Tiếp tục hành trình khám phá Tây Yên Tử, chúng tôi tới Yên Sơn, một xã nằm ở phía tây nam huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang. Điểm đến chúng tôi muốn tìm hiểu là một di tích lịch sử nổi tiếng, đó là đình, chùa Chản.
Trời nắng đẹp, cảnh đồng quê ở đây thật đẹp và thanh bình. Cánh đồng lúa bát ngát thấp thoáng bóng cò trắng, xen cài là những mương nước, chuôm nước nhỏ. Bên vệ đê, một vài con bò vàng nhẩn nha gặm cỏ.
Yên Sơn xưa đã trải qua những chặng đường đấu tranh liên tục chống chọi với thiên tai, giặc giã. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, nhân dân trong xã đã nhiều lần đánh quân Pháp ngay tại quê hương mình và đã lập nên nhiều chiến công.
Giờ đây, người dân trong vùng vẫn truyền tụng câu ca rằng: “Cổ Mân chiến địa vùi giặc Pháp, Yên Sơn muôn thủa đất anh hùng”. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, xã đã đóng góp rất nhiều sức người, sức của cho tiền tuyến. Hiện nay xã có 205 liệt sĩ, 96 thương, bệnh binh.
Cách đây chỉ hơn chục năm về trước, cuộc sống của người Yên Sơn đồng trũng khó khăn, có tới 70% hộ nghèo bởi lụt lội, thất bát triền miên, phương tiện đi lại chủ yếu bằng thuyền, người dân vẫn nói vui là mùa mưa phải đi bằng tay, nghĩa là phải chèo thuyền. Từ khi có tuyến đê chống úng, đời sống của nông dân Yên Sơn đã được cải thiện rất nhiều.
Đây là vùng đất giáp ranh với chốn tổ Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng). Nhiều người biết đến Phúc Nghiêm tự, một ngôi chùa uy nghiêm cổ kính, nguyên vẹn dáng xưa. Sở dĩ, chùa còn có tên chùa Chản vì chùa nằm ở thôn Chản Làng, còn có tên chữ là Khê Khẩu thôn.
Giữa đất trời mênh mang, bên dòng sông Lục Nam huyền thoại, chùa Chản nổi bật tọa lạc trên một thế đất cao sáng sủa, nương tựa vào dải Huyền Đinh mờ ảo, phía trước là đồng nước mênh mông, thật là thế đất đắc địa, khí lành tụ về. Đất lành chim đậu, chả thế mà đất này hội tụ nhiều loài chim về cư trú. Có thể nói, ít có làng quê nào yên ả, thanh bình như là Chản Làng.
Con ngòi có tên là Khê Khẩu bao bọc lấy ngôi chùa tạo nên phong cảnh sơn thủy hữu tình vừa yên bình nhưng lại vừa tôn vẻ hiện hữu linh thiêng của ngôi chùa cổ.
Chùa Chản (Phúc Nghiêm tự) được khởi dựng vào khoảng thế kỷ XIV, XV, tức là thời gian cuối triều Trần, đầu thời Lê sơ. Trải qua năm, sáu trăm năm lịch sử, công trình đã qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa nên có những thay đổi so với kiểu dáng kiến trúc ban đầu.
Công trình kiến trúc còn lại hiện nay của Phúc Nghiêm tự mang đậm phong cách kiến trúc thời Nguyễn với các hạng mục kiến trúc tiêu biểu như tòa tam bảo, nhà tổ, nhà tăng, tháp cổ. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, đây là bố cục của ngôi chùa cổ thời Lê sơ. Khi đó, vào thế kỷ XV, chùa Phúc Nghiêm đã có bố cục kiến trúc hoàn chỉnh kiểu “nội công, ngoại quốc”, nhưng vì hai dãy hành lang và tam quan đã bị thời gian hủy hoại nên công trình còn lại theo bố cục chữ “công”.
Chùa Phúc Nghiêm còn bảo tồn hệ thống tháp gạch cổ kính. Đây là nơi yên nghỉ vĩnh hằng của các vị sư tổ từng tu hành và viên tịch tại chùa.
Nhà sư trụ trì cho biết, trải qua mưa nắng thời gian đã làm cho chùa Phúc Nghiêm bị xuống cấp nghiêm trọng. Mấy năm trước, những người con xa quê của Yên Sơn cùng với những nhà hảo tâm và nhân dân trong xã đã quyên góp hàng tỷ đồng trùng tu lại chùa.
Trên đầu hồi tòa Phật điện, người xưa đã đề 4 chữ Hán kiểu hành thư, nét chữ bay bổng diệu kỳ “phong nguyệt vô biên” để ca ngợi vẻ đẹp hữu tình của di tích này. Có thể nói, Phúc Nghiêm tự là bảo tàng lưu giữ những di vật chứa đựng những giá trị to lớn về mặt lịch sử, văn hóa của vùng miền. Đặc biệt, hệ thống tượng Phật ở đây được sơn son thiếp vàng rực rỡ có giá trị về tâm linh, tôn giáo, về nghệ thuật tạo tác rất đa dạng. Chùa nổi tiếng bởi hệ thống tượng Phật cổ rất quý và rất đẹp. Những pho tượng này đều có diện mạo phản ánh tập trung tâm thế và cốt cách riêng, xứng danh là những tác phẩm điêu khắc nghệ thuật. Hiện nay, công trình kiến trúc cùng hệ thống tượng Phật cổ, đồ thờ tự vẫn được địa phương bảo quản chu đáo. Ở tam bảo và nhà tổ có tới trên ba mươi pho tượng gỗ thời Lê, Nguyễn rất có giá trị.
Trải qua những biến thiên của lịch sử, nhưng hiện nay chùa Chản còn lưu giữ được một quả chuông đồng thời Tây Sơn. Chuông cao chừng 100 cm, chu vi miệng là 160 cm, quai chuông được đúc dáng đôi rồng chung thân, miệng rồng phun châu nhả ngọc trông nghiêm nghị mà hiền từ, không dữ tợn như rồng thời Nguyễn sau này. Trên bốn múi chuông đúc nổi bốn chữ Hán cho biết tên chuông “Phúc Nghiêm tự chung”, nghĩa là chuông chùa Phúc Nghiêm. Cuối bài văn trên chuông cho biết thời gian và ý nghĩa đúc quả chuông là vào đầu tháng Ba niên hiệu Cảnh Thịnh thứ tám, tức là năm 1800 và ghi tên một số tập thể, cá nhân hưng công đúc chuông. Văn chuông do nhà sư trụ trì chùa Phúc Nghiêm khi ấy soạn. Cuối cùng có bài minh ngợi ca cảnh trí chùa Phúc Nghiêm và sự thiện tâm tế độ làm cho quốc thái dân an của chư Phật từ bi.
Chùa có hai tấm bia cổ ghi tên những người công đức xây chùa. Phúc Nghiêm là ngôi chùa cổ, từng là nơi in ấn nhiều kinh sách nhà Phật ở thế kỷ XVIII, IX.
Hằng năm, vào tiết tháng Hai, ngày 19 và 20 âm lịch, dân ba thôn (Chản Làng, Chản Đồng và Trại Cầu) tổ chức hội chùa thu hút đông đảo phật tử và du khách thập phương về trảy hội. Chùa Phúc Nghiêm còn có hệ thống cây cổ thụ dễ có đến trên dưới trăm tuổi. Chính từ vẻ đẹp, bóng mát của cây cùng với gió lành từ sông Lục thổi về mà sân chùa luôn có người vào ra. Các cụ cao niên Chản Làng vẫn thường chọn sân chùa làm nơi tập dưỡng sinh và thư giãn…
Theo triền đê, chúng tôi đến đình Chản, một di tích lịch sử văn hóa cách Phúc Nghiêm tự không xa. Cùng với chùa Chản, đình làng Chản đã góp phần tô điểm làm phong phú thêm cho quần thể thắng tích ở vùng hạ huyện Lục Nam.
Đình Chản uy nghi, cổ kính, là một di tích kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu của vùng sông Lục, núi Huyền. Các cụ cao niên dẫn chúng tôi đi tham quan đình. Qua câu chuyện, chúng tôi được biết: Đình Chản là ngôi đình cổ được xây dựng từ thời Lê cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII, và đã trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo lớn. Đình Chản đến nay vẫn còn lưu giữ được hệ thống bia đá cổ rất quý.
Ở đình Chản, chúng tôi rất ấn tượng với nghệ thuật chạm khắc trên bốn bức cốn. Trên mỗi bức cốn là bức tranh sinh động khác nhau được phủ đầy hoa văn chạm khắc với nhiều đề tài trang trí thể hiện đời sống sản xuất nông nghiệp của người dân Việt như rồng ổ, tiên cưỡi rồng, long hóa, hoa sen, cá chép, cua, đặc biệt còn có cả hình linh thú. Trong đó có hai bức cốn được chạm từ thời Lê với đề tài tứ linh, tứ quý.
Trong hậu cung đình có đặt bài vị thờ Ngọ tiên nương và hai con trai là Hoàng thái tử Đô Thống đại vương và Hoàng tứ tử Lục Lang đại vương. Họ là những thuộc tướng của vua Lê Hoàn có nhiều công lao trong cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược, bảo vệ đất nước.
Ngoài ra, đình còn bảo lưu được nhiều tài liệu, hiện vật có giá trị lớn trong việc tìm hiểu về lịch sử văn hóa truyền thống ở ngôi đình Chản. Đình Chản cũng là nơi hoạt động của cán bộ cách mạng trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp.
Đình, chùa Chản là cụm di tích được ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch và huyện Lục Nam quy hoạch trong tuyến du lịch Tây Yên Tử.
Có thể nói, sau gần một ngày ở làng Chản, chúng tôi thực sự yêu mến mảnh đất có bề dày truyền thống và lịch sử văn hóa này. Những tên làng, tên núi, tên sông bên dãy núi Huyền Đinh hùng vĩ và dòng sông Lục hiền hòa đã đi vào thi ca, sử sách. Những thuần phong, mỹ tục và hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian phong phú ở đây cùng với tấm lòng hồn hậu, mến khách của người dân khiến ai đó khi đã đặt chân lên đất này đều như bị cuốn hút, níu kéo, muốn ở lâu hơn nữa./.
Theo Du lịch Bắc Giang
NISAVA TRAVEL! var omitformtags=[“input”, “textarea”, “select”] omitformtags=omitformtags.join(“|”) function disableselect(e){ if (omitformtags.indexOf(e.target.tagName.toLowerCase())==-1) return false } function reEnable(){ return true } if (typeof document.onselectstart!=”undefined”) document.onselectstart=new Function (“return false”) else{ document.onmousedown=disableselect document.onmouseup=reEnable }