(Tiếp theo) – Đinh Xuân Hòa, Phó Giám đốc Lâm trường Khe Giữa qua điện thoại hẹn rằng: “Chưa đi chưa biết đường 10. Đi rồi mới biết sức người sức ta… Mời anh lên chơi! Đồng bào dân tộc xã Ngân Thủy bây giờ cuộc sống đã đổi thay nhiều lắm rồi”. Nhưng anh không ngờ, tôi đã có mặt trên đường 10, ngay trước trụ sở Lâm trường.

Chiều trên đường 10 giữa đại ngàn Trường Sơn. Sau vài ly rượu mềm môi cùng bữa cơm đạm bạc với những người canh rừng Trường Sơn, Đinh Xuân Hòa đề nghị: “Hay là ta về bản, gần thôi, ven đường 10”. Cùng anh dạo trên đường 10, phảng phất đâu đây hương lúa trổ đòng. “Ngân Thủy làm lúa nước rồi em… Ai ngờ cây lúa thủy chung được với đồng bào Vân Kiều”- Phó Giám đốc Lâm trường Khe Giữa tâm sự.

Tôi có được báo cáo tình hình kinh tế- xã hội của xã Ngân Thủy từ Bí thư Đảng ủy Nguyễn Thoan đưa. Thật lòng thì vẫn một điệp khúc buồn, lặp đi lặp lại: “Ngân Thủy là một xã miền núi rẻo cao, đời sống của bà con còn gặp nhiều khó khăn. Dân số 457 hộ, 1.923 khẩu, phần lớn là đồng bào dân tộc Vân Kiều. Diện tích đất nông nghiệp 14.445 ha. Tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến 70,9%…”. Lật đi lật lại từng trang báo cáo, tìm mãi mới thấy một tín hiệu vui… Người Vân Kiều Ngân Thủy trồng được lúa nước, tại 3 bản: Cẩm Ly, Cửa Mẹc và Khe Giữa với diện tích trên 83 ha; năng suất đạt khoảng 30 tạ/ha. Cây lúa nước lên non, đến với người Vân Kiều, rồi thủy chung, son sắt, như tấm lòng đồng bào chung thủy, sắt son.

< Một góc bản Khe Giữa.

Đinh Xuân Hòa đưa tôi về bản Khe Giữa. Từ trên con dốc cao nơi đường 10, bản hiền hòa với những ngôi nhà sàn nho nhỏ, phía trước mặt rộng mở cánh đồng lúa ngát xanh. Hơn 10 năm về trước, cán bộ Lâm trường Khe Giữa đã “ba cùng” với dân, vỡ đất, khai hoang, hình thành nên cánh đồng lúa trên chốn non cao phía tây đường 10. Bản Khe Giữa có 110 hộ đồng bào Vân Kiều với hơn 400 khẩu là bản văn hóa của xã Ngân Thủy.

Câu chuyện về cánh đồng lúa diện tích trên 15 ha ở bản Khe Giữa dài lắm. Tôi còn nhớ năm 2001, khi cùng các đồng nghiệp tại Đài PT- TH tỉnh ngược đường 10 đầy đá sỏi, ổ voi, ổ gà đến Ngân Thủy thì những nhát cuốc đầu tiên vỡ đất khai hoang cũng bắt đầu. Huyện Lệ Thủy mong muốn xây dựng tại Khe Giữa một mô hình trồng lúa nước nhằm giúp đồng bào Vân Kiều định canh, định cư, ổn định cuộc sống và sớm thoát nghèo. Con đập nhỏ phía tây bản Khe Giữa hoàn thành dẫn nước mát về tưới cho đồng ruộng và cung cấp nước sinh hoạt cho bản.

Cán bộ Lâm trường “bắt tay chỉ việc” với đồng bào. Người Vân Kiều Khe Giữa thấy cán bộ cuốc đất, cày bừa, gieo hạt… lạ lắm. Lạ! Vì từ bao đời nay đồng bào gieo hạt giống đều trên nương, trên rẫy, trên đất khô khát, giờ cán bộ gieo hạt xuống bùn non, ngập nước, liệu hạt giống có sống không? Đồng bào chờ… ngày thứ nhất hạt giống ẩn mình dưới lớp bùn non. Ngày thứ hai, hạt giống “ngồi” dậy… Sang đến ngày thứ ba, một điều kỳ diệu đến, từ trong bùn non những cánh mạ bung ra, xanh nhạt, đều tăm tắp khắp cánh đồng. Bản Khe Giữa vui như ngày hội.

Trên cánh đồng bản Khe Giữa, cây lúa đang vào thời kỳ làm đòng, tôi thấy rất nhiều phụ nữ đang nhổ cỏ, chăm chút cho ruộng lúa của gia đình mình. Người miền xuôi có câu cửa miệng: “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”, còn ở đây, tại bản Khe Giữa này, nguồn nước đã đủ cộng với sự chuyên cần, chăm chỉ của đồng bào mà cây lúa đứng chân được, làm đổi thay cả một vùng đất xưa kia nghèo nàn,lạc hậu. Gia đình chị Hồ Thị Dung gắn bó với cây lúa nước qua 5 mùa gặt, chị kể với tôi rằng: “Với 3 sào ruộng, cứ một mùa bình quân cho thu hoạch trên 40 thúng lúa, không phải sợ đói cái bụng như trước đây nữa”.


< Đồng bào dân tộc Vân Kiều Khe Giữa chăm sóc lúa đông-xuân.

Cùng chung niềm vui với chị Dung, các chị Hồ Thị Mai, Hồ Thị Lý cũng có 3 sào ruộng nước. “Bây giờ thì đồng bào canh tác thuần thục lắm rồi- chị Mai tâm sự- Làm được lúa nước, bà con trong bản không phải nhọc nhằn lên rừng, sống nhờ vào rừng. Bây giờ, hạt lúa vàng đem về nhà, phơi khô khén rồi cất lên tra. Khi nào nhà hết gạo, chỉ cần lấy xuống đưa đi xát là được cái ăn chứ không phải giã gạo bằng cối vất vả”.

Rời Ngân Thủy, bám theo đường 10, sau gần một tiếng đồng hồ, tôi đến Lâm Thủy. Trên cung đường bạt núi, vượt ghềnh, chợt nhớ đến mấy câu thơ như lời hò hẹn… về một sự đổi thay cho Lâm Thủy, xã có tuổi đời trẻ nhất ở huyện Lệ Thủy.

“Cây lúa nước đang gọi người xuống núi
Lúa uống giọt mồ hôi trả lại nụ cười
Ché rượu cần chìa bàn tay vẫy
Ngọt ngào nồng đượm trên môi”.

Chủ tịch xã Hoàng Kim nói rằng: “Nếu cây lúa nước sớm đến với đồng bào Vân Kiều Ngân Thủy khá sớm, nhờ sự giúp đỡ của cán bộ Lâm trường Khe Giữa thì bộ đội biên phòng Đồn 601- Làng Ho là những người đem lúa nước lên cho bà con xã Lâm Thủy tại hai bản Tân Ly, Chút Mút với diện tích vụ đông-xuân này khoảng 7,5 ha. Vụ đông-xuân 2010-2011, năng suất lúa nước đạt đến 35 tạ/ha. Ngoài lúa nước như bước thử nghiệm thành công thì tài sản của xã còn có thêm 445 con trâu, bò; 450 con lợn; hơn 1.000 con gia cầm”. Mùa hè, lên với Lâm Thủy, sợ rằng gặp phải khô khát như những năm trước đây, nhưng bây giờ các công trình nước sinh hoạt ở Tăng Ký và Xà Khía đang phục tốt nhu cầu sinh hoạt cho đồng bào.

Vâng! Có ai ngờ cây lúa nước lại lên được với đồng bào Vân Kiều tại hai xã Ngân Thủy, Lâm Thủy heo hút, nghèo khó tận xa xôi đường 10. Để từ đây chúng ta kỳ vọng vào một sự đổi thay diệu kỳ nơi mảnh đất kiên trung, anh hùng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ; sắt son, thủy chung trong thời kỳ đổi mới này.

Còn tiếp
Kỳ 1 – Kỳ 2 – Kỳ 3 – Kỳ 4 – Kỳ cuối

NISAVA TRAVEL! – Theo Ngô Thanh Long (web Quảng Bình), internet

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *