(TPO) – Dịp nghỉ lễ khá dài ngày sẽ tạo điều kiện cho những tay lái đam mê du lịch tận hưởng cảm giác thú vị khi vượt qua những con đường đèo ấn tượng cũng như “khó nhằn” nhất Việt Nam.

Chọn nơi nào để đi luôn là câu hỏi lớn với những tay lái đam mê du lịch. Người viết xin gợi ý một cung đường hấp dẫn, đủ để các tay lái trải nghiệm 4 ngày nghỉ sắp tới, với điểm dừng là những địa danh nổi tiếng, đồng thời cũng được đi qua 3 trong số những con đường đèo ấn tượng nhất Việt Nam.

Xuất phát từ Hà Nội, các tay lái nên “khởi động” bằng cung đường quen thuộc: Hà Nội – Mộc Châu. Đây là cung đường mà gần như bất cứ người đam mê du lịch nào đều đã trải qua. Không quá khó khăn, nhưng đủ thú vị và hấp dẫn.

Ngoài đoạn qua Xuân Mai không có gì hấp dẫn, thì những cung đường đèo từ Hà Nội lên tới Sơn La cũng tạo nên cảm giác phấn khích, đồng thời là màn khởi động làm nóng người trước những thử thách trước mắt.

Hành trình Hà Nội – Mộc Châu sẽ đi qua con đèo Thung Khe, hay còn gọi là đèo Đá Trắng (bởi trên đèo có một đoạn nổi tiếng với núi đá trắng như tuyết, dân du lịch thường dừng lại thưởng thức ngô luộc, trứng luộc). Các tay lái có thể chọn rẽ phải khi gần tới điểm Đá Trắng để rẽ xuống Ba Khan, một cung đường cũng rất thú vị và thử thách.
NISAVA
Nghỉ đêm tại Mộc Châu – Sơn La, thưởng thức đặc sản cá hồi, bê chao hay sữa tươi vào sáng sớm, ngày thứ hai sẽ là hành trình khó khăn hơn, với thử thách đèo Pha Đin trên cung đường Mộc Châu – Điện Biên.

Đèo Pha Đin là một trong 4 con đèo ấn tượng nhất Việt Nam, với độ dài 32 km, điểm cao nhất 1.648 m so với mực nước biển và độ dốc một số đoạn lên tới 19% và những vòng cua tay áo liên tiếp, đèo Pha Đin là thử thách đáng kể cho các tay lái.

Dừng chân ở Điện Biên trong ngày thứ hai này, các tay lái có thể tham quan một số di tích lịch sử của chiến thắng Điện Biên Phủ ngày nào, dù cho theo người viết, Điện Biên đã không khai thác tốt trận chiến “lừng lẫy năm châu” này để phát triển du lịch, nên các điểm di tích đều không được như kỳ vọng.

Bước sang ngày thứ ba, một thử thách khác còn khó nhằn hơn cho các tay lái, với cung đường Điện Biên – Sapa, Lào Cai, vượt qua một con đèo huyền thoại khác: Đèo Ô Quy Hồ.
NISAVA
Đèo Ô Quy Hồ dài gần 50 km, dài nhất vùng Tây Bắc và cũng là con đèo quanh co hiểm trở nhưng hùng vĩ bậc nhất Việt Nam. Đèo Ô Quy Hồ chạy cắt ngang dãy Hoàng Liên Sơn, với điểm đến là Sapa, điểm du lịch không hề xa lạ với dân du lịch, nhưng chẳng mấy ai tới đây bằng đèo Ô Quy Hồ.

Chặng đường kể trên, nếu như đèo Thung Khe là màn khởi động nhẹ nhàng, thì đèo Pha Đin là màn tăng tốc hoàn hảo để khi bước vào đèo Ô Quy Hồ, các tay lái sẽ trải qua màn vượt chướng ngại vật đầy gian nan trước khi kết thúc bằng con đường dễ dàng nhẹ nhàng hơn: Sapa – Lào Cai – Hà Nội. Hành trình sẽ vượt qua nhiều địa danh và sẽ tạo điều kiện cho dân yêu du lịch tha hồ khám phá trong 4 ngày nghỉ dài.

Tổng chiều dài của hành trình là hơn 1.000 km, di chuyển trong 4 ngày 3 đêm. Với hành trình dài, các tay lái chú ý chuẩn bị sức khỏe tốt nhất, đồng thời kiểm tra kỹ càng chiếc xe của mình trước khi xuất phát, đặc biệt là lốp xe, tốt nhất nên thay dầu trước hành trình để chiếc xe có được phong độ tốt nhất.

Dù là đi bằng ô tô hay xe máy, cũng nên chú ý không nên chạy xe liên tục nhiều giờ liền. Nên kết hợp chạy 1-2 giờ rồi nghỉ ngơi 10-15 phút để tránh căng thẳng, mệt mỏi cũng như buồn ngủ. Nếu có điều kiện, nên đổi lái với người đồng hành để đạt phong độ tốt nhất, vừa di chuyển, trải nghiệm, vừa đủ sức khám phá và du lịch, chụp ảnh.
NISAVA
Khi chạy xe trên đường đèo, các tay lái cần chú ý chạy đúng làn đường của mình, chỉ vượt xe ở những đoạn đèo thẳng và hết sức hạn chế vượt ở các đoạn vào cua. Khi vượt xe, nên xi nhan từ sớm để xe phía trước biết và tạo điều kiện nhường đường để việc vượt xe dễ dàng và an toàn hơn.

Khi đổ đèo, chú ý tuyệt đối không cắt côn hay về N, bởi khi gặp nguy hiểm, phanh xe sẽ là không đủ để giảm tốc, và việc vào số khi đang đổ dốc là điều không thể. Chú ý chạy xe ở số thấp khi đổ đèo (số 2, số 3, thậm chí số 1) để tận dụng lực hãm của động cơ, tránh sử dụng phanh liên tục, có thể gây mất phanh.

Chạy đường đèo cần chú ý tốc độ an toàn, tùy vào mỗi tay lái mà tốc độ chạy đường đèo cũng như ôm cua sẽ khác nhau, vì vậy nếu là tay lái mới, đừng cố lao theo những tay lái đã có kinh nghiệm chạy đèo, hãy chạy với tốc độ mà bạn cảm thấy an toàn.

Nếu gặp trời mưa, hãy chạy chậm lại để đảm bảo an toàn vì đường sẽ trơn trượt, nguy hiểm hơn nhiều so với khi trời khô nắng. Hãy giảm tốc và phanh sớm hơn bởi trời mưa đường trơn thì chiếc xe sẽ cần quãng đường phanh dài hơn khi cần dừng lại.
NISAVA
Tuyệt đối không được phanh gấp cũng như phanh chỉ bánh trước đối với xe máy, có thể gây trượt xe và mất lái rất nguy hiểm khi chạy đường đèo.

Chúc bạn lái xe an toàn và có những trải nghiệm du lịch thú vị trong những ngày nghỉ lễ.

Theo Tô Tùng (Tiền Phong)
NISAVA TRAVEL!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *