(VNE) – Tìm hiểu đường đi, kiểm tra xe trước khi lên đường, chuẩn bị tài chính… là những điều bạn cần làm trước chuyến phượt chỉ có một thành viên duy nhất.
Sau nhiều lần phượt cùng bạn bè và các nhóm với quy mô khác nhau, cũng đến lúc bạn muốn tự làm chủ hành trình của chính mình với phương tiện duy nhất là chiếc xe máy. Phượt một mình không phải là trải nghiệm quá khó khăn, nhất là khi bạn chuẩn bị kỹ càng về kế hoạch.
Dưới đây là một vài điều tham khảo.
Tìm hiểu về cung đường
Đầu tiên, bạn cần tìm hiểu thật kỹ về cung đường mình sắp đi. Dùng Google map (bản đồ trên Google) để kiểm tra, đo khoảng cách và tham khảo một số người đã đi trước là ý tưởng hay. Việc làm này giúp bạn nắm lộ trình các đoạn đường xấu để chuẩn bị cẩn thận hơn cho hành trình. Chẳng hạn, nên tránh đường quốc lộ 1A – nơi đang có đoạn thi công, rất xấu và lượng xe cộ lưu thông quá đông.
Kiểm tra, bảo dưỡng xe máy
Trước khi đi, bạn nên đưa xe máy đi kiểm tra lốp, nhông xích, bạc đạn và thay nhớt. Nếu bất cứ bộ phận nào gặp vấn đề hoặc vừa có biểu hiện trục trặc, bạn cần thay mới ngay lập tức. Kinh nghiệm cho thấy khi đi phượt một mình, việc bị kẹt giữa đường cùng một chiếc xe hỏng là điều tệ hại nhất.
Chuẩn bị đồ dùng
Tính toán ngày đi để mang quần áo hợp lý cũng là điều quan trọng. Chẳng hạn, một chiếc quần có thể mặc trong 2 ngày, còn áo thì mỗi hôm một chiếc. Lưu ý là áo quần phải thoải mái, hơi rộng một chút và bền. Ba lô sử dụng nên là loại lớn, đựng được nhiều đồ.
Đồ bảo hộ
Áo mưa: Vật dụng này rất cần thiết nhưng nhiều bạn thường bỏ quên. Dạng thuận tiện nhất là áo mưa theo bộ (gồm quần và áo), tránh mua loại áo mưa cánh dơi.
Đồ bảo hộ: Một trong những loại đồ bảo hộ phổ biến nhất là giáp tay và chân. Bạn có thể mua qua mạng internet với giá dao động 500.000 – 600.000 đồng một bộ. Ngoài ra, mũ bảo hiểm nên dùng là loại full-face (trùm kín toàn bộ khuôn mặt) hoặc ít nhất diện tích phủ cũng phải 3/4 khuôn mặt. Lưu ý là hạn chế dùng mũ bảo hiểm dạng thông thường vì khi đi đường gặp gió to, chúng rất dễ lật ngược ra phía sau hoặc làm bạn bị ù tai.
Kính chống bụi: Nên mua loại lớn, ôm sát mặt, hoặc dùng kính bảo hộ riêng để chống bụi và gió. Kính râm thông thường dùng để đi trong phố sẽ chống bụi không tốt, gió dễ tạt, gây khô và đỏ mắt.
Giày: Khi chạy xe, bạn nên lưu ý mang giày giúp dễ điều khiển phanh và số. Ngoài ra, bạn cũng có thể chuẩn bị thêm một đôi giày đi mưa bọc bên ngoài để bảo đảm an toàn trong mọi điều kiện thời tiết.
Lương thực
Danh sách cần có gồm một chút bánh ngọt và nước uống. Mỗi khi dừng chân nghỉ ngơi, bạn nên ăn uống để giữ sức, bảo đảm luôn ở trạng thái tốt và tỉnh táo nhất.
Tài chính
Xăng xe: Ngân sách phụ thuộc mức chi tiêu của mỗi người. Đối với xe máy, bạn có thể tính một lít xăng chạy được bao nhiêu km và trừ hao bớt để chuẩn bị tiền. Chẳng hạn, xe chạy 40 km ăn một lít xăng thì mức trừ hao sẽ là 30 – 35km/ lít.
Ăn uống: Phụ thuộc vào hình thức đi lại và cơ địa mỗi người. Nếu bạn đi chỉ để ngắm những cung đường, việc ăn uống cũng trở nên đơn giản hơn.
Chỗ ngủ: Đối với khách sạn, chi phí khoảng 150.000-200.000 đồng một đêm.
Tổng: Chi phí ăn uống một ngày kết hợp với khách sạn sẽ rơi vào khoảng 300.000 đồng. Cộng thêm chi phí phát sinh (nếu có) 50.000 đồng và tiền xăng, bạn có thể dự trù ngân sách trung bình một ngày và đem nhân với số ngày trong hành trình để biết tổng số tiền phải chuẩn bị là bao nhiêu.
Chuẩn bị về tinh thần
Đây cũng được xem là điều quan trọng. Bạn nên lường trước mọi tình huống xấu nhất như hỏng xe, gặp trời mưa, hết xăng hay những trục trặc khác. Chuẩn bị tốt khâu này, khi những tình huống xấu không may xảy ra, bạn vẫn đủ bình tĩnh và tinh thần để vượt qua. Trường hợp chúng xảy ra thật, bạn hãy coi như đó là kinh nghiệm, bài học và đừng giữ cái nhìn quá tiêu cực.
Chạy xe trên đường
Lưu ý là nên chạy đúng tốc độ cho phép. Khi vượt xe tải, nếu đường không có làn dành riêng cho xe máy, bạn sẽ phải sang bên trái và bật xi nhan, bóp còi để xin vượt.
Tính toán thời gian
Vì đi một mình nên bạn có thể dễ dàng dừng lại chụp hình, ngắm cảnh. Do đó, tính toán thời gian hợp lý là điều vô cùng quan trọng nếu bạn không muốn phải chạy xe một mình trong đêm tối.
Việc đi một mình thường giúp bạn có nhiều thời gian và khá tự do, nhưng đôi lúc sẽ mang lại cảm giác cô đơn hay không an toàn trên đường. Vì thế, kế hoạch chuẩn bị ban đầu hết sức quan trọng, nó sẽ giúp chuyến đi của bạn thành công hơn.
Theo Tuân Cuồng Chân (NISAVA)
NISAVA TRAVEL!
Phượt bằng xe máy, cách nào?