(BCT) – Đồng bằng sông Cửu Long có hai địa phương nổi tiếng với nghề trồng khóm. Đó là Cầu Đúc (Hậu Giang) và Bến Lức (Long An).
Bến Lức là một huyện thuộc tỉnh Long An, cách TP Tân An (Long An) 15km và cách TP.HCM 30km, là cửa ngõ phía bắc của miền Tây Nam Bộ. Đi dài theo Quốc lộ 1 địa phương nầy, bất cứ lúc nào, khách cũng bắt gặp bên đường nhiều điểm bán khóm. Những trái khóm mắc vào khung hình vuông vàng ươm đẹp mắt, quyến chân khách dừng lại ghé mua. Và ai cũng tấm tắc ngợi khen hương vị độc đáo của sản vật địa phương nầy.
Khóm Bến Lức thịt vàng, gọt bỏ vỏ và xây bỏ mắt, ta sẽ có một thức uống giải khát tuyệt hảo trong những ngày nắng gay gắt lửa. Cắn một miếng, ta sẽ cảm nhận cái giòn nhẹ, sau đó là vị ngọt thanh điểm xuyết chút chua nhẹ thoang thoảng dễ chịu cùng mùi thơm không phân tích được của khóm. Tất cả khiến khứu giác, vị giác, thính giác và xúc giác ta hoàn toàn thỏa mãn.
Khóm Bến Lức khi pha chế thành món ăn cũng để lại ấn tượng nhớ đời. Những món khóm xào phèo heo, xào gan heo, xào thịt bò,… đều ngon hấp dẫn. Khóm nấu canh chua cá lóc với đậu bắp, giá sống, bạc hà, cà chua… làm tôn thêm sức quyến rũ của món canh nổi tiếng Nam Bộ.
Cùng với một vài rau cải, tàu hủ, khóm còn được làm thành món chay khiến bữa cơm thêm phần thú vị. Hòa cùng bao mùi vị khác, mùi vị đặc trưng của khóm như bật lên nét duyên êm ả. Người ta còn cho khóm vào máy xay sinh tố hoặc ép lấy nước cốt, để trong tủ lạnh đều là thức uống lạnh ngọt khó quên sau bữa cơm.
Trong Đông y, khóm tính bình, giúp tiêu hóa, chống viêm, tẩy độc. Để chữa sỏi thận, người ta dùng nước ép của khóm nướng cháy vỏ trộn với trứng gà, đánh nhuyễn hoặc dùng khóm xắt miếng nấu nhừ với phèn chua vừa ăn cái vừa uống nước. Khóm gọt bỏ vỏ, bỏ mắt, ép lấy nước uống nhiều lần trong ngày có tác dụng nhuận trường. Người ta còn cho rằng ăn khóm hằng ngày giúp hạ huyết áp, có lợi cho tim mạch, phòng ngừa tai biến…
Theo Phương Kiều (báo Cần Thơ)
NISAVA TRAVEL!