Đình Đà Sơn hiện nay toạ lạc tại phường Hoà Khánh Nam, quận Liên Chiểu. Đà Sơn là tên một ngôi làng cổ, có lịch sử xưa nhất của thành phố Đà Nẵng. Căn cứ vào gia phả tộc Phan Đà Sơn còn lưu giữ, họ Phan ở Đà Sơn là tộc đầu tiên ở Quảng Nam- Đà Nẵng. Gia đình tộc Phan cùng các tộc họ người Việt như: Nguyễn, Kiều, Đỗ đã khai hoang lập làng và ở lẫn với người Chăm. Vùng đất được khai phá khá rộng lớn.

Do có công khai hoang mở đất và giáo hoá dân sinh sống ổn định nên ông Phan Công Thiên được vua Trần ban tước Thuận Quốc Công và phong cấp 50 trang trại. Tộc Phan, Nguyễn, Đỗ đã trở thành các tộc tiền hiền của làng; về sau cư dân các nơi đến sinh sống ngày càng đông phát triển thành 12chư phái tộc như: Lê, Trần, Phạm, Huỳnh, Hồ, Trà, Đặng, Trương…

Sau khi cộng đồng cư dân làng Đà Sơn được hình thành ngôi đình đầu tiên của làng Đà Sơn đã được xây dựng tại Gò Me để có nơi thờ tự và sinh hoạt văn hoá bằng các vật liệu thô sơ.

Sau một thời gian dài đình đã được di dời và sửa chữa nhiều lần. Lần cuối cùng tại địa điểm ngày nay vào năm Tân Dậu (1801), đình đường tái thiết bề thế hơn: có tiền đường, hậu tẩm, kiến trúc, chạm khắc trang trí đẹp… Đến năm 2006, một lần nữa ngôi đình lại được trùng tu lớn theo dạng ba gian hai mái với tường xây, mái lợp ngói âm dương như hiện nay.

Đình Đà Sơn được xây dựng trên một khoảnh đất rộng, có tường bao bọc xung quanh, mặt đình quay về hướng Nam, kiến trúc của đình theo dạng ba gian hai mái với tường xây, mái lợp ngói âm dương, có chính điện và hậu tẩm.

Chính điện kết cấu bộ vì theo lối trụ chống kẻ chuyền, các thanh trính hình cạnh khế, đuôi kèo chạm nổi đầu rồng sắc sảo. Giữa các gian có treo những bức hoành phi. Chính điện là nơi thờ các vị tiền hiền, hậu hiền khai khẩn và dựng xây làng xã, hai bên có các bàn thờ và câu đối. Hậu tẩm là nơi thâm nghiêm để thờ thần.

Bên ngoài , trên nóc đắp “lưỡng long triều nguyệt”, đường giữa mái gắn hình loan phượng. Phía trước, giữa khoảng sân rộng là tấm bình phong.
NISAVA
Tại đình còn giữ bảy sắc phong thời phong kiến, nhưng đến nay do các tác nhân khách quan, số sắc phong đã bị mục nát và hư hỏng nặng. Qua lắp ghép lại các mảnh vụn có thể xác định được niên đại của ba sắc là: Thiệu Trị năm thứ 3 (1843), Tự Đức thứ 13 (1860) và Duy Tân nguyên niên (1907).

Theo thời gian, đình Đà Sơn ngày càng gắn chặt với đời sống tâm linh và lịch sử của dân làng, không thể tách rời đời sống cộng đồng. Hằng năm dân làng Đà Sơn vẫn thường tổ chức cúng tế theo các ngày:

– Ngày 10-3 âm lịch, lễ tế Thành Hoàng bổn xứ, cầu quốc thái dân an. Theo các bậc cao niên, trước đây vào ngỳa này dân làng tổ chức lễ khai hội, lễ tế tại đình làng; trước đó một ngày 12 chư phái tộc trong làng tham gia rước sắc từ nhà thủ sắc về đình. Bên cạnh lễ cầu quốc thái dân an còn có các trò chơi dân gian truyền thống tại đình thu hút nhân dân các làng lân cận tập trung thưởng thức

 – Ngày 16-3 âm lịch: cúng âm linh.
–  Ngày 01-10 âm lịch cúng thần nông

Đình Đà Sơn được công nhận là di tích Lịch sử- Văn hoá cấp thành phố ngày 07/8/2010

Theo Danang.gov
NISAVA TRAVEL!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *