(Ngoisao) – Mù Cang Chải, núi Viên Nam, Linh Trường, bán đảo Sơn Trà, biển Nha Trang, Phan Thiết… là những địa điểm lý tưởng cho việc chơi dù lượn ở Việt Nam.

Những đỉnh đồi cao vừa phải, có vùng trời thoáng, rộng để bay được cho là địa điểm lý tưởng để những người chơi dù lượn chọn làm nơi cất cánh.
Bởi ở những nơi như vậy, khối khí được gió đẩy lên theo sườn dốc với tốc độ vừa đủ, cánh dù sẽ bay lâu hơn trên bầu trời.

Núi Viên Nam, Hà Nội

< Từ trên đỉnh núi, phi công dù lượn được thả hồn mình vào bầu trời rộng lớn, bồng bềnh trên mây cùng những cánh chim, trườn dọc dãy núi và thu vào tầm mắt những điệp trùng của núi non ngoại thành Hà Nội.

Núi Viên Nam, xã Yên Bình, huyện Thạch Thất có hai ngọn cao 215 và 500 m phù hợp với việc cất cánh. Nhiều thành viên trong câu lạc bộ dù lượn miền Bắc thường xuyên đến đây để tập luyện với nhau. Tuy nhiên, phải đi bộ mất khoảng 30 phút để lên đến đỉnh núi.

Núi Bái Nhạ, Hòa Bình

< Đỉnh núi Bái Nhạ, xã Ngọc Sơn, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình là một trong những địa điểm nhảy dù đẹp nhất miền Bắc.

Đỉnh Bái Nhạ lộng gió, sừng sững như mời chào, thách thức. Bất cứ người chơi dù lượn nào cũng đều muốn được chinh phục đỉnh cao ấy, để rồi bay vút vào tầng không, in đậm hình ảnh của mình lên nền  trời và thỏa niềm khát khao chinh phục. NISAVA

Mù Cang Chải, Yên Bái

< Từ trên cánh dù giữa bao la đất trời, bạn sẽ bị choáng ngợp bởi sự kỳ vĩ, hoành tráng của núi rừng, bởi khí hậu trong lành, vẻ đẹp ngoạn mục của những thửa ruộng bậc thang và những con đường vòng vèo lưng núi nơi đây.

Được đánh giá là một trong những địa điểm chơi dù lượn đẹp nhất Việt Nam, Mù Cang Chải nhìn từ trên dù lượn mang vẻ đẹp thi vị, hùng vĩ và mê đắm. Đường lên Mù Cang Chải đi qua đỉnh Khau Phạ, đỉnh núi cao nhất trong tứ đại đỉnh đèo Tây Bắc. Theo đánh giá của những phi công dù lượn trong nước và quốc tế, Khau Phạ là một trong 4 điểm có tiềm năng bay đẹp nhất Việt Nam, cả về điều kiện thời tiết cũng như cảnh sắc thiên nhiên và con người.

Núi Linh Trường, Thanh Hóa

< Núi Linh Trường, xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hoá được đánh giá là một điểm bay dù lượn tiềm năng.

Điểm cất cánh trên đỉnh núi ở độ cao 210 m được bao bọc bởi một rừng thông với đường chạy khá hẹp và độ dốc lớn. Nơi đây là “sân chơi” cho những phi công đã dày dặn kinh nghiệm. Từ trên cánh dù, bạn sẽ thấy được vẻ đẹp hiền hòa của bãi biển xanh ngắt chạy dài tít tắp với những hàng phi lao ngút ngàn, xa xa là những cánh đồng muối lấp lánh ánh mặt trời.

Uốn lượn theo dòng sông Lạch Trường, núi Linh Trường còn khá hoang sơ, dài gần 5km hướng về phía Nam Đông Nam như một điểm nhấn của vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, vừa có núi vừa có sông vừa có biển, tạo điều kiện tốt với nhiều lựa chọn cho hạ cánh an toàn.

Bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng

< Bay dù ở đây, bạn sẽ được chiêm ngưỡng sự kỳ vĩ của những đỉnh núi cao trập trùng lãng đãng mây phủ, từng dải rừng xanh mướt trên núi cao uốn mình trải dài tới mép biển tạo nên một vùng sinh thái rộng lớn. Vị trí tiếp đất thường là bãi biển Thọ Quang dưới chân núi Sơn Trà hay bãi biển Phạm Văn Đồng.

Sơn Trà là tên một bán đảo và ngọn núi thuộc quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng. Bán đảo Sơn Trà ở phía nam vây lại thành hình cánh cung tạo nên một vịnh biển đẹp quyến rũ, đầy mời gọi. NISAVA

Biển Nha Trang

Biển Nha Trang mang vẻ đẹp nên thơ, trữ tình. Quan sát thành phố biển từ trên cao mới thấy hết vẻ đẹp của những bãi tắm trải dài với dải cát trắng mịn, những hòn đảo ngoài khơi đẹp đến ngỡ ngàng, bên bờ biển những rặng dừa và hàng dương lao xao trong gió, những ngôi đền Chăm rêu phong cổ kính trên núi…

Núi Lang Biang, Đà Lạt

Đến đây, bạn có thể đi xe Jeep lên đỉnh Lang Biang, sau đó bay dù xuống chân núi. Nếu chưa thành thạo và đủ tự tin, bạn có thể bay đôi cùng huấn luyện viên để ngắm một Đà Lạt từ trên cao thật khác.

Phan Thiết

Với địa hình núi hướng ra biển, gió thổi tốt, bạn có thể chơi dù lượn ở một số điểm khá đẹp thuộc khu vực Mũi Né, Hòn Hồng, hay đồi cát, thung lũng… Các vận động viên dù lượn vẫn thường tìm đến Phan Thiết để thỏa mãn niềm đam mê chinh phục bầu trời bởi đây được đánh giá là một điểm bay khá đẹp.

Thông tin thêm:

Dù lượn là bộ môn giải trí nhưng đòi hỏi sự chuyên nghiệp của người chơi ở việc trang bị kiến thức, kỹ năng, thể lực và tinh thần tốt. Dù lượn không sử dụng động cơ, hình thức bay tự do, cất cánh bằng chân. Phi công ngồi vào một ghế ngồi được may bằng những dây đai bền chắc. Phi công bay được dựa vào những luồng gió có sẵn trong tự nhiên.

Chi phí học dù lượn thường 4 triệu/ khóa trong 3 tháng (khoảng 10 buổi) để biết bay cơ bản. Chi phí mua trang thiết bị chơi dù trung bình từ 50 đến 100 triệu.  Một bộ thiết bị dù bao gồm dù, đai ngồi, dù dự phòng, các thiết bị điện tử, nón bảo hiểm, tất cả nặng khoảng 12-18 kg.

Theo Lê Thương (Ngôi Sao)
NISAVA TRAVEL!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *