Cách thành phố Sóc Trăng khoảng 50 km về hướng Tây Nam có vườn cò Tân Long thuộc ấp Tân Bình, xã Long Bình, huyện Ngã Năm. Vườn cò trải rộng trên diện tích 2ha do ông Huỳnh Văn Thỏ (thường gọi Mười Thỏ – Chủ vườn) làm chủ hơn 40 năm qua.

Vào những năm 1972, ông khai phá đất rừng. Ngay cả trong chiến tranh, gia đình ông vẫn bám trụ làm lúa. Năm 1975 thống nhất đất nước, ông lên liếp bao ngạn trồng dừa, tre để lấy củi và tận dụng đất rừng trồng dừa nước chủ yếu lấy lá lợp nhà. Không ngờ đám dừa nước phát triển xanh tốt, bỗng dưng từng đàn, rồi từng đàn cò đông dần. Lúc đầu chỉ vài chục con, nhưng dần dần do môi trường sinh thái phù hợp, lại được ông Mười chăm sóc, bảo vệ nên số lượng chim cò về ngày càng tăng.

Người ta đồn nhau vườn ông Mười đất lành thì cò đậu. Được vài năm cò sinh sản đông thêm, ông Mười mở rộng thêm vườn cò bằng cách liên liếp trồng cây trên đất trồng lúa mở rộng vườn cò.

Đến nay, trên diện tích rộng khoảng 1,5ha vườn được che phủ bởi những tán dừa, lùm tre, hàng bình bát đã có hàng ngàn con cò, vạc về đây sinh sống với nhiều chủng loại như: Cò ngà, cò quắm, cồng cộc,… và nơi đây trở thành điểm du lịch sinh thái thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan chiêm ngưỡng.

Cứ mỗi rạng sáng, cò đậu trắng phau trên cây như cây sứ trổ trắng bông. Khi đi ăn chúng bay thật êm đềm, thường theo bốn hướng. Chiều về mỗi đàn lại về đúng hướng của mình.

Khi cò bay đi ăn là ông Mười rảo khắp vườn xem con nào chết, con nào bị thương xệ cánh, gãy chân, con non rớt ổ còn nằm lại đem vào nhà dưỡng thương, đi mua tép, bắt cá về đút cho chúng ăn. Có con ông chăm sóc đến nửa tháng mới thả cho bay đi theo đàn. Suốt 30 năm qua ông đã cứu hàng ngàn con cò như thế.

Không chỉ ông mà cả gia đình ông cũng có tình cảm như thế, dù rằng thỉnh thoảng họ vẫn biết câu ca dao: “Công anh xúc tép nuôi cò – Cò ăn cho lớn cò dò lên cây”. Chăm sóc cò, dường như ông thuộc cả những tập tính của loài cò.

Ông bảo, cò ruồi rất nhát, đi ăn từng đàn, chúng bắt ruồi rất giỏi, về vườn chúng ngủ ở tầng thấp. Cò cá thì dạn dĩ, đi ăn một mình, nên dễ bị người ta bắn, chúng thường ngủ ở bìa vườn. Cò quắm thường bay đi ăn sớm về muộn, với thân mình cao to, nên là đối tượng dễ bị săn bắt nhiều nhất, vả lại bán được giá, vì thịt ngon.

Được sự hỗ trợ của ngành du lịch tỉnh và địa phương, khoảng 10 năm nay, ông Mười đã xây dựng vườn cò của mình thành điểm du lịch sinh thái để nhân dân trong vùng cũng như khách du lịch đến tham quan, tìm hiểu về loài cò. Ông đã dựng một tháp quan sát cao hơn 10 mét để làm nơi chiêm ngưỡng cò đang sinh sống ở đây. Từ đài quan sát này có thể phóng tầm mắt nhìn bao quát cả khu vườn, chiêm ngưỡng cảnh từng đàn cò quần tụ trắng cả khu vườn vào lúc sáng sớm và chiều tối.

Trời chiều vừa buông xuống, từng tốp từng tốp một, mỗi tốp chừng năm bảy chục con bay theo hàng ngang, hàng dọc… trờ về vườn sau một ngày kiếm ăn rồi đậu trắng trên những cành cây.

Vườn cò này có đủ loài cò như cò ngà, cò trâu, cò bợ, cò lạo xám, cò nhạn, cồng cộc, cò quắm nữa đấy, đặc biệt là diệc mốc”. Cò quắm là loài có trọng lượng lớn (con trưởng thành nặng hơn 1kg), còn diệc mốc là loài quý hiếm nhất trong vườn cò của ông Mười có số lượng chỉ vài trăm con.

Đến đây, ngoài cơ hội được quan sát đời sống thực của các chú cò, khách có dịp nghỉ ngơi thư giãn, cắm trại trong khuôn viên xanh. Khách có thể thưởng thức hoặc tham gia chương trình đờn ca tài tử hay những món ngon dân dã ở đây như: Bánh xèo, bún xào, bún nước lèo… Đặc biệt hấp dẫn khi du khách được nghe chủ vườn cò kể chuyện loài cò sống có tình nghĩa hay chuyện vợ chồng cò ghen tuông.

Hướng dẫn thêm

Từ thị trấn Ngã Năm, thuộc huyện Ngã Năm, Sóc Trăng, bạn đi dọc theo tỉnh lộ 42 khoảng 5km, sẽ đến vườn cò Tân Long ở ấp Tân Bình, xã Long Bình, huyện Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng. Đồng hành trên đường đi có dòng kênh uốn lượn theo tỉnh lộ 42 chở nặng phù sa, tỏa hơi nước mát rượi. Vị trí vườn cò này rất thuận lợi cho du khách đến tham quan, bằng đường thủy cũng như đường bộ.

Đáng tiếc là cũng từ Cần Thơ theo quốc lộ 1A về hướng Sóc Trăng, tới thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang) đi dọc dốc cầu Phụng Hiệp có rất nhiều điểm bán chim chóc cột thành từng xâu treo lủng lẳng trên cây. Còn từ vườn cò Tân Long đến Quốc lộ 1A có gần chục quán nhậu treo bảng “Cò bằm nhuyễn nấu cháo đậu xanh, cò rô ti, cò khìa nước dừa…” trong đó có nhiều thành viên trong sách đỏ Việt Nam như cò quắm, diệc mốc…
Cò có thể biến mất vĩnh viễn do nạn săn bắt trái phép diễn ra thường xuyên.

NISAVA TRAVEL!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *