Đình Lệ Mật nằm trong một cụm di tích quốc gia bao gồm đình và chùa làng Lệ Mật. Địa chỉ hiện nay: phố Việt Hưng, phường Việt Hưng, quận Long Biên, TP Hà Nội. Toạ độ: 21°3’11″N 105°54’0″E, cách Hồ Gươm khoảng 8km về phía đông. Điểm dừng xe bus gần nhất: phố Nguyễn Văn Linh (tuyến 11, 40, 59, 202), phố Ngô Gia Tự (tuyến 3B, 10, 10B, 15, 17, 43, 54) và phố Đoàn Khuê (tuyến 3B).
Lệ Mật là một làng cổ vốn có tên “Trù Mật”, có lẽ vì kỵ húy tên chúa Trịnh Chù (tức Trịnh Cương, 1686-1729) nên mới phải đổi. Vào đầu thời Nguyễn đây là một xã thuộc tổng Gia Thụy [1], huyện Gia Lâm, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc. Năm 1961, huyện Gia Lâm được nhập về thành phố Hà Nội. Năm 2003, một phần huyện Gia Lâm lại được tách ra để lập quận Long Biên, khi đó xã Việt Hưng đổi thành phường Việt Hưng và thuộc về quận mới này.
< Đình Lệ Mật: phương đình, đại bái và tả vu.
Tương truyền, vua Lý Thái Tông (1028 – 1054) có một cô con gái cưng thường bơi thuyền du ngoạn trên dòng Thiên Đức (sông Đuống). Một hôm, công chúa bị đắm thuyền và mất tích, nhiều người đã lặn xuống nhưng không tìm thấy. Cuối cùng, một người xuất thân bắt rắn ở Lệ Mật tên là Hoàng Đức Trung mới đưa được xác công chúa lên bờ. Vua ban thưởng gấm vóc, vàng bạc nhưng ông từ chối tất cả, chỉ xin cho các đồng hương sang khai khẩn vùng đất hoang phía đông-nam kinh thành Thăng Long. NISAVA
< Đình Lệ Mật: các bia cổ ở gian đầu hồi nhà đại bái.
Được vua ưng thuận, dân Lệ Mật và mấy làng xung quanh đã di cư và biến vùng đất ven đô ấy dần dần thành 13 trang trại mà sách sử gọi là khu “Thập Tam Trại”. Hoàng Đức Trung làm hoạn quan ở trong cung còn giúp đỡ dân làng được nhiều việc khác. Sau khi ngài mất, Lệ Mật và các làng liên quan đều lập điện thờ và suy tôn ngài là thành hoàng.
Đặc biệt, dân Lệ Mật còn phát triển nghề bắt rắn và nuôi rắn thành truyền thống kéo dài cho đến hôm nay. Hiện tại đây có hàng trăm hộ nuôi rắn và hàng chục nhà hàng đặc sản rắn. Làng Lệ Mật vốn có hai ngôi đình: đình Thượng (nay không còn) thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm và đình Hạ thờ ông Hoàng Đức Trung. Hàng năm, dân chúng mở hội đình Hạ và tổ chức nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật về rắn.
Kiến trúc
< Đình Lệ Mật: nhà đại bái.
Đình Hạ vốn là ngôi đền thờ ông Hoàng Đức Trung, tương truyền xây từ đời vua Lý Nhân Tông (1073-1127). Theo tấm bia đá còn lưu trong đền thì từng có một đợt trùng tu lớn vào thế kỷ 16. Năm 1670 dưới đời vua Lê Huyền Tông (1662-1671), Đại nguyên soái Trương Phúc Bảo đã cúng tiền, gỗ, sắt và tổ chức đại tu. Về sau ngôi đình đã nhiều lần được tiếp tục tôn tạo và mở rộng. Gần đây bước sang thiên niên kỷ thứ ba đình lại có một cuộc đại trùng tu.
< Đình Lệ Mật: chính điện và gian ngoài hậu cung.
Đình Lệ Mật quay mặt về hướng nam. Dáng dấp ngôi đình hiện nay mang phong cách nghệ thuật kiến trúc thời Nguyễn. Chếch mé trước đình là một nguyệt hồ nhỏ với hàng tường hoa vây quanh. Cạnh hồ này, giữa hai hàng cây có con ngõ rộng lát gạch dẫn thẳng đến một cổng tam quan xây 2 tầng 8 mái, trên đắp các hình rồng rắn. Sau tam quan ta thấy hai nhà giải vũ 3 gian ở hai bên hòn non bộ với bức cuốn thư ở giữa làm bình phong che chắn.
Vòng qua hòn non bộ ta bước vào một sân gạch lớn dẫn đến khu vực đình trong. Giữa hai trụ biểu ta thấy có một tòa phương đình cũng xây 2 tầng 8 mái với hai nhà tả hữu mạc 5 gian ở hai bên, còn tòa đại bái ở ngay sau phương đình. Nhà đại bái rộng 7 gian 2 dĩ, đầu hồi bít đốc và hậu cung sâu 4 gian kết nối với nhau theo hình chữ “Đinh”.
< Khám thờ và tượng thành hoàng Lệ Mât.
Hai gian trong cùng ở hậu cung chính là khám thờ thành hoàng với pho tượng gỗ và long ngai bài vị của ngài. Lưng đình giáp với sân nhà truyền thống Lệ Mật. Toàn bộ khu vực này và ngôi chùa bên cạnh làm thành một cụm di tích rộng rãi, đồng thời còn phục vụ cho các sinh hoạt văn hóa của Lệ Mật.
Di vật
Trải qua mấy thế kỷ loạn lạc và chiến tranh, hiện nay đình Lệ Mật vẫn còn giữ lại được khá nhiều cổ vật. Trong số đó đáng kể có bản sắc phong mang niên đại Vĩnh Khánh (1730), tấm bia khắc năm Dương Đức thứ 3 đời Lê Gia Tông (1673) và một bia đá khác được dựng năm Chính Hòa thứ 24 đời Lê Hy Tông (1702). Đình và ngôi chùa được công nhận Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia vào ngày 22-3-1988.
Hội làng Lệ Mật
< Nhà truyền thống Lệ Mật.
Lễ hội diễn ra hàng năm từ ngày 20 đến 24 tháng 3 âm lịch. Đó là một dịp đại lễ để nhân dân của làng cũ (cựu quán) và của 13 trại bên kinh thành Thăng Long (kinh quán) gặp gỡ nhau và tỏ lòng biết ơn đối với tổ tiên những người khai hoang.
Từ xưa đã có câu ca dao:
Nhớ ngày 23 tháng 3
Dân trại ta vượt Nhị Hà thăm quê
Kinh quán, cựu quán đề huề
Hồ Tây cá nhảy đi về trong mây
< Đình Lệ Mật: nguyệt hồ ở cạnh ngõ vào tam quan.
Vào ngày hội chính (23 tháng 3), đại diện của 13 trại xưa đội 13 mâm lễ vật mang từ Hà Nội về đình Lệ Mật để cúng thành hoàng. Trong ngày hội có trò múa độc đáo với con rắn khổng lồ được làm bằng nan tre lợp vải. Dân chúng còn tổ chức thi rắn to, rắn đẹp, rắn lạ,.. và phổ biến các bí quyết bắt rắn, nuôi rắn, khai thác nọc, chữa rắn cắn… Du khách dự lễ có thể thưởng thức các món đặc sản chế biến từ rắn.
Theo Đông Tỉnh (Vanhien.vn)
NISAVA TRAVEL!