Bỏ lại màu xanh của núi đồi Lục Nam, chiếc xe buýt chuyển bánh về Hà Nội mang theo một chút tiếc nuối của chúng tôi với Suối Mỡ – một chốn hoang sơ, bình yên và thơ mộng.

Để vào khu du lịch Suối Mỡ (xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang), từ tỉnh lộ 293 phải vào một con đường dài 750m. Đó là một con đường nhỏ, bề mặt trải nhựa, đoạn đầu khá bằng phẳng nhưng càng về sau độ dốc tăng dần theo sườn núi Huyền Đinh – Yên Tử.

Dõi mắt về bốn phía chỉ thấy một màu xanh bạt ngàn của những đồi sắn, dẻ… được trồng tầng tầng lớp lớp như một chiếc bánh gatô khổng lồ bắt mắt… Điểm trang cho “chiếc bánh” ấy là những mái nhà ngói thấp le te, những cung đường uốn cong như dải lụa, nằm vắt bên những sườn đồi.

< Khách du lịch cuốc bộ tới thác Thùm Thùm.

Con đường vào khu du lịch thoang thoảng mùi hăng của hàng keo cao ngất, khiến không gian trở nên hoang sơ, quạnh quẽ. Không một tiếng chim hót, đâu đó tiếng suối chảy róc rách từng hồi.
Đi giữa thăm thẳm đại ngàn, chỉ thấy thèm khát một tiếng người thủ thỉ…

Chinh phục thác Thùm Thùm

Đi hết cung đường xanh, khu đền Thượng hiện ra trước mắt. Một thác nước cao đổ ập xuống những tảng đá vuông vức nằm chềnh ềnh giữa con suối, tạo nên một cảnh tượng choáng ngợp, kỳ vĩ. Màu nước vàng phếch do việc thi công khu du lịch còn dở dang. Nhiều nhóm khách du lịch đã đến đây từ sớm. Mọi người cùng ăn trưa và ríu rít chụp ảnh lưu niệm bên thác nước.

< Thác Thùm Thùm.

Theo sự chỉ dẫn của một du khách đến trước, chúng tôi tiếp tục chặng đường chinh phục thác Thùm Thùm – thác nước cao nhất trong hệ thống thác Suối Mỡ với những cánh rừng nguyên sinh đã tồn tại hàng trăm năm.

Bảng chỉ dẫn cho biết đường tới thác Thùm Thùm còn 3,5km. Chặng đường không quá dài nhưng theo người dân địa phương rất gập ghềnh, khó đi. Quả thật, đi hết 500m đường nhựa, trước mặt chúng tôi chỉ còn lại con đường đất gập ghềnh, hiểm trở. Một bên là núi cao với những tảng đá lớn trơ gan cùng tuế nguyệt, một bên là vực thẳm – vốn là công trường hồ Suối Mỡ đang thi công.

Càng về trưa càng nắng gắt. Những đám mây trắng hình thù kỳ dị bay lơ lửng trên đầu núi, đầu người như những con rồng đi săn mồi. Mồ hôi nhễ nhại, cả nhóm lê bước chầm chậm qua con đường đất lởm chởm những ổ gà, ổ voi. Hai bên đường không bóng người, chỉ toàn cây cối, bụi rậm nhưng lại là thử thách lẫn cơ hội đối với những lữ khách thích ngắm cảnh “độc” và “đẹp” dọc đường.

< Đôi trai gái tâm tình bên thác nước.

Đó là những dòng suối mát lạnh, êm đềm chắn ngang giữa đường đi. Thi thoảng lại gặp một ngôi nhà ngói nằm cô liêu giữa cánh rừng xanh thẳm, rồi ngôi đền thờ Đức Vua Cha nằm chon von giữa đỉnh đồi và mây trời…

Sau gần một tiếng vừa cuốc bộ vừa chụp ảnh, chúng tôi cũng đặt chân đến thác Thùm Thùm. Núi rừng hoang dã, tiếng suối chảy róc rách liên hồi, tiếng chim hót véo von trong lùm cây…  Men theo dòng suối nước trong vắt là một thác nước kỳ vĩ.

Như khoác trên mình một tấm áo choàng bằng nước, dòng thác từ trên cao đổ xuống tạo ra những bồn tắm thiên nhiên kỳ thú. Những âm thanh thùng thình, ùm ùm, nghe như tiếng trống trận của nghĩa quân Hưng Đạo Đại Vương – Trần Quốc Tuấn đóng quân ở đây năm nào.

Nghỉ chân dưới dòng thác, mọi người say sưa lắng nghe bản giao hưởng của rừng núi, chim chóc và của nước. Những âu lo, mệt nhọc sau chặng đường bách bộ dần tan biến.

Xung quanh toàn màu xanh của núi đồi, màu trắng trong của dòng thác và những con suối mát lạnh, êm đềm. Phía xa xa, những đôi trai gái thủ thỉ tâm tình trên thác nước, bên dòng suối… khiến cho cảnh Suối Mỡ thêm bình yên, thơ mộng.
Còn chúng tôi, cảm giác vui sướng ngập tràn vì vừa chinh phục và khám phá một kỳ quan của tạo hóa.

Theo DulichTuoitre

Anh Hoàng Văn Sơn, người dân tộc Tày, cho chúng tôi biết thêm về lịch sử của Suối Mỡ. Truyện kể lại rằng công chúa Quế Mị Nương, con gái thứ 16 của vua Hùng, là người thích du ngoạn sơn thủy hữu tình. Khi đến vùng đất Lục Nam, Mị Nương thấy dân tình nơi đây sống cơ cực, đói rách vì hạn hán, đất đai thì cằn cỗi nên rất buồn lòng. Vào ngày đầu xuân, Mị Nương lên núi Huyền Đinh dạo chơi, bất chợt một cơn gió mạnh đã cuốn nàng bay đi và đưa nàng tới khúc Suối Mỡ ngày nay.
Khi hạ giá xuống đây (thác Vực Mỡ), Mị Nương đã dùng 5 đầu ngón chân ấn xuống tảng đá và từ những vết chân này một dòng nước mát ào ào chảy tạo thành một con suối. Đó chính là Suối Mỡ ngày nay. 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *