Những điểm du lịch “đã nhẵn bước chân người” không còn là lựa chọn cho những người trẻ năng động, sáng động. Họ, với tinh thần tập thể, cùng nhau tự khám phá những điểm đến lạ. Một thuật ngữ mới ra đời từ đó trong những người trẻ đam mê những chuyến đi: “Đi phượt”. Đó là cách gọi “lóng” của dân trẻ Hà thành chỉ những chuyến đi du lịch ba lô không được định phương trước, dạng “tiếu ngạo giang hồ”.
Một ba lô, một chuyến đi xa
Trần Hoàng, một thành viên quen thuộc của box Du Lịch trên diễn đàn lớn nhất của giới trẻ hiện nay Trái tim Việt Nam Online cho biết: “Nhóm của mình từ năm ngoái đến giờ đã tổ chức trên ba chục chuyến đi khắp nơi, từ rừng núi đến biển, đảo; từ Bắc vào Nam, sang Trung Quốc, Campuchia, Lào. Mỗi chuyến có khi lên tới 50 – 60 người, chuyến