(TTVN) – Khi đến Cao Bằng, chắc chắn không ai bỏ qua khu du lịch Bản Giốc. Và muốn đến được Bản Giốc hùng vĩ, nhất định bạn phải chinh phục được con đèo có cái tên rất … Cao Bẳng: Khau Liêu.

“Mời anh lên Cao Bằng quê em, lên đèo Khau Liêu qua đèo Mã Phục, vượt qua rừng vầu, xuyên qua rừng trúc, như bầy ong, như bầy chim…”. Đó là, những câu thơ trong bài thơ “Mời anh lên Cao Bằng quê em” của nhà thơ Y Phương đã được phổ thành ca khúc.

Khau Liêu là gọi theo tiếng Tày, có nghĩa là đèo Liêu. Đứng trên cao nhìn xuống, đèo Khau Liêu mềm mại chạy giữa các dãy núi lô nho của Cao Bằng, giống như một con rồng uốn lượn quanh co, ôm lấy núi.

Đây cũng là con đèo thử tay lái của nhiều dân “phượt” muốn chinh phục khó khăn trước thiên nhiên hùng vĩ. Có thể nói đèo Khau Liêu như một nét chấm phá trong bức tranh đồng quê miền núi tuyệt đẹp của vùng Trùng Khánh.

Không nổi tiếng như đèo Mã Phục nằm trước đó, đèo Khau Liêu mang một nét đẹp nên thơ, đầy màu sắc và hài hòa với cảnh sắc thiên nhiên. Bạn sẽ có cảm giác hạnh phúc, vui sướng khi vượt qua được độ cao của đèo Khau Liêu. Đứng trên đỉnh đèo phóng tầm mắt xuống dưới, hít thở không khí thanh khiết của núi rừng, thật sự không còn gì thú vị hơn.

Từ đây, thiên nhiên Cao Bằng hiện ra rõ nét, những con người bên dưới trở nên nhỏ bé. Những cung đường vừa đủ cho hai làn xe ôtô vừa mới đi qua giờ cũng chỉ như những dải lụa uốn lượn quanh núi.

Đèo Khau Liêu không chỉ đi vào thơ ca, không chỉ là niềm cảm hứng để các nhà nhiếp ảnh sáng tác mà còn là một chứng tích lịch sử trong sự kiện biên giới năm 1979. Những cây cỏ, những hòn đá xếp, tấc đất đã thấm đẫm máu và mùi thuốc súng thuở nào.

Từ lâu, Khau Liêu là con đèo nhuốm màu sắc huyền thoại, bởi những câu chuyện kể với nhiều tình tiết dị bản. Là con đèo nối huyện Quảng Uyên và Trùng Khánh, mốc trên đỉnh đèo, phía Đông thuộc huyện Trùng Khánh, phía Tây thuộc đất Quảng Uyên.

Du khách thập phương lên Cao Bằng muốn đi thưởng lãm vẻ đẹp kỳ vĩ của động Ngườm Ngao, thác Bản Giốc, Hang Cô Tiên, Động Ba Se… bằng con đường ngắn nhất đều phải qua Khau Liêu.

Trước kia, khi chưa có đường ôtô, Khau Liêu đã có đường mòn đi tắt, dựng đứng, mà người gánh đi sau mặt chạm chân người lên trước. Người lên xuống dốc đã toát mồ hôi, thở bằng tai, gánh vác càng vất vả muôn phần.

Những người cao tuổi sống ở làng 2 bên đèo kể lại, thuở người Pháp chưa mở đường, rừng cây to vô kể, nhiều hổ báo rình rập, người đi qua đèo phải đeo cái “Pha nam khằng” có 2 dây đeo để xỏ 2 cánh tay vào để tránh làm mồi cho ông Ba Mươi. Pha nam khằng được kết bằng sợi dây vai, buộc nhiều cây “nam khằng” lại với nhau thành một cái gọi là “pha” vừa vặn với lưng người.

Đặc tính của loài hổ là rình rập, vồ và chồm lên phía sau người, thú vật. Khi đeo pha vào hổ không dám vồ từ phía sau. Nếu có con hổ nào đó liều lĩnh vồ người, khi chồm lên, người nhẹ nhàng cúi xuống, co đầu lại, con hổ bị gai nam khằng đâm đau không dám liều vồ cú thứ 2, thứ 3. Loài hổ khi bị đánh đau sẽ vùng chạy vào rừng sâu.

Trong chiến sự năm 1979, đèo Khau Liêu là lá chắn kiên cố, giằng co quyết liệt giữa 2 bên. Đất 2 bên giao thông hào bị cày xới bởi đạn pháo. Mùi thuốc súng, đạn cối nặng nồng.

Trên đỉnh đèo giờ vẫn có tấm bia bằng bê tông ghi “chiến thắng Khau Liêu tháng 2 năm 1979”. Chiến thắng Khau Liêu đã đi vào trang sử của tỉnh Cao Bằng như một chứng tích, một mốc son nhắc nhở thế hệ sau này không được lãng quên.

Trong chiến thuật chiến lược quân sự, con đèo là bản án ngữ, là bức tường thành thiên nhiên kiên cố, dễ phòng thủ, khó tấn công từ hai phía. Chiếm được đỉnh coi như nắm phần chiến thắng. Nhưng trong chiến lược phát triển kinh tế, con đèo đã gây ra sự cản trở về hao mòn máy móc, nguy hiểm đối với các phương tiện tham gia giao thông khi phải leo con đèo quanh co, hiểm trở. Một bên là núi cao chót vót, một bên là vực sâu thăm thẳm. Lưu lượng xe cộ qua lại đèo Khau Liêu cũng không rầm rộ, tấp nập như những con đường huyết mạch quốc gia. Con đèo này cũng đã ghi nhận nhiều vụ tai nạn giao thông gây chết người, thiệt hại về vật chất, tiền bạc.

Trong tương lai đèo Khau Liêu sẽ trở thành đường thẳng băng. Sẽ không còn cảnh đổ xe, ngã vật xuống vệ đường sứt tay, gãy chân nữa. Người làng Bản Khuông và người thông Tả Mèn (xã Quảng Hưng, huyện Quảng Uyên) sẽ nhìn thấy bóng dáng của nhau.

Làng bản thu về trong tầm mắt, người bên này đèo gọi người bên kia đèo nghe thấy. Xe không phải leo dốc hao mòn máy móc, xăng dầu, người không phải gánh vác leo đèo mất sức, toát mồ hôi nữa.

Đèo Khau Liêu sẽ chỉ còn trong trang sách sử để người đời sau biết đến, đèo chỉ còn trong hoài niệm, tâm tưởng của những người đã chứng kiến con đèo với nhiều kỷ niệm, như một chứng tích chiến tranh, khói lửa tràn ngập xóm thôn, đạn pháo khốc liệt thuở nào.

Người làng 2 bên đèo nói chung và người dân 2 huyện Quảng Uyên, Trùng Khánh có quyền lưu nhớ hình ảnh con đèo huyền thoại trong ký ức, cả thời xưa và bây giờ.

Khánh Chi (Thể Thao Việt Nam)
NISAVA TRAVEL!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *