Bạn đừng cười: sau một năm làm việc cực nhọc, nếu làm một chuyến du lịch cho sướng đời mà phải tính toán chi ly thì còn cóc khô gì “đã” nữa phải không? Hào phóng một tý để trọn vẹn những ngày thụ hưởng sự tuyệt vời trong chuyến đi thường là ý nghĩ của nhiều người.

Tuy nhiên với những bạn có tài chính hơi bị eo hẹp một tý thì chuyện du lịch bụi phải tích cóp cả năm nên hưởng phải cho xứng. Một khía cạnh khác là những dân phượt chuyên nghiệp năm nào cũng làm hàng chục chuyến hơn thì không tiết kiệm, không tiền Trời cho thì lấy đâu $ cho chi phí các chuyến du hí? Chưa kể tới việc bị chặt chém khi du lịch, về nghĩ lại thấy bực mình, mất vui!

Vậy nên có tý kinh nghiệm tiết kiệm khi đi du lịch – dù tour dù bụi hay phượt gì đó cũng là một thứ cần nên biết để niềm vui trọn vẹn hơn. Mời bạn xem một số kinh nghiệm du lịch bụi (phượt) tiết kiệm sau đây:

– Không đi du lịch ngay mùa cao điểm như lễ, tết… vì đây là những lúc “máy chém” hoạt động kinh hoàng nhất – giá ăn ở gì đó cũng cao ngất trời. Trong cao điểm hè thì tránh những ngày cuối tuần.

– Nếu đi bằng xe đò, Openbus: bạn hãy tham khảo nhiều hãng xe trước trên internet – điện thoại… để có giá cả chính xác. Đặt vé sớm: bạn có chổ ngồi hay nằm theo ý thích (phía trên, phía giữa, phía trong hay phía ngoài…v.v). Giá vé các hãng xe mới ra có thể rẻ hơn các Cty có tiếng nhưng chất lượng xe không hề kém (Mới ra toàn xe mới keng cả) – chất lượng phục vụ chỉ cần tương đối là được, phượt bụi cũng không cần đòi hỏi quá cao. Mua vé tại bến hay phòng giao địch, không qua trung gian.

– Tận dụng phương tiện công cộng nơi đến: xe bus, xe thồ gắn máy. Các xe bus địa phương có thể có một hay nhiều tuyến, dài hay ngắn nhưng giá vé bao giờ cũng mềm. Xe thồ ở các vùng cao cũng rất rẻ.
Cũng đường ngại đi bộ trong tầm vài cây số vì đi bộ giúp bạn có một cái nhìn sâu sát hơn hình ảnh, lối sống người địa phương.

–  Xe gắn máy là phương tiện tuyệt với nhất để bạn tiếp cận mọi phong cảnh,  địa điểm đẹp. Nếu có thể thì bạn nên đi bằng xe gắn máy cá nhân – đi toàn tuyến hoặc đi một phần. Toàn tuyến khi cung đường có khoảng cách 300km và bạn đã quen đi xe, có sức khỏe khá. Với cung đường xa hơn: bạn có thể  mua vé xe đò, Openbus và gởi kèm theo xe gắn máy. Con ngựa sắt này giúp bạn tham quan nơi đến trọn vẹn và là phương tiện cho chuyến về.

Đường đi không khó, đừng ngần ngại: bạn có thể tham khảo bản đồ đường bộ, Wikimapia trước và ghi chép lại hoặc hỏi người địa phương dễ dàng. Thuê xe gắn máy nơi đến cũng là một ý hay, thông thường chi phí từ 100k/ngày,  xăng bạn tự đổ.

– Nếu dùng xe gắn máy cá nhân, bạn nên đem theo ruột xe, bộ đồ vá để có thể tự giải quyết nếu cán đinh. Trường hợp không có đồ nghề mà bạn xác định được ruột xe xì do “đinh tặc”: bạn hãy rút đinh ra (hay mảnh sắt, que nhôm chữ z… – nếu có thể thì tháo lỏng ốc xiết đầu van) và cứ để như vậy rồi chạy từ từ tìm tiệm sửa xe lớn, đáng tin tưởng để sửa. Chạy như vậy không hư hại gì cho máy móc hay vỏ mà chỉ bị nát ruột. Ruột thì phải thí thôi vì đã đính mánh của đinh tặc thì đàng nào cũng tiêu, vậy tội gì phải dẫn xe vào tổ quỷ để bọn chúng thay bằng đồ dỏm nhưng giá ngất trời?

