên chùa bán, nhưng đó là những con chuồn chuồn mộc, không màu sắc và ít con có thể thăng bằng được.

Nhiều khách thích thú với đồ chơi này, nhưng khi nhìn thấy chuồn chuồn không thăng bằng được nên nhiều người không mua. Sau một đêm suy nghĩ, anh Tái quyết tâm “thử” làm chuồn chuồn. Mất một thời gian tìm tòi và mày mò với những con chuồn chuồn bằng tre và gỗ, anh Tái đã cho ra đời những con chuồn chuồn với “phiên bản” hoàn toàn mới: Màu sắc bắt mắt, thăng bằng tốt và nhiều họa tiết vui mắt. Tiếng lành đồn xa, nhiều người dân trong làng cũng đến nhà anh Tái để học nghề và cái “xóm chuồn chuồn tre” được ra đời từ đó.

Cầm một con chuồn chuồn “chúa” trên tay, anh Tái cho biết: “Nghề chọn tôi chứ tôi không chọn nghề. Bởi, với công việc chụp ảnh ở chùa Tây Phương, 10 năm về trước, tôi cũng đủ sống. Tuy nhiên, ít ai có thể tin rằng, một người thanh niên như tôi lại có thể phù hợp với công việc đan, vót tỉ mỉ này (hồi ấy, anh Tái mới 32 tuổi – PV). Nghề làm chuồn chuồn đúng là duyên số với tôi”. NISAVA

Để làm được một con chuồn chuồn tre, gỗ người thợ phải có tính kiên trì, chịu khó và tinh tế để các chi tiết đồ chơi được hài hòa. Anh Tái chia sẻ, nhiều người nhìn thấy chuồn chuồn cho là dễ làm nhưng thực tế không phải vậy. Nhiều người hàng xóm, nhìn tay anh làm, hay thậm chí chép hẳn các công đoạn ra giấy nhưng cũng không thể làm được, chuồn chuồn vẫn thô, không thể thăng bằng được.

Mặc dù Thạch Xá và các xã lân cận cũng là nơi trồng nhiều tre, nguồn nguyên liệu chính của sản phẩm, nhưng anh và những người thợ trong làng vẫn phải cất công lấy tre rừng tại Hà Giang, Hoà Bình, Vĩnh Phúc… Sau khi qua công đoạn xử lý phần bên ngoài (cạo tinh), tre được phơi sấy để tránh ẩm mốc. Tiếp đó, tre được chẻ thành từng nan nhỏ, tuỳ theo kích cỡ của chuồn chuồn ra các phần thân, cánh. Bình thường, gia đình anh sản xuất ba loại chuồn chuồn theo ba cỡ lớn, vừa, nhỏ, tương ứng với đó, độ dài phần thân là 18, 15 và 12cm.

Những người thợ làm chuồn chuồn tre ở Thạch Xá cho biết, nhà ai làm nghề thì tất cả các thành viên trong nhà đều tham gia làm chuồn chuồn, một người mỗi ngày có thể làm được 20 – 30 con chuồn chuồn, với các công đoạn như gắn cánh, phun sơn, còn vẽ họa tiết lên chuồn chuồn thì phải là người có hoa tay thì mới vẽ được các họa tiết vui nhộn, đáng yêu lên thân chuồn chuồn.

Hiện nay, chuồn chuồn mang thương hiệu Thạch Xá đã đi khắp Việt Nam trong các gian hàng lưu niệm ở TP.HCM, Hội An, Đà Nẵng… Và, nguồn thu từ những mặt hàng tưởng như “rất quê” này đã giúp cho nhiều người dân ở đây thoát nghèo, với mức thu nhập trung bình 6 – 10 triệu đồng/ tháng. NISAVA

Chuồn chuồn tre “bay” ra… nước ngoài

Không chỉ nổi tiếng ở trong nước, cánh chuồn đất Việt đã vượt đại dương, bay sang cả… trời Âu. Từ xưa đến nay, hình ảnh cánh chuồn chuồn mỏng manh là biểu tượng yên bình của làng quê Việt Nam, và hình ảnh này đã chinh phục được những vị khách khó tính đến từ phương xa như Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Thụy Điển…

Anh Tái chia sẻ, có khách Tây đến nhà anh xem hàng và đặt hàng dài hạn, họ rất thích những con chuồn chuồn mộc mạc này. Ngoài ra, họ còn gửi mẫu mới qua email để anh tham khảo xem có làm được theo yêu cầu không. Đợt lễ hội Halloween vừa rồi, một ông khách người Anh đã đặt gia đình anh mẫu chuồn chuồn có hình quả bí ngô, bà phù thủy trên cánh chuồn chuồn để phục vụ lễ hội…

Anh Tái nói, khách hàng Nhật Bản khó tính thế, nhưng khi nhìn thấy các sản phẩm này, họ đã đặt ngay 30.000 con chuồn chuồn tre. Những lúc phải giao hàng đúng hẹn, anh còn phải thuê thêm người để làm hàng. Tuy mệt nhưng nhìn những sản phẩm có chất lượng tốt, được khách hàng hài lòng, những người thợ ở đây lại có động lực hơn để phát triển nghề thủ công này.

Mỗi đợt có khách nước ngoài mua, gia đình anh Tái thường phải xuất 20.000 – 30.000 con thông qua một công ty mỹ nghệ. Anh bật mí với tôi rằng, tháng gần Tết vừa rồi, gia đình anh đã thu về 40 triệu đồng, trừ hết các chi phí đi, đây cũng là một mức thu nhập đáng mơ ước của nhiều hộ dân ở vùng quê Thạch Xá này.

Chuồn chuồn tre trông có vẻ đơn giản nhưng quá trình làm phải trải qua khá nhiều công đoạn khó, đặc biệt là đo vẽ, lắp ghép các mảnh tre không được lệch chuẩn và đảm bảo tỷ lệ hợp lý mới giúp chuồn chuồn tre đứng được bằng miệng ở trạng thái cân bằng. Từ một thân tre có thể chia thành nhiều gióng hoặc đoạn nhỏ tùy thuộc vào kích cỡ con chuồn chuồn, mà chủ nhân muốn tạo nên.

Tre tiếp tục được chẻ theo kích thước quy định thành các bộ phận như cánh, đầu, thân và đuôi (trong đó đầu, thân và đuôi được làm từ một đoạn tre và thân chính là phần mấu tre). Để chuồn chuồn tre có thể đứng bằng miệng, những nghệ nhân phải tính toán rất kỹ kích thước, cũng như khoảng cách giữa các bộ phận. NISAVA

Phần cánh sau khi được gắn keo thành từng đôi sẽ trở thành phần thăng bằng cho chuồn chuồn. Công đoạn khó nhất chính là ở phần thân, mà theo anh Tái, máy móc cũng không thể làm được, phải là thợ có kinh nghiệm, kiểm tra bằng tay.

Để một con chuồn chuồn có thể đứng được bằng miệng phải có những cảm nhận tinh tế của bàn tay, cách vót hai bên sao cho cân xứng. Nhìn đôi tay của những người thợ ở đây thoăn thoắt làm chuồn chuồn, ai cũng trầm trồ.

Chị Nguyễn Thị Minh – một người thợ ở xóm chùa Tây Phương cho biết: “Ra Giêng, vào mùa lễ hội nên nhiều người lên chùa Tây Phương vãn cảnh và cầu may, chúng tôi cũng mang chuồn chuồn lên bán hàng lưu niệm. Nhiều người nhìn thấy chuồn chuồn đẹp, có thể cân bằng được lại cho rằng dưới cánh của chuồn chuồn có đính nam châm nên có thể thăng bằng tốt như vậy. Nhưng sau một hồi ngó nghiêng không thấy hiện tượng gì dưới cánh, họ mới tin rằng, chuồn chuồn thăng bằng được là do tỉ lệ tương xứng giữa các bộ phận của chuồn chuồn. Đây cũng là một nét độc đáo của con chuồn chuồn tre Thạch Xá”. NISAVA

Ngoài làm chuồn chuồn tre, theo yêu cầu của khách hàng, những người thợ ở Tây Phương cũng làm những sản phẩm thủ công mỹ nghệ khác như công, ong, bướm, chim, cánh quạt… Những sản phẩm này cũng được nhiều người lựa chọn và làm quà tặng. Để phát triển loại hình đồ chơi này, những năm gần đây, gia đình anh Tái đã kết hợp với một số tổ chức xã hội như trung tâm Nghiên cứu và bảo trợ trẻ em Cenforchil (thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và Kĩ thuật Việt Nam), tổ chức MyHanoi (Việt Nam) thực hiện dự án nghiên cứu và bảo tồn đồ chơi Việt, mở những lớp dạy làm chuồn chuồn cho các trẻ em nghèo và người khuyết tật. Đây là những hoạt động rất ý nghĩa để giữ vững và phát huy làng nghề truyền thống Việt Nam.

Điều đáng mừng là ở đây, lớp trẻ cũng rất thích làm nghề này. Chính sự đam mê này là một tín hiệu tốt để nghề truyền thống của làng không bị mai một. Đúng như tâm sự của anh Nguyễn Văn Tái: “Cậu con trai lớp 8 của tôi cũng rất thích làm nghề cùng bố, một buổi đi học, một buổi cháu ở nhà xem bố làm và giúp đỡ những việc phụ liên quan đến các công đoạn làm chuồn chuồn tre. Yêu nghề và sống được với… chuồn chuồn là ước mơ của những người thợ Thạch Xá chúng tôi”.

Theo Lạc Thành (Người Đưa Tin)
NISAVA TRAVEL!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *