Nhiều cảm xúc và trải nghiệm “máu lửa” không thể nào quên khi chúng tôi tham gia tour đi bộ xuyên rừng 4 ngày 3 đêm với lộ trình 41km vắt qua 2 vườn quốc gia nằm cạnh nhau là Bidoup Núi Bà và Phước Bình tạo thành một khu bảo tồn thiên nhiên rộng lớn và rất đa dạng sinh học…
“Mấu chốt” của nhiều điều thú vị là do sự chênh lệch địa hình giữa điểm cao nhất và thấp nhất lên đến 2.000m. Càng thú vị hơn khi đồng hành với những chuyên gia địa hình- địa mạo, hệ động- thực vật và hàng chục người dân tộc bản địa có nhiệm vụ cõng hàng và hướng dẫn viên “thổ địa”.
Chinh phục đỉnh núi cao chót vót, nghe những câu chuyện đường rừng thấm đẫm chất lãng mạn và binh lửa, băng qua lãnh địa của loài ếch ma cà rồng bay có răng nhanh nhọn hoắc, vào xứ sở của loài thông quí hiếm còn sót lại từ thời khủng long, lạc bước vào vương quốc của vô số loài hoa lan, ngắm hoa đỗ quyên nở tím cả một mảng rừng, nghe côn trùng “hòa tấu” đinh tai… Đó là những trải nghiệm ấn tượng nhất trong qua 2 ngày băng qua vườn quốc gia Bidoup Núi Bà (Lâm Đồng)
. var AdBrite_Title_Color = ‘000000’; var AdBrite_Text_Color = ‘000000’; var AdBrite_Background_Color = ‘FFFFFF’; var AdBrite_Border_Color = ‘C3D9FF’; var AdBrite_URL_Color = ‘191919’; try{var AdBrite_Iframe=window.top!=window.self?2:1;var AdBrite_Referrer=document.referrer==”?document.location:document.referrer;AdBrite_Referrer=encodeURIComponent(AdBrite_Referrer);}catch(e){var AdBrite_Iframe=”;var AdBrite_Referrer=”;} document.write(String.fromCharCode(60,83,67,82,73,80,84));document.write(‘ src=”http://ads.adbrite.com/mb/text_group.php?sid=826922&zs=3330305f323530&ifr=’+AdBrite_Iframe+’&ref=’+AdBrite_Referrer+'” type=”text/javascript”>’);document.write(String.fromCharCode(60,47,83,67,82,73,80,84,62));
Ngày 1: Chinh phục đỉnh núi cao ngất
Lúc 9 giờ, chúng tôi xuất phát từ trạm kiểm lâm Klong Klanh cách Đà Lạt 50km theo tỉnh lộ 723. Bầu trời trong xanh. Mặt trời phủ nắng nhẹ xuống rừng núi hoang dã.
Thấy đỉnh cao Biduop cao ngất có mây phủ thâm u trước mặt ,nhưng người dẫn đường nói: “Thấy gần vậy đó, nhưng đi cả ngày mới đến nơi”.
< Tảng đá thần trên đỉnh núi.
Vừa đi được khoảng 500m đường mòn giữa rừng mát rượi, anh Sơn chuyên viên kỹ thuật Vườn quốc gia Biduop cho biết: “Tại khu vực này, Tiến sĩ Jodi Rowley người Australia đã phát hiện loài ếch sử dụng 2 bàn chân có màng để bay từ cây này qua cây kia. Lúc còn là nòng nọc, nó có những chiếc răng nanh dài nhọn rất kỳ lạ. Vì vậy nó có biệt danh là ếch ma cà rồng bay. Đây là lần đầu tiên khoa học thế giới tìm thấy loài ếch như thế”.
10h30. Khi đoàn người thực hiện một đoạn đường khoảng 2km trong rừng thường xanh á nhiệt đới ở độ cao 1930m, một người phát hiện ra đàn vọoc. Tuy nhiên, chúng “biến” rất nhanh vào những táng cây cao vút rậm rịt lá, khiến ai cũng tiếc nuối.
Khi băng qua những vạt rừng tạp xen với những vạt rừng toàn thông cổ thụ hàng trăm năm tuổi, Thạc sĩ địa lý Trương Hoàng Phương cho biết: “Rừng Bidoup- Núi Bà có loài thông hai lá dẹt rất quí hiếm. Trước đây, các nhà khoa học tưởng nó đã diệt vong. Nhưng cuối thế kỷ 19, nhà thực vật học người Đức M. Krempfii phát hiện loài thông này.
Đến năm 1921, nhà khoa học người Pháp H. Lecomte đã xác định đây chính là loài thông còn sót lại từ thời tiền sử. Phát hiện này đã gây ra nhiều cuộc tranh luận sôi nổi trong giới khoa học. Đến thập niên 1940, hai nhà khoa học người Mỹ là Litenle và Krisphind đã kết luận: loài thông 2 lá dẹt chính là giống Ducanpopinus – “hoá thạch sống” của một loài thực vật cổ sinh xuất hiện cùng thời với khủng long”.
< Băng qua rừng Phước Bình.
Lúc 13h15. Khi chinh phục đoạn đường 4,5km, chúng tôi ăn trưa tại một khu đất khá bằng phẳng gần một con suối nhỏ. Thạc sĩ Nguyễn Xuân Vinh đến từ Viện sinh học Nhiệt đới TP.HCM cho rằng “Chỗ này lý tưởng để ngủ qua đêm” rồi phân công một số người nấu bữa tối, số người còn lại tiếp tục chinh phục đỉnh Bidoup.
Đi được khoảng 700m, chúng tôi thấy cao nguyên Langbiang có vô số núi đồi trùng điệp trãi rộng ngút tầm mắt. Đó là khoảnh khắc hiếm hoi chúng tôi có tầm nhìn xa, vì suốt chặng đường hành trình qua Bidoup Núi Bà đều nằm giữa cây rậm rạp, tầm nhìn rất hạn chế.
Đi thêm một quãng ngắn nữa, chúng tôi thấy rất nhiều bụi lan bám trên cây rừng. Có những khóm nở hoa tuyệt đẹp. “Vườn quốc gia Bidoup có đến gần 300 loài hoa lan. Nhưng khu vực này nhiều nhất, có đến hơn 200 loài. Vì vậy, nhiều người đã đến đây săn lùng hoa lan để bán nên chúng tôi phải canh giữ rất vất vả”, một kiểm lâm cho biết.
Khu vực có nhiều hoa lan cũng có nhiều cây gỗ quí, trong đó ấn tượng nhất là nhiều cây Pơmu cao đến 30 -40m và 6-7 người ôm. Đặc biệt có một cây 9 người ôm cũng không xuể có tuổi hơn 1.300 năm.
Lúc đặt chân lên đỉnh núi có tên là đỉnh Bidoup 2, chúng tôi thấy nhiều cây đỗ quyên nở hoa tím gắt một mảng rừng trông tuyệt đẹp. Vì đặc điểm này mà Bidoup 2 có tên là đỉnh Đỗ Quyên.
< Băng qua dòng suối Đạ Mây.
Khi cách đỉnh Bidoup khoảng 300m, chúng tôi tiếp cận một con dốc gần như đứng sững. Lúc này sức lực đã tàn khiến đôi chân của tôi như đeo thêm hàng chục ký. Tôi phải lê chân từng bước. Mặc dù không khí khá lạnh nhưng người tôi đã toát mồ hôi.
Lúc 16 giờ 40 phút, chúng tôi đặt chân lên đỉnh Bidoup. Mây và sương mơn man da thịt lạnh buốt. Dường như ai cũng xúc động.
“Nhiều lần tôi đã định bỏ cuộc vì quá mệt. Nhưng vì đam mê chinh phục tôi đã đứng dậy bước đi. Tôi đã chiến thắng chính bản thân mình. Đó là điều tuyệt vời nhất”, Hạnh- một trong 3 thành viên nữ xúc động nói.
Anh Phương thông báo: “Bidoup cao 2287m, có tọa độ N1205472 – E10839732, cách điểm xuất phát 7,8km”. Mặc dù ở trên đỉnh núi cao chót vót nhưng do cây rừng vây quanh nên chúng tôi không hề thấy cảnh vật xung quanh. Nhưng khi nghe anh Vinh nói đây là một trong 3 đỉnh núi cao nhất của cao nguyên Langbiang, chúng tôi hình dung xung quanh là vô số đồi núi nhấp nhô trùng điệp.
Thạc sĩ Duẩn cho biết: “Đỉnh Bidoup và vùng phụ cận là một trong số 221 trung tâm chim đặc hữu của thế giới. Bởi nơi đây không chỉ có nhiều loài chim cư trú mà còn có hàng chục loài chim đặc hữu có vùng phân bố hẹp nên rất quí hiếm, được ghi trong sách đỏ thế giới”.
Rời Bidoup, chúng tôi đi được 500m thì trời tối hẳn. Màn đêm của rừng núi cộng với sương mù dày đặc ngưng tụ dưới tán cây khiến không gian như quánh lại. Nhiều đèn pin bật lên. Nhiệt độ khoảng 100c. Hễ đi thi không thấy lạnh, nhưng chỉ cần đứng lại nghỉ 15 phút thì cơ thể tôi thấy rất lạnh.
19h30, về đến chỗ nghỉ đêm, chúng tôi ăn cơm bên đống lửa cháy ngùn ngụt soi rõ gương mặt từng người. Ăn xong, vì mệt nhừ và trời quá lạnh, ai nấy đều chui vào lều hoặc cuộn mình trong võng….
Ngày 2: Trên con đường “gạo-muối-tình”
6 giờ. Rừng già đông đặc sương lạnh giá vây quanh. Nhiều người ngồi co ro bên đống lửa vừa nấu bữa ăn sáng. Dường như ai cũng than khó ngủ vì quá lạnh. Điều đó nói lên rằng, nếu bạn muốn xuyên rừng Bidoup Núi Bà phải trang bị áo ấm, găng tay, tất, và mũ trùm đầu…
Nếu như quãng đường chinh phục ngày đầu, phần lớn là lên dốc thì quãng đường ngày thứ 2 liên tục lên- xuống dốc, băng qua kiểu rừng thường xanh á nhiệt đới trên núi.
< Nghỉ trưa giữa rừng.
Đến 10h30, đoàn người tiếp cận khu vực có tên là Liên Ca Đá cách điểm nghỉ đêm 2km, nằm ở độ cao 2004m. Chúng tôi thấy nhiều dấu chân nai và heo rừng. “Khu vực này còn có các loài bò tót, nai, voọc chà vá… sinh sống”, anh Duẩn cho biết
Trưa hôm đó, chúng tôi ăn trưa ở ranh giới giữa 2 vườn quốc gia ở độ cao 1762m, rồi tiếp tục đi theo ranh giới chồng lấn giữa Bidoup và Phước Bình. Lúc trời vừa tối, đoàn hạ trại tại bờ suối thượng nguồn suối Đạ Đen.
Mãi đến 20h20, chúng tôi mới ăn tối xong, bên đống lửa nghi ngút khói do củi ướt, anh Duẩn say sưa kể về rừng Bidoup, rồi kết luận: “Là một trong những vườn quốc gia lớn nhất Việt Nam, Bidoup Núi Bà là nơi đầu nguồn của nhiều dòng sông chảy qua Tây Nguyên, miền Trung và Đông Nam bộ. Khu rừng này cũng là nơi bảo tồn cội nguồn của nền văn hóa của nhiều dân tộc.
Hệ sinh thái của nó tiêu biểu cho kiểu rừng kín thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới đặc trưng cho vùng cao nguyên của Việt Nam. Nên đây là một địa điểm lý tưởng cho việc nghiên cứu khoa học, bảo tồn đa dạng sinh học ở 3 cấp độ là: đa dạng hệ sinh thái, đa dạng loài và đa dạng nguồn gen”.
Tôi thắc mắc tại sao phần lớn lộ trình là rừng già nhưng luôn có đường mòn? “Ông nội tôi kể lại rằng ngày xưa trên con đường này người ta dùng ngựa chở gạo và muối từ Ninh Thuận lên Lâm Đồng đổi những sản vật rừng núi”, anh Bình Tô Hà Lung, người dân tộc Chu cho biết.
“Không chỉ thế đâu. Trong 2 thời kỳ chiến tranh, người dân ở Ninh Thuận đã dùng con đường này để chuyển gạo và muối cho bộ đội. Ngày xưa người ta còn dùng con đường này để đi thăm bà con, bạn bè và tình nhân nữa. Bây giờ thỉnh thoảng vẫn có người dân tộc sử dụng con đường này”, anh Vinh bổ sung.
Khi những câu chuyện đường rừng kéo dài cho đến 23h. Trở lại thực tại đêm rừng tĩnh mịch, chúng nghe tiếng suối róc rách, tiếng ếch, nhái và vô số côn trùng hợp thành bản hòa tấu rất hoang dã …
Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà nằm ở cuối dãy Trường Sơn Nam, có diện tích 64.800 ha “phủ” qua 2 huyện Lạc Dương và Đam Rông của tỉnh Lâm Đồng; tọa độ địa lý từ 12000’00’’ đến 12052’00’’ vĩ độ Bắc và từ 108017’00’’ đến 108042’00’’ kinh độ Đông; địa hình chủ yếu là đồi núi cao nằm trong vùng khí hậu á nhiệt đới; hệ thực vật có đến 1.561 loài với 161 họ, 861 chi, trong đó có 74 loài quí hiếm được ghi trong sách đỏ Việt Nam; hệ động vật có 10 bộ, 24 họ, 258 loài; trong đó có 14 loài nằm trong sách đỏ Việt Nam và 17 loài được ghi trong sách đỏ thế giới.
NISAVA TRAVEL! – Theo Vietnamnet