Đến nay, nhiều du khách trong và ngoài nước đã đến thăm địa đạo Vịnh Mốc- địa danh tiêu biểu trong lịch sử chống Mỹ cứu nước của Quảng Trị. Những người đến đây cùng một mục đích: tận mắt chứng kiến, hiểu sâu những điều kỳ diệu về dân tộc Việt Nam…
Từ bãi biển Cửa Tùng, đi về phía Bắc khoảng 7km là tới địa đạo Vịnh Mốc. Con đường nhựa đi vào khu di tích nho nhỏ, phẳng lì, len lỏi giữa rừng thông ngút ngàn. Phía bên phải chúng tôi là biển xanh gợn sóng, những luồng gió phả vào mặt mát rượi. Cách bờ khoảng 30 km, đảo Cồn Cỏ hiện ra như một chấm xanh đậm trên nền trời…
Đến Vịnh Mốc, ấn tượng đầu tiên của tôi là một quả đồi đất đỏ bazan thấp, phủ kín màu xanh của tre cán giáo, hóp, thuồng luồng, tre le le, trúc phật bà… Con đường rộng chưa đầy 2m trong khu vực địa đạo được lát bằng đá chẻ màu xanh, quanh co men theo những giao thông hào dường như vẫn còn nguyên.
Và vẫn còn đó những hố bom lớn, minh chứng của một thời đạn bom ác liệt; những chiếc giếng khô để đưa hàng hóa, lương thực thật nhanh vào địa đạo; một dãy bom đủ loại được trưng bày gần cửa đi xuống thăm địa đạo…
Tới khu vực địa đạo, tôi lần xuống từng bậc cấp thăm tầng đầu tiên. Tầng này cách mặt đất từ 8-12 m. Hầm cao từ 1,6m đến 1,9m, rộng từ 0,9 m- 1,2m. Áp tay vào thành địa đạo có cảm giác đất bazan mịn màng, mát rượi. Nhiều đoạn trần địa đạo phủ màu rêu xanh. Ngước nhìn lên trần địa đạo phẳng lì, đất rắn chắc khiến chúng tôi rất yên tâm dù lần đầu tiên đi vào lòng đất sâu hun hút với chiếc đèn pin nhỏ soi đường.
Càng xuống sâu, không khí càng thoáng đãng, mát rượi bởi những luồng gió thổi vào từ các cửa địa đạo hướng ra biển. Cứ khoảng hơn 10m thì đường hầm địa đạo lại rẽ ngang, dọc, lên xuống hình chữ Z. Người ta nói rằng đó là cách để phòng tránh bom đạn chui vào. Hai bên đường hầm dày đặc những căn hộ. Nói là căn hộ cho oai, nhưng thật ra chỉ là những hốc khoét vào đất để có chỗ vừa đủ cho từ 2-4 người trú ẩn khá chật hẹp. Tầng một chủ yếu là nơi cơ động chiến đấu và trú ẩn tạm thời. Tầng hai sâu từ 12-15m, là nơi sinh sống của dân làng. Tầng 3 sâu khoảng 23m là nơi trung chuyển thuốc men, lương thực, vũ khí ra biển để đưa lên tàu tiếp tế cho bộ đội ở đảo Cồn Cỏ.
Ba tầng này nối thông với nhau bởi trục hầm chính dài 780 m. Trong hầm còn có hội trường chứa khoảng 60 người (nơi hội họp, xem phim), giếng nước, nhà hộ sinh, trạm phẫu thuật, kho gạo, trạm đặt máy điện thoại… Điều kỳ diệu là chính trong lòng đất này, 17 đứa trẻ đã chào đời trong những ngày chiến tranh ác liệt từ 1965-1972. Địa đạo nơi này không chỉ là nơi chiến đấu mà còn là nơi sinh tồn.
Hệ thống địa đạo Vĩnh Linh, Vịnh Mốc do các chiến sĩ đồn biên phòng 140 và dân làng Vịnh Mốc, Sơn Hạ bắt đầu đào từ cuối năm 1965. Địa đạo nằm trên một quả đồi sát mép biển ở phía Nam làng Vịnh Mốc, cao khoảng 30m, rộng hơn 7ha. Hệ thống đường hầm có tổng chiều dài 1.701 m với 13 cửa ra vào (7 cửa thông ra biển, 6 cửa đi lên đồi). Trong quá trình thực hiện địa đạo, quân dân Vịnh Mốc đã vận chuyển hơn 6.000m3 đất đá đổ ra biển để xóa dấu vết, đóng góp gần 18.000 ngày công để hoàn thành. Bắt đầu bằng một bản vẽ trên giấy, đo đạc ước lượng trên mặt đất. Sau đó khoảng 50m các chiến sĩ và bà con đào một giếng. Một tổ từ 4-5 người đào giếng xuống độ sâu được ấn định. Từ đáy giếng, họ đào thành đường hầm tiến về phía nhau…
Địa đạo Vịnh Mốc là minh chứng ý chí “một tấc không đi, một li không rời” của quân và dân huyện Vĩnh Linh từ năm 1965 -1972, bất chấp đế quốc Mỹ xâm lược đánh phá tàn khốc. Nhờ có hệ thống địa đạo Vịnh Mốc (và nhiều địa đạo khác), quân dân Vĩnh Linh đã kiên cường chuyển từ trên mặt đất xuống sinh sống trong lòng đất để tiếp tục chiến đấu, bảo vệ quê hương, tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ – một đảo có vị trí chiến lược trong việc giữ vùng biển Vĩnh Linh (cách Vịnh Mốc 28 km). Bộ Văn hóa – Thông tin vào năm 1976 đã công nhận làng địa đạo Vịnh Mốc là di tích quốc gia và đưa vào danh mục các di tích đặc biệt quan trọng xứng đáng tầm vóc lịch sử của công trình này.
Hàng năm, ở địa đạo Vịnh Mốc, rất nhiều đoàn khách quốc tế, các cựu chiến binh, thanh niên Việt Nam đến tham quan. Chúng tôi lắng đọng phát biểu của một cựu chiến binh khi đi trong địa đạo: “Chưa tới địa đạo Vịnh Mốc, chưa đến với “đất lửa”!
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng nhiều thế hệ trong và ngoài nước đã, đang và sẽ nhớ tiếp tục tìm về để tận mắt chiêm ngưỡng một công trình dưới lòng đất thể hiện ý chí chiến đấu ngoan cường, bất khuất, tài trí và khát vọng sống bất diệt của dân tộc Việt Nam.
Theo Quehuongonline