(Tiếp theo) – Sông Bà Đài chỉ nằm “gói gọn” trên địa bàn xã Phú Mỡ. Qua đến vực Ông thuộc địa phận xã Xuân Quang 1 (huyện Đồng Xuân) thì người dân quanh vùng gọi là sông Cái. 

Kỳ 2: Thác Rọ Heo trên sông Cái

Con sông đổ nước xuống thác Rọ Heo qua thác Dài. Khi qua khỏi vực Lò (vực sâu thứ 2 của sông Kỳ Lộ), bên bờ sông có một xóm, nhưng chỉ một ngôi nhà. Trong ngôi nhà ấy bao năm qua, người cháu 64 tuổi nuôi ông cậu 107 tuổi.

Rùng mình qua thác Rọ Heo

Vực Ông là nơi sâu nhất theo suốt chiều dài của dòng sông Kỳ Lộ. Tại đây, dòng sông chảy qua tảng đá lớn rồi bỗng nhiên “hạ độ cao”, vì thế dòng nước từ tảng đá giữa dòng sông dội xuống ầm ào “năm này qua tháng khác” tạo thành vực sâu. Ông Châu Văn Dũng, một thợ lặn ở xã Xuân Quang 1, cho hay: “Nơi này bao năm qua, người nào lặn tài nhất vẫn chưa đến đáy. Vì áp suất sông lớn nên khi lặn sâu gần đến đáy, hơi còn nhưng ép ngực khó thở, khi ngoi lên chảy máu lỗ tai nên không ai dám “cả gan” lặn sâu thêm nữa”.

< Dưới chân thác Rọ Heo.

Qua khỏi vực Ông, dòng sông uốn mình chảy qua địa bàn thôn Kỳ Lộ (xã Xuân Quang 1), vùng này không có thác vực. Thế nhưng vừa qua khỏi địa bàn thôn Kỳ Lộ “xuất hiện” thác Rọ Heo, đây cũng là dòng thác hiểm trở nhất dọc theo suốt chiều dài của dòng sông. Theo nhiều người dân sống quanh vùng, sở dĩ có tên gọi thác Rọ Heo là do dòng thác chảy xuyên qua hai vách núi, phía trên to, phía dưới vót lại nhỏ giống như rọ heo, phía dưới chân thác lại có tảng đá án ngữ giữa dòng chảy. NISAVA

Trước đây, nhiều người dân sống ở thôn Thạnh Đức (xã Xuân Quang 3, huyện Đồng Xuân) chuyên làm nghề đan ky giỏ, rổ rá lên đến tận trên này xa gần 30 cây số chặt mò o thả bè về. Mỗi khi bè mò o qua thác Rọ Heo, người có kinh nghiệm lâu năm, sức khỏe tốt mới lái bè lách được tảng đá đó qua khỏi thác. Người “yếu bóng vía” thì bè đâm vào tảng đá rã bè phải nhọc công kết bè lại.

Dưới chân thác Rọ Heo có 37 hộ dân xóm Đồng Hiệu (xã Xuân Quang 1) sinh sống, nơiđây hầu như quanh năm suốt tháng hiếm có người lạ mặtđến. Xóm nhà ven sông này lâu lâu có người bị sự cố rã bè gặp lúc chiều tối vào ngủ nhờ. Bà Nguyễn Thị Lan, một cư dân ở dưới chân thác Rọ Heo giãi bày: “Ở đây nghèo thì không nghèo nhưng khổ thì khổ thật vì làm lụng quanh năm vất vả, thế nhưng xóm làng bình yên, cả xóm như người một nhà, “ở chung mà làm riêng”. Như nhà tôi đây, lâu lâu có người lạ thả bè gặp sự cố ở thác Rọ Heo đến ở nhờ qua đêm, “lỡ chợ, lỡ quán”, những người ở xung quanh thấy vậy lúc dọn cơm có chén canh, con cá bưng qua cho nhau cùng mời khách”.

Nhiều người dân làm nghề đan ky giỏ, rổ rá ở thôn Thạnh Đức kể, thác Rọ Heo hiểm trở nên khi đến mùa mò o khan hiếm, mới “thượng” lên trên thác Rọ Heo chặt mò o thả bè về. Thường thì người làm nghề chặt mò o ở Hòn Hang, Gò Giang phía dưới thác Rọ Heo thả bè theo sông Cái về bến khỏi phải vượt qua trở ngại.

Chúng tôi theo bè mò o của người quen, xuôi qua Hố Ếch xuống thác Dài, đến thác Lỗ Cá rồi đến vực Lò thuộc xã Xuân Quang 2 (huyện Đồng Xuân). Vực Lò, vực sâu thứ 2 của sông Kỳ Lộ, sau vực Ông. Tuy nhiên, lưu vực của vực Lò dài nhất sông Kỳ Lộ vì “ôm” cả suối nước nóng Triêm Đức. Ông Nguyễn Xuân, một người cao niên làm nghề đan ky giỏ, rổ rá ở thôn Thạnh Đức đang xuôi đi bè mò o kể, trước đây tôi cùng mấy người nữa đi bè mò o qua vực Lò, cua đinh to bằng cái nia nổi lên làm lật bè mò o của mấy người trong xóm. Hiện rất khó tìm thấy cua đinh ở vực sâu này. Bây giờ ai bắt được cua đinh làm thịt để trên lưng tôi nướng. Dòng sông bây giờ cũng thay đổi, trước đây bè mò o quanh năm suốt tháng nay những tháng mùa hè dòng sông có khúc cạn dòng, thả bè mắc cạn…”.

Xóm… một ngôi nhà bên sông

Người dân làm nghề đan ky giỏ, rổ rá ở thôn Thạnh Đức chặt mò o thả bè về cập bến Hóc Bướm và bến Gò Sau. Giữa hai bến này có bến Xe Đá. Trước đây, thời chống Pháp rồi đến chống Mỹ, xóm nhà cạnh bến Xe Đá cư dân sống đông đúc. Thời ấy, người dân ven biển ở chợ Giã thuộc xã An Ninh Tây (huyện Tuy An) bơi sõng câu (một loại xuồng nhỏ) lên trên này bán mắm cá rồi mua lúa sắn chở về nên bến này rất nhộn nhịp. Sau ngày đất nước giải phóng, một tuyến đường mới mở cách xa bến sông, người dân chuyển vào sống hai bên đường gần chợ, trường học, trạm y tế nên giờ xóm này chỉ còn một ngôi nhà duy nhất.

< Cụ Nguyễn Tính 107 tuổi đang được người cháu Nguyễn Thị Chinh 64 tuổi – gọi bằng cậu nuôi dưỡng.

Căn nhà nằm trên một ngọn đồi bốn bề vắng lặng, trước mặt là cánh đồng lúa rộng gần 2ha. Khi vào vụ gieo sạ phải nhờ vào nước trời, một năm sản xuất một vụ, chủ ruộng từ xa đến canh tác. Lúc gieo sạ và khi thu hoạch thì ban ngày mới có bóng người ở ngoài ruộng, những tháng còn lại thì cánh đồng vắng lạnh. Phía bên phải theo hướng ngôi nhà, là thác Bằng Lăng của dòng sông Kỳ Lộ chen chân vào vách đá đổ nước ầm ào rồi chảy qua bến Xe Đá. Xung quanh nơi ở của hai con người là gò sắn, đồi mía. Ông cụ tên là Nguyễn Tính, năm nay đã 107 tuổi còn người cháu ruột của ông là Nguyễn Thị Chinh, cũng đến tuổi 64. Trong ngôi nhà ấy bao năm qua có một người cháu không ngại khó khăn nuôi ông cậu tuổi cao.

Cụ Tính kể, sở dĩ ông chọn sinh sống ở nơi vắng vẻ này là vì mảnh đất này gắn chặt với cuộc đời ông. “Thời Pháp thuộc ở đây đông đúc lắm, rồi đến thời chống Mỹ cũng vậy, dân ở đây vừa đi chăn bò, vừa tiếp tế lương thực cho cách mạng. Nói là dỡ cơm để đi chăn bò luôn trưa nhưng thực tế là giấu cơm, gạo, thức ăn trong bụi tre, tối cách mạng đến lấy. Lúc đó, bom rơi đạn lạc, nhiều người đã chết và chôn ở đây. Gần tết, đông đảo con cháu về đây tảo mộ ông bà”, cụ Tính chậm rãi nói.

< Người dân xóm Đồng Hiệu tráng bánh chuẩn bị đón tết.

Ông còn dẫn chỉ cho tôi xem hàng chục ngôi mộ của những người đã từng che chở nuôi dưỡng cách mạng. Chiều, ông ngả cái nong tre ra giữa sân ngồi bó gối, tiếp tục kể những câu chuyện từ phía xa lắm của cuộc đời.

“Lớp già như tôi không ai còn nữa. Những ngôi mộ kia là thời cùng lứa với tôi. Họ nằm ở đây nên tôi không đi đâu hết. Tối đến, tôi thắp hương cầu mong linh hồn họ siêu thoát. Ai cũng đi hết, bỏ họ bơ vơ, tội!”. Thế là ông quyết định sống ở một nơi vắng vẻ này, ông chỉ có ngọn đèn dầu và bình trà là bạn tri kỷ đêm đêm thức cùng ông.

Ở đó, hồi còn trẻ, ông đã khai hoang gần 1ha đất trồng sắn, mía. Ông sống nép mình và cần cù lao động, những thửa gò lởm chởm đá nhưng đến mùa xuống giống cây trồng, một màu xanh bạt ngàn trải rộng.

Hồi mẹ người cháu còn sống, hai mẹ con ở bên xóm Gò Cốc, thôn Triêm Đức (xã Xuân Quang 2) cách nơi ở bây giờ khoảng 5 cây số và ngăn cách bởi con sông Kỳ Lộ với bãi cát trắng trải dài. Lúc ấy, “năm mười ngày hoặc nửa tháng”, hai mẹ con lại nhờ người bơi sõng câu dắt díu qua bên này sông thăm cậu.

< Cầu Ngân Sơn trên tuyến quốc lộ 1 bắc qua sông Kỳ Lộ.

Những năm sau khi mẹ bệnh nặng, sáng người cháu đi chợ nấu cơm, chiều lại vất vả mang thức ăn qua bên kia sông cho cậu. Bà Chinh kể, lúc mẹ bà còn đi lại được đã dặn: Khi mẹ mất, con nhớ nuôi cậu. Có hôm bận việc, bà Chinh mang cá, dưa, mắm muối ra đầu ngõ chờ có ai sang đó làm ruộng gởi qua cho cậu, nhờ vậy ông có thức ăn hằng ngày. Một năm sau, khi mẹ bà Chinh mất, bà qua ở nơi này, lặng lẽ làm nông, rau cháo nuôi cậu. Chuyện đã trên 10 năm. Bà Chinh bảo: “Mẹ mất thì còn cậu, để cậu sống một mình tôi thấy tội. Tôi cố gắng làm tròn chữ hiếu, khi nào cậu mất tôi về lại bên kia sông, nhà cũ tôi còn đó”.

Còn tiếp
Kỳ 1 – Kỳ 2 – Kỳ 3

Theo Mạnh Hoài Nam (Báo Phú Yên)
NISAVA TRAVEL!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *