(Tiếp theo) – Đại tá Nguyễn Văn Quốc, Đoàn trưởng Đoàn Kinh tế- Quốc phòng (KTQP) 79 thuộc Binh đoàn 15 dáng người gọn gàng, chân đóng dày ba ta, trưa đường 10 nắng gắt, anh gạt mồ hôi trên mặt bảo: “Mình vừa đi kiểm tra dưới cơ sở về!”.
Chuyện Đoàn KTQP được thành lập, hành quân từ Tây Nguyên ra đứng chân trên đường 10 ngoài thực hiện nhiệm vụ chính trị chung của Binh đoàn 15, còn là sự tri ân với đồng bào thiểu số phía tây huyện Lệ Thủy và tiếp nối bản anh hùng ca trên đường 10 trong thời bình, thời công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương, đất nước.
Hẳn nếu là người Quảng Bình ai cũng ít nhiều biết đến Thiếu tướng Nguyễn Xuân Sang, Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động, Tư lệnh Binh đoàn 15 đóng quân tại vùng đất Tây Nguyên xa xôi. Ông vốn quê xã Dương Thủy, huyện Lệ Thủy. Vì thế, dù đóng quân nơi xa nhưng trong tâm vị tướng vẫn luôn nhớ về Quảng Bình. Làm gì cho Quảng Bình, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa, nơi đồng bào Vân Kiều kiên trung một lòng theo theo Bác Hồ làm cách mạng, giải phóng đất nước nhưng bây giờ vẫn đang gặp muôn vàn khó khăn? Được sự nhất trí của Bộ Quốc phòng và sự đồng thuận từ tỉnh Quảng Bình, tháng 8- 2009, Bộ Tư lệnh Binh đoàn 15 quyết định điều động Đoàn KTQP 79 ở xã Mo Ray, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum ra Quảng Bình.
Dự án khu kinh tế quốc phòng phía tây nam huyện Lệ Thủy dọc đường 10 thuộc địa bàn của 3 xã Ngân Thủy, Lâm Thủy, Kim Thủy từ đó được hình thành. Đại tá Nguyễn Văn Quốc tâm sự: “Ngày đoàn lên đây, khó khăn bộn bề. Một mặt chúng tôi xây dựng lán trại ở tạm, mặt khác nhanh chóng triển khai công việc ngay. Với diện tích được giao trồng cao su trên 1.139 ha, tổng mức đầu tư đến năm 2020 sẽ lên đến 1.426 tỷ đồng”. Trong ba năm từ 2009 đến 2011 Đoàn KTQP 79 đã trồng được 450 ha cao su, trong đó năm 2009 trồng 26 ha; năm 2010 trồng 154 ha và năm 2011 trồng 270 ha. Những người lính Đoàn KTQP 79 và đồng bào Vân Kiều xã Ngân Thủy chọn cái tên đồi 26 để đặt tên cho diện tích cao su trồng đầu tiên, bây giờ đã tròn ba tuổi. Cây cao su đứng chân vững vàng trên đường 10, càng tạo thêm niềm tin vững chắc cho những người lính thời bình đi xây dựng kinh tế, đem lại sự đổi thay cho các xã Ngân Thủy, Lâm Thủy, Kim Thủy dọc đường 10.
Trung tá Nguyễn Sỹ Luân, Đoàn phó Đoàn KTQP 79 kể: “Đến với đường 10, chúng tôi xác định công tác dân vận phải ưu tiên hàng đầu. Qua những lần tiếp xúc với đồng bào Vân Kiều ở các bản, chúng tôi tìm ra nguyên nhân vì sao bà con không thoát được nghèo. Tập quán canh tác lạc hậu, chặt- đốt- cốt- trỉa, sống nhờ rừng, dựa hẳn vào rừng, khi Nhà nước có chủ trương đóng cửa rừng, đồng bào không còn chỗ bám víu nên luẩn quẩn với cái nghèo. Đảng và Nhà nước dù có nhiều giải pháp hỗ trợ nhưng thiếu tính khả thi, chỉ là giải pháp tình thế, trước mắt. Đoàn KTQP 79 với đặc thù của mình có cách giúp đỡ riêng, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân, bám dân, bắt tay chỉ cho dân”.
Và quả thật đã có một sự đổi thay đáng kể trên đường 10, kể từ ngày Đoàn KTQP 79 đến đóng quân. Tổng số lao động của đơn vị hiện tại có 208 người; 124 người lao động trực tiếp, trong đó 42 lao động nữ; 28 lao động người dân tộc Vân Kiều. Bình quân mỗi lao động nhận khoán 3,6 ha cao su. Nhờ cách giao khoán trực tiếp cho người lao động mà diện tích cao su ngày càng phát triển, người lao động gắn bó với cao su, với Đoàn KTQP 79. Mức lương bình quân cũng tăng theo, từ 3 triệu đồng năm 2010 lên trên 4 triệu đồng năm 2011.
Tôi gặp chị Hồ Thị Bông cùng con dâu ở xã Ngân Thủy đang chăm chăm sóc diện tích cao su nhận khoán từ Đoàn KTQP 79. Trưa đường 10, nắng cháy rát mặt, thế mà hai mẹ con chị Bông vẫn chăm chỉ nhổ từng gốc cỏ dưới chân các gốc cao su gần 3 năm tuổi. Chị nói: “Trong gia đình, ngoài chị và con dâu, còn có thêm chồng chị đều được nhận vào làm công nhân tại Đoàn KTQP 79”. “Một tháng được trả lương bao nhiêu tiền?”- Tôi hỏi. “Hơn 4 triệu đồng. Làm nhiều thì được trả tiền nhiều, tùy theo sức lao động của mình thôi mà!”. “Từ trước đến nay, thu nhập của gia đình được nhiều như vậy không?”. Chị Hồ Thị Bông lắc đầu: “Ơ, không có mô! Trước đến nay, làm nương, làm rẫy vẫn thiếu ăn, nghèo đói. Giờ có bộ đội về giúp dân, vui cái bụng lắm. Tháng lương đầu tiên nhận hơn 3 triệu đồng, không tin vào mắt mình, vì có lúc mô cầm được số tiền lớn như vậy. Bây giờ thì tin rồi, nghe theo bộ đội, chắc chắn trong tương lai không xa, đồng bào Vân Kiều đường 10 sẽ chiến thắng nghèo đói đó!”.
Năm 2011, Đoàn KTQP 79 tiếp tục hỗ trợ xây dựng 6 ngôi nhà đại đoàn kết trị giá 180 triệu đồng cho 6 hộ gia đình tại 3 xã: Ngân Thủy, Lâm Thủy, Kim Thủy. Hỗ trợ xây nhà di dãn dân cho 18 hộ công nhân (trong đó có 4 hộ đồng bào Vân Kiều) trị giá 20 triệu đồng/hộ. Tổ chức khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho bà con dân tộc xã Ngân Thủy, trị giá 40 triệu đồng. Đặc biệt kể từ ngày đứng chân trên đường 10, Đoàn KTQP 79 phối hợp rất hiệu quả với Công ty LCN Long Đại, Lâm trường Khe Giữa, Đồn biên phòng 601- Làng Ho, Hạt kiểm lâm Lệ Thủy… bắt giữ nhiều vụ khai thác gỗ trái phép tại lâm phần; góp phần giữ vững an ninh chính trị, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên địa bàn biên giới.
Sau chuyến kiểm tra và làm việc của đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tuân tại Đoàn KTQP 79 trong tháng 10- 2011, tại thông báo kết luận số 854/TB-UBND, đã đánh giá về sự thành công ban đầu của dự án khu kinh tế quốc phòng phía tây nam huyện Lệ Thủy: “Đoàn KTQP 79 là đơn vị đầu tiên thực hiện chủ trương chuyển đổi rừng tự nhiên nghèo kiệt sang trồng cao su tại Quảng Bình, đơn vị giàu kinh nghiệm trồng cao su và xây dựng khu kinh tế kết hợp quốc phòng. Qua kiểm tra thực tế cho thấy, cao su của đơn vị mới được trồng trong thời gian ngắn nhưng phát triển rất tốt, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng khu vực tây nam Quảng Bình.
Bên cạnh đó trong quá trình khai thác, thực hiện dự án, Đoàn KTQP 79 cũng xây dựng được mối quan hệ rất tốt, gắn kết với các sở, ngành, chính quyền sở tại và nhân dân trên địa bàn. Ưu tiên tuyển dụng người dân địa phương vào làm việc tại đơn vị, nhất là đồng bào dân tộc ít người, giải quyết việc làm, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân trong khu vực. Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng của địa phương và các đơn vị của Công ty LCN Long Đại làm tốt công tác bảo vệ rừng. Tích cực hưởng ứng các hoạt động xã hội như: ũng hộ xây dựng nhà đại đoàn kết; thăm, tặng quà đối tượng chính sách trong các dịp lễ, tết; tài trợ cho các hoạt động mang tính an sinh xã hội…”.
Câu chuyện viết trên đường 10 còn rất dài, những người lính Binh đoàn 15 trong thời bình đang tiếp bước truyền thống anh hùng của thế hệ cha anh đi trước, sát cánh cùng đồng bào dệt nên bản anh hùng ca trong thời kỳ đổi mới.
Còn tiếp
Kỳ 1 – Kỳ 2 – Kỳ 3 – Kỳ 4 – Kỳ cuối
NISAVA TRAVEL! – Theo Ngô Thanh Long (web Quảng Bình), internet