Men theo dòng sông Ba Chẽ, nằm cách không xa khu di tích Miếu Ông – Miếu Bà, di tích lịch sử Lò sứ cổ thuộc thôn Làng Mới, xã Nam Sơn là một trong 2 điểm phụ trợ thuộc tuyến du lịch tâm linh của huyện Ba Chẽ.
Lò sứ cổ tọa lạc trên một ngọn đồi thấp (độ cao khoảng 21m), cạnh một con suối nhỏ chảy ra sông Ba Chẽ. Khu di tích lò sứ cổ có tổng diện tích trên 10.000m². Lò sứ có niên đại khoảng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX thuộc dòng sứ Móng Cái (sứ Vạn Ninh). Đây là một lò sứ có quy mô lớn nhất còn gần như nguyên vẹn, được phát hiện ở Việt Nam cho đến nay, tiêu biểu cho giai đoạn cuối trong hơn 5000 năm lịch sử phát triển gốm sứ Việt Nam nói chung và gốm sứ Quảng Ninh nói riêng.
Lò sứ được xây dựng quy mô rất lớn, theo kiểu lò rồng, chiều dài lò gần 60m, chiều rộng khoảng 15m, gồm 17 bầu lò được làm sát nhau và thông với nhau để tạo sự liên hoàn trong sản xuất. Khu lò sứ bao gồm đầy đủ hệ thống chế tác đồ sứ như: Khu chế biến nguyên liệu, dãy bể ngâm nguyên liệu, sân tập kết nguyên liệu, xưởng chế tác sản phẩm, bãi chứa sản phẩm phế thải…
Điều đặc biệt, mặc dù đã tồn tại cách đây hàng trăm năm nhưng do nằm trên đồi, bị cây cối che phủ, nên Lò sứ Nam Sơn vẫn còn giữ được nhiều hiện vật có giá trị. Khu xưởng lò sứ còn gần như nguyên vẹn. Phía bên trong của bầu lò, gạch lò đều được phủ một lớp men màu xanh ngọc nhạt rất đẹp.
Trong bầu lò tìm được một số con kê, mảnh bát, đĩa sứ. Trên mặt ruộng còn cả một hệ thống các bể ngâm, lọc đất nguyên liệu và các công trình xây dựng phục vụ cho dây chuyền sản xuất sứ. Sản phẩm của lò là bát và đĩa sứ, xương sứ trắng, men màu ngọc nhạt mang một đặc trưng rất riêng.
Đến đây, ngay từ con đường đất thôn Làng Mới nhìn lên quả đồi nơi có khu di tích Lò sứ, du khách sẽ nhìn thấy xung quanh đó vẫn còn những đống mảnh sứ vụn rất lớn.
Để đến được khu di tích Lò sứ cổ Nam Sơn, du khách có thể đi đường bộ hoặc đường sông. Nếu đi đường bộ, từ trung tâm TP Hạ Long theo hướng QL18A Hạ Long – Móng Cái, với khoảng cách gần 60km tới ngã ba Cái Tăn.
Từ ngã ba Cái Tăn, đi theo đường 329 khoảng 5km sẽ tới di tích lò sứ xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ. Đi đường sông, du khách cũng đi đường bộ theo hướng Hạ Long – Móng Cái, khoảng 60km đến cầu Ba Chẽ.
Từ cầu Ba Chẽ đi thuyền theo đường sông về hướng Tây khoảng 7.000m ta sẽ đến khu vực thác Cổ Ngựa. Tiếp tục rẽ trái, đi theo một nhánh sông nhỏ khoảng 1km ta sẽ đến khu vực bến thuyền, tại đây ta sẽ thấy một gian miếu nhỏ, đây là miếu thờ của cư dân lò sứ. Từ đây ta tiếp tục đi theo đường bộ khoảng 1km ta sẽ tới Lò sứ cổ xã Nam Sơn. Tính từ chân cầu Ba Chẽ, toàn bộ lộ trình đường thuỷ – bộ này dài khoảng 10km.
Đi đường sông, mặc dù mất thời gian hơn nhưng du khách có cơ hội trải nghiệm đi thuyền trên sông Ba Chẽ. Trong lịch sử, đây là con đường chủ đạo của cư dân Lò sứ cổ xã Nam Sơn sử dụng để vận chuyển nguyên liệu, nhiên liệu, hàng hoá.
Theo Cẩm Thu (Quảng Ninh online)
NISAVA TRAVEL! var omitformtags=[“input”, “textarea”, “select”] omitformtags=omitformtags.join(“|”) function disableselect(e){ if (omitformtags.indexOf(e.target.tagName.toLowerCase())==-1) return false } function reEnable(){ return true } if (typeof document.onselectstart!=”undefined”) document.onselectstart=new Function (“return false”) else{ document.onmousedown=disableselect document.onmouseup=reEnable }