(DVO) – Săn còng biển giống hệt như tham gia một cuộc đua tốc độ đầy kỳ thú. Đôi lúc, người săn phải chịu cảnh thất vọng vì không thắng nổi sự khôn ngoan của loài còng, kể cả việc nếm trải “mùi vị” đau đớn từ những vết thương.
Theo chân anh Phan Phước Chương (trú xã Bình Dương, huyện Thăng Bình, Quảng Nam), chúng tôi đã có những trải nghiệm đầy thú vị khi “săn” còng biển vào ban đêm. Chọn cách săn còng bằng tay nên nhóm người (7 thành viên) chỉ mang theo chiếc đèn pin và bắt đầu chuyến hành trình “truy tìm” còng đang kiếm ăn trên bãi biển. Khi phát hiện còng nằm vùi trong cát để ăn mồi, chúng tôi chỉ cần đặt tay nhẹ nhàng là có thể tóm gọn chúng.
Thông thường, số lượng còng nằm im “đầu hàng, chịu trói” rất ít. Đa phần, còng rất cảnh giác, nghe tiếng động là liền chạy nhanh ra biển hoặc chui vào hang để lẩn trốn.
NISAVA
Khi đó, cuộc truy đuổi còng mới trở nên thú vị. Các thành viên trong nhóm, chia nhau “dí” còng chạy khắp nơi, bao vây tứ phía, tìm mọi cách “lăn, lê, bò, toài” để bắt còng. Ai nấy đều reo hò, vui sướng khi tóm gọn được những chú còng “tinh nghịch” này.
Để có được niềm vui đó, chúng tôi đã trải qua nhiều lần thất bại, nhiều khi đua tốc độ không lại loài còng hay chúng tôi phải cố gắng chịu đựng sự đau đớn khi bị còng càng tấn công,…
Theo anh Chương, người dân địa phương không xem việc săn còng biển là chuyện mưu sinh buôn bán thường nhật, mà đơn giản, đây chỉ là thú vui. Vì vậy, loài còng không bị săn bắt theo kiểu tận diệt.
Anh Chương chia sẻ thêm, ngoài săn còng bằng tay thì còn có cách đào hố sâu trên bãi biển vào ban đêm, đặt một cái xô xuống và bỏ vài miếng cá ương vào. Sau đó, còng sẽ tự đánh hơi mùi cá và tìm đến, rơi vào xô và không thể bò lên được. Cứ thế, người săn chỉ chờ vào trời sáng, mang còng về nhà.
NISAVA
“Tuyệt đối không để còng chạy ra biển hoặc chui vào hang vì sẽ rất khó khăn khi bắt chúng. Đặc biệt, khi phát hiện còng thì người bắt phải nắm còng đúng thế, để tránh bị càng kẹp tay.
So với việc dùng xô và mồi nhử thì dùng đèn pin để bắt còng bằng tay tỏ ra thú vị hơn nhiều, giống hệt như chuyến đua kỳ thú. Còng biển chạy rất nhanh và đổi hướng liên tục nên thường khi bắt còng, phải có ít nhất 2 người để tương trợ lẫn nhau” – anh Chương cho hay.
NISAVA
Thức ăn của còng biển thường là những thứ tự nhiên ở biển nên rất sạch. Sau khi lột bỏ yếm và mai còng, có thể chế biến thành nhiều món ăn rất ngon miệng như: còng nướng, còng rang me, cháo còng và nếu cầu kỳ hơn thì là món còng tẩm bột chiên….
Theo Dũ Tuấn (Dân Việt)
NISAVA TRAVEL!