(QBĐT) – Đình làng Thọ Linh (xã Quảng Sơn, thị xã Ba Đồn) nằm trên khuôn đất cao ráo chừng 500 mét vuông ngay đầu làng, phía đông giáp thôn Trung Thượng, phía tây giáp núi Động Cao, Động Ngùi (là hai dãy núi thoai thoải, án ngữ vững chãi sau lưng ngôi làng), phía nam hướng ra thôn Hà Sơn và dòng sông Rào Nan, con sông hiền hòa, quanh năm tạo tác phù sa làm nên những mùa vàng trù phú, và phía bắc giáp quốc lộ lên xã Cao Quảng.
Đình làng Thọ Linh thờ Thành hoàng và các vị có công lập làng, mở mang tri thức cho dân làng như ông Trần Minh Nghĩa, hay thờ người có công xây dựng ngôi đình là ông Đinh Xuân Trạc. Ở phía trên cao mặt trước ngôi đình có 5 hộp gỗ được sơn son thiếp vàng đựng 5 đạo sắc của 5 Đức thủy tổ các họ (Trần, Mai, Phan, Đinh, Trần Ngọc).
Trước đình làng là 2 cột cổng xây cao vững chắc, có 2 câu đối: “Địa lưu thần tích hương hoa vãn niên trường tồn/Thiên mệnh thánh sinh Thọ Linh bách kiết sử sách”.
Đây là nơi diễn ra mọi hoạt động văn hóa, tín ngưỡng trong thiết chế làng xã. Đình làng luôn nhộn nhịp mỗi dịp tết đến xuân về, khi mọi người cùng tề tựu mừng tuổi nhau và mừng thọ những bậc cao niên trong làng. Bởi thế, đình làng là ngôi đền thiêng, là công trình văn hóa, tín ngưỡng luôn vẹn tuyền trong tâm thức của mỗi người.
Gia phả của 5 dòng họ ở làng Thọ Linh và cứ liệu lịch sử trên bia đá dựng uy nghiêm trước đình làng đã khẳng định thời điểm thành lập đình làng Thọ Linh vào giai đoạn cuối đời Trần và đầu thời Lê thuộc thế kỷ XVI: “Cuối thời Hậu Trần có giặc Chiêm Thành quấy nhiễu. Nhà vua sai một vị tướng tài vào đất Ô Châu dẹp loạn, tức là Đức Phù Diễn Hầu Quang Khải. Vừa dẹp giặc vừa chiêu dân khai khẩn lập ấp. Dẹp giặc chưa yên thì Đức Hầu tiếp chiếu chỉ triệu về dẹp giặc phương Bắc. Ngài giao binh quyền lại cho Thế tử Trần Minh Nghĩa tiếp tục sự nghiệp”.
NISAVA
Đình làng Thọ Linh được lập tại cồn Mã Bụt, đến năm 1781 được di chuyển về cồn Đình, nay đổi tên thành xóm Đình. Buổi mới ra đời, mái đình tuy được lợp bằng tranh, bốn bề chắn gỗ nhưng các vì kèo cột rường đã được chạm trổ tinh vi, kỳ công. Đình gồm 5 gian, 4 mái và có hiên lồi bao quanh. Sau một thế kỷ tồn tại (lấy mốc dựng lại đình đầu thế kỷ XIX) tới đầu thế kỷ XX, đình bị xuống cấp hoàn toàn, không còn giá trị sử dụng.
Đến năm 1914, người có công lớn trong việc xây dựng lại ngôi đình là Quan cố Tham tri Đinh Xuân Trạc, làm Quan Án sát ở Thanh Hóa. Ông trực tiếp gửi thư về đề nghị với làng cho bán số ruộng dư nằm ngoài rìa làng mà lâu nay các phú gia tự tiện thuê nhân công với giá rẻ mạt để cấy trồng nhằm thu lợi bất chính. Số tiền bán đất được dùng để tôn tạo miếu mạo, đình chùa và dựng trường học cho dân làng.
Nhờ thế đình làng Thọ Linh mới được khởi tạo lại, vì kinh phí eo hẹp nên lúc đó chỉ dựng lại được đình hậu theo kiểu mái vòm cổ điển. Quan cố Tham tri Đinh Xuân Trạc về nghỉ hưu tại quê nhà khi tuổi đã già, vẫn tiếp tục đôn đốc dân làng góp công tích của để xây nốt đình tiền. Đình làng Thọ Linh là địa điểm mà cụ Lãnh binh Mai Lượng, người con ưu tú của đất Quảng Sơn phò vua Hàm Nghi trong phong trào Cần Vương (1885-1896) để kháng Pháp và tay sai.
Ông đã tụ họp dân làng và nghĩa quân để truyền đạt chiếu Cần Vương nhằm quyên góp lương thực, tiền bạc, vũ khí ủng hộ các nghĩa sĩ Cần Vương. Không lâu sau, thực dân Pháp cho quân lùng quét xóm Đình hòng lấy đình làng làm đồn bốt để ngăn chặn các con đường giao thông huyết mạch từ Ba Đồn lên Cao Mại, Tuyên Hóa, vào Bố Trạch, ra Hà Tĩnh và đi các tỉnh từ Bắc chí Nam. Đình làng Thọ Linh sau đó được lệnh phá theo chủ trương “tiêu thổ kháng chiến”.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đình Thọ Linh tiếp tục đồng hành cùng công cuộc thống nhất dân tộc. Đình được dùng làm kho dự trữ quốc gia chứa quân trang, quân dụng, lương thực, thực phẩm nuôi quân; là nơi dừng chân của nhiều cán bộ chiến sĩ quân đội hành quân ngày đêm vào Nam chiến đấu. Trong 8 năm chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ trên đất Quảng Bình, Quảng Sơn là địa điểm hứng chịu một trong những tội ác chiến tranh nặng nề nhất.
NISAVA
Vào lúc 17 giờ 15 phút, chiều ngày mùng 2 tháng Giêng năm 1973 (tức ngày 28 tháng 11 năm Nhâm Tý), trong lúc dân làng đang ăn cơm tối thì máy bay B52 ập tới trút mưa bom san phẳng xóm Đình, một phần xóm Bắc Sơn và một phần xóm Chùa, làm 103 người chết. Đến nay, nỗi đau đớn tột cùng của buổi chiều tà tháng Giêng ngày ấy vẫn chưa nguôi ngoai trên mảnh đất bán sơn địa này…
Hòa bình lập lại, để phục vụ đời sống tín ngưỡng và nhu cầu thưởng thức văn hóa của người dân, chính quyền xã Quảng Sơn được nhân dân đồng sức, đồng lòng đã tôn tạo lại nguyên mẫu ngôi đình làng. Chi tiết đặc biệt có ở đình làng Thọ Linh là dân làng thờ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trong đình, với ý niệm hướng thiện. Với bề dày truyền thống xuyên suốt tiến trình lịch sử, đình làng Thọ Linh đã được UBND tỉnh Quảng Bình xếp hạng di tích cấp tỉnh tại Quyết định số 1573/QĐ-UBND ngày 19 tháng 6 năm 2014.
Theo Nguyễn Tiến Dũng (Báo Quảng Bình)
NISAVA TRAVEL!