Từ Mũi Ngọc, phía Đông Bắc địa đầu Tổ quốc – nơi biết bao trái tim Việt chỉ ước ao một lần được đặt chân đến, nhìn ra xa chỉ thấy mênh mông là biển. Phía xa khơi ngút ngàn ấy là đảo Vĩnh Thực, hòn đảo mà trước đây được ví là nơi xa xôi, cách biệt với đất liền.
< Núi Đầu Tán trên đảo Vĩnh Thực.
Nhắc đến cái tên Vĩnh Thực, chắn hẳn còn ít người biết đến hòn đảo nằm ở phía Nam thành phố Móng Cái của tỉnh Quảng Ninh này. Đảo Vĩnh Thực là một nơi còn khá hoang sơ và hầu như không có dịch vụ như Quan Lạn hay Cô Tô nhưng phong cảnh, bãi biển hay cuộc sống ngư dân ở đây cũng rất hấp dẫn. Một điều quan trọng nữa là đảo không bị cắt điện.
< Chỉ mất gần 10 phút lướt sóng là đã sang bến Vạn Gia thuộc đảo Vĩnh Thực.
Từ Hà Nội, bạn có thể bắt xe khách đến Móng Cái tại hai bến xe Yên Lương hoặc Mỹ Đình. Bạn cũng có thể di chuyển bằng xe riêng đến nơi đây. Sau khi đến Móng Cái, bạn tiếp tục di chuyển ra khu vực có cano đưa ra đảo. Có 4 chuyến mỗi ngày: sớm nhất là vào 7h sáng, sau đó là 10h và 13h chiều, chuyến cuối cùng trong ngày 15h chiều. Chi phí chỉ mất khoảng 60.000 đồng trọn gói từ Móng Cái ra khu vực có cano đưa ra đảo (Chi phí cho 1 lượt cano là 50.000 đồng/người). Vừa đi cano vừa tận hưởng niềm vui cũng là một điều thú vị mà bạn sẽ được trải nghiệm thực tế.
< Bạn có thể liên hệ chỗ nghỉ qua đêm là trường mầm non của đảo. Chơi nhiều, ngủ nghỉ không bao nhiêu, vậy cũng tốt rồi.
Là một nơi hoang sơ và không có dịch vụ nên Vĩnh Thực không có nhà nghỉ. Nếu muốn nghỉ qua đêm, bạn nên liên hệ với nhà dân hoặc trường mầm non trên đảo. Kinh phí thì tùy theo bạn thỏa thuận nhưng chắc chắn giá sẽ rất rẻ. Đối với những người đã từng đến đây, họ thường xin ở nhờ.
< Để khám phá đảo, bạn có thể mượn xe của người dân đang sinh sống trên đảo (dĩ nhiên nhớ đổ đầy bình xăng nhé).
Việc đi lại trên đảo cũng sẽ khiến bạn bất ngờ. Không có xe ôm, taxi… bạn chỉ có thể đi lại bằng cách… mượn xe của người dân. Họ thường không lấy tiền mà chỉ yêu cầu bạn đổ đầy xăng, thích đi đến lúc nào cũng được. Khách quen thường cảm ơn bằng cách mua quà bánh biếu chủ xe gọi là làm quen.
Khi đã có xe rồi, công việc còn lại của bạn là khám phá đảo. Bạn hãy thử tưởng tượng những con đường ngoằn ngoèo trên đảo 1 bên tím hoa sim, 1 bên biến xanh thẳm. Nếu vào ngày trời đẹp, trong, bạn có lẽ sẽ ước có một ngôi nhà ở đây để thi thoảng quay lại nghỉ dưỡng.
< Hải đăng Vĩnh Thực trên đỉnh núi.
Về việc khám phá đảo, ngoài những con đường, những bụi sim, cuộc sống dễ chịu của người dân, tất nhiên bạn phải ra biển rồi. Biển ở đây trong và “hiền dịu” vô cùng.
Ngay cả những đứa trẻ cũng có thể chơi thoải mái trên bãi biển với sóng vỗ nhè nhẹ. Nếu bạn thích chụp ảnh, hãy thử tìm đến những bãi đá. Hàng ngàn năm sóng vỗ bờ khiến đá ở đây có những hình thù thú vị.
< Một điểm đến không thể bỏ qua chính là ngọn hải đăng trên đảo.
Dù không đẹp như nhiều nơi khác nhưng chắc chắn nó đủ đáp ứng sự sáng tạo của bạn. Một điểm đến không thể bỏ qua chính là ngọn hải đăng trên đảo. Bạn hãy thử lên và ngắm toàn cảnh đảo xem nó có thực sự thú vị không.
Do dịch vụ ở đây không có nên bạn đừng chủ quan trong việc ăn uống. Hãy tìm 1 cửa hàng nào đó nhờ nấu nướng giúp để đảm bảo bạn có những bữa ăn mỗi ngày. Nếu cầu kỳ hơn, bạn nên cử người ra chợ mua sắm đồ và mang về nhờ họ nấu giúp. Mặc dù đảo cũng có 1 – 2 nhà nấu ăn nhưng bạn nên đặt trước đề phòng trường hợp hết thức ăn.
< Bãi biển Đầu Đông.
Đến Vĩnh Thực, không thể không ra thăm bãi biển Đầu Đông, một bãi biển đẹp trên đảo, dài hơn 3km với bãi cát trắng mịn, rừng phi lao xanh ngút mắt, hứa hẹn là một điểm du lịch sinh thái hấp dẫn.
Mặc dù không hề thua kém các bãi biển ở Cô Tô, Vân Đồn, nhưng vì nhiều lý do, tiềm năng du lịch ở đây vẫn chưa được khai thác. Hàng năm chỉ có một số ít khách Tây “ba lô” đến đây tham quan, du lịch.
Thông tin thêm:
Đảo Vĩnh Thực gồm 2 xã Vĩnh Thực, Vĩnh Trung, diện tích tự nhiên gần 5.000ha, có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế biển, dịch vụ du lịch. Trước năm 2000, Vĩnh Thực trong hình dung của nhiều người là một đảo xa xôi, đời sống người dân rất khó khăn. Từ năm 2000, khi điện lưới vượt biển bừng sáng ở Vĩnh Thực, nơi đây đã và đang thay da đổi thịt từng ngày. Xã có 668 hộ dân với 2.680 khẩu. Đến thời điểm này, tỷ lệ hộ nghèo chiếm chưa đến 3%. Trong chương trình xây dựng NTM, xã được đầu tư xây mới 1 trường mầm non và 1 trường tiểu học đạt chuẩn; làm tuyến đường dài 3,2km từ thôn Đông ra bến Hèn…
Bên cạnh canh tác nông nghiệp, 2/3 số người dân nơi đây sống nhờ nghề biển từ bao đời. Toàn xã hiện có gần 700 thuyền bè của ngư dân hoạt động đánh cá, làm sứa, cào ngao, đào sá sùng.
NISAVA TRAVEL! tổng hợp