Lưu ý: đinh tặc còn có thể phá hoại xe bạn một cách nhanh chóng để moi thêm tiền (thường là cắt dây IC để xe không thể nổ máy).

– Một phần lớn chi phí cho chuyến đi du lịch bụi (phượt) là tiền thuê nơi trú ngụ. Nếu bạn ở nhà trọ, ở phòng tập thể dành cho khách du lịch ba lô (dorm) sẽ giúp tiết giảm chi phí cho chuyến đi rất nhiều. Ít tốn kém không kém là bạn có thể thuê lều, mỗi lều tại các nơi du lịch có chỗ ngủ cho hai ba người đấy.

Còn nếu bạn ở dạng homestay tức là trú ngụ tại nhà của bạn bè, người địa phương nơi đến thì phải biết trước chi phí phải trả (nếu có) là bao nhiêu mỗi ngày để dự trù trước ngân quỹ. Đừng ngại ngùng gì cả cho dù homestay tại nhà người bạn thân… trên mạng vì rất nhiều trường hợp bị gạt mất tài sản hay bị chặt chém ngay ngày về. Hơi mất lòng trước nhưng đặng lòng sau, thà như vậy còn hơn phải vướng trường hợp đáng tiếc làm mất vui cả chuyến đi.

Lưu ý: đa phần KS, phòng trọ cũng đều tính giờ trả phòng khoảng 11 – 12 giờ trưa. Thuê và nhận phòng trước thời gian này nếu không quá một buổi thì người ta không tính (ví dụ 8h sáng). Nếu cần: hỏi trước và tận dụng thời gian “miễn phí” này để cất hành lý, sắp xếp chương trình trong ngày.

– Ăn qua bữa ở các chợ hay xóm làng địa phương, tránh xa các nhà hàng hay quán ăn lớn tại các cụm, khu du lịch, những nơi này khó mà có chuyện giá bèo được. Hỏi giá trước khi gọi món ăn: “thuận mua vừa bán”, chả có gì phải e ngại cả. Cũng đừng nên lộ rõ mình là khách du lịch qua hành động hay cung cách ăn mặc vì dân buôn bán mọi nơi đều “ưu tiên” chất lượng và giá cả cho người địa phương.
Đem theo một ít mỳ gói và cây nấu nước điện phòng để dùng khi một nơi nào đó có giá cả quá cao hay quá hoang sơ, không ai bán gì bỏ bụng.

– Cần có thái độ vui vẻ, thân thiện với người địa phương để học hỏi phong tục, tập quán, giá cả… để khi đi chợ trả giá cho dễ, vừa hỏi thông tin cần biết trong khu vực như nơi trọ, đường xá, phong cảnh đẹp.

– Đem tiền mặt theo với mức vừa đủ chi dùng. Trong trường hợp kẹt lắm thì mới dùng tiền trong thẻ thanh toán, ATM. Những thẻ này cũng để phòng thân trong trường hợp xui xẻo mất sạch tiền.

– Mang theo balô vừa đủ dùng, tránh trường hợp ham “đặc sản” rồi mua lung tung: vừa tốn tiền vừa phải mang vác nặng nề.

– Kết bạn sơ giao với người du lịch bụi khác để có thể chia sẻ tiền xe ôm, taxi – cùng nhau có lợi mà.

– Tránh xa các quán bar, quán nhậu. Những nơi này vừa tốn tiền vừa nguy hiểm bởi vì môi trường phức tạp ở đó và khung cảnh dễ khiến người ta uống trên khả năng của mình… rồi mất luôn cảnh giác.

Điền Gia Dũng – NISAVA TRAVEL!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *