(DVO) – Những chuyến phà ngang sông Hàn, Đà Nẵng ngày xưa được nhiều người gọi là phà An Hải và thuộc lòng câu hát “Ở bên ni Hàn ngó qua bên tê Hà Thân nước xanh như tàu lá/ Ở bên tê Hà Thân ngó qua bên ni Hàn thấy phố xá nghênh ngang…”.

< Bức ảnh Phà sông Hàn của Lê Văn Thọ cho người xem thấy được hình ảnh của một Đà Nẵng những ngày chưa có các cây cầu hiện đại bắc ngang.

Trước tháng 3.1975, Đà Nẵng là khu căn cứ liên hợp quân sự của Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Quận 3 (nay quận Sơn Trà) lúc đó gồm 7 phường, nhưng có tới 3 phường mang 2 từ “An Hải” là An Hải Đông, An Hải Tây và An Hải Bắc. Cả 3 phường này đều có địa giới hành chính ở sát mép sông Hàn, do đó cái tên “phà An Hải” là vậy.

< Bờ Tây sông Hàn xưa.

Đường từ quận 1 (nay là quận Hải Châu) qua quận 3 ngày ấy chỉ duy nhất có cầu Trịnh Minh Thế (nay là cầu Nguyễn Văn Trỗi), do đó sự ra đời của những chuyến phà ngang để cư dân đôi bờ Đông – Tây rút ngắn quãng đường khá dài phải đi qua cầu.
NISAVA
“Ở bên ni Hàn ngó qua bên tê Hà Thân nước xanh như tàu lá/ Ở bên tê Hà Thân ngó qua bên ni Hàn thấy phố xá nghênh ngang…”. Câu hát này mãi cho tới bây giờ vẫn khuyết danh nhưng nó lại phản ánh một thực tế rằng: Quận 3 ngày xưa rất hoang sơ, nhà cửa lè tè, rải rác, dân cư chủ yếu lao động phổ thông, sống thưa thớt. Còn phía bờ Tây sông Hàn là quận 1, trung tâm thành phố, nhà cửa san sát, phố phường sầm uất, nhộn nhịp ngày đêm. Người từ quận 3 sang quận 1 họ đều nói “qua Đà Nẵng”.

< Bến phà Đà Nẵng xưa.

Con đường xuống bến phà xưa là đường huyết mạch nối bến phà với cả vùng biển Sơn Trà để qua bên kia thành phố. Người ở Thọ Quang, Vũng Thùng, ở Phước Mỹ muốn đem sản vật rau hoa, cá tôm tươi rói sang phố đều qua sông trên đoạn đường này. Cả một bến sông là một cuộc sống sôi động, hầu như không có giờ ngủ. Từ 2 – 3 giờ sáng bà con đã họp chợ rau. Trễ hơn chút nữa là chợ cá. Ghe, thuyền tấp nập đi, về. Hồi đó để sang phà, qua sông, những chiếc tàu gỗ đón khách chĩa cả mũi tàu lên hẳn bờ sông, mãi sau này bến bờ đông mới có cầu cảng, mang tên là cầu Đen.

< Trên phà ngang sông Hàn.
NISAVA
Trước ngày 29.3.2000, khi chưa có cầu Sông Hàn, những chuyến phà vẫn hì hụi ngày đêm qua lại đôi bờ. Tôi còn nhớ, ngày ấy khách qua phà thường là những người đi bộ, hoặc các loại xe máy đời cũ mới được xuống phà, ô-tô bắt buộc phải chạy qua cầu Nguyễn Văn Trỗi. Cán bộ, công nhân viên thì thường mua vé đi phà theo tháng cho tiện.

Không ít lần thấy phà đầy người, tháo dây neo, sợ bị trễ giờ làm việc, tôi phải vác chiếc xe đạp cọc cạnh trên vai, bước qua được cổng soát vé nhưng đành phải…lỡ một chuyến sang ngang, vì phà đã  rời bến. Thế là tôi trở thành người “ở vòng trong” để đợi chuyến sau. Nếu ai thường xuyên qua phà cũng nhiều lần đợi chuyến khác như tôi.

< Bến phà bờ Đông sông Hàn nay có nhiều thay đổi, nhưng gốc đa này là một dấu tích để chỉ ngay địa điểm bến phà xưa.

Những người lái phà ngày đó đều thực hiện nguyên tắc rất nghiêm ngặt là hễ thấy chuyến bên này vừa rời bến thì chuyến bên kia cũng phải nhổ neo, mặc dù phà rất ít khách để đảm bảo an toàn cho phà cập bến. Những lúc thời tiết bình thường, các chuyến phà đêm hoạt động tới 22 giờ. Thỉnh thoảng, phà lại hú những hồi còi ngay giữa dòng Hàn giang phẳng lặng để cảnh báo các tàu, thuyền xuôi ngược chú ý quan sát, đề phòng tai nạn trên sông nước.

< Ngoài phà thì sông Hàn xưa còn có bến đò. Ảnh là đò ngang sông Hàn đang đợi khách.
NISAVA
Đến 4 giờ sáng, tiếng động cơ phà lại bành bạch. Vào giờ này, người đi phà chủ yếu là các mẹ, các chị từ phía quận 3 kĩu kịt những gánh hoa của làng nghề trồng trọt An Đồn, Phước Mỹ, những mẹt cá còn tươi rói từ những chiếc ghe nhỏ đánh bắt gần bờ trong đêm để sang chợ Hàn, chợ Đống Đa, chợ Cồn, chợ Tam Giác…cho kịp sáng. Tiếng động cơ xe lambro, tiếng cọt kẹt của xích lô, ba gát hoà cùng tiếng gọi nhau í ới càng làm cho hai đầu bến phà thêm náo nức. Những âm thanh ấy như réo gọi ánh bình minh thức giấc…

< Cầu Thuận Phước, một trong nhiều cây cầu lớn vắt ngang sông Hàn ngày nay.

Những chuyến phà sông Hàn đã lùi xa vào dĩ vãng kể từ ngày có cầu Sông Hàn sừng sững vắt ngang, một chiếc cầu quay hiện đại và duy nhất ở Việt Nam.

16 năm rồi, người Đà Nẵng cũng như du khách muôn phương không còn trông thấy các chuyến phà ấy nữa. Nhưng hình ảnh quá đỗi thân thương của nó và những hồi còi lanh lảnh trong đêm vẫn còn văng vẳng trong ký ức của bao người đã một thời gắn bó với đôi bờ Đông – Tây!

Theo Thái Mỹ (Dân Việt), ảnh sưu tầm.
NISAVA TRAVEL!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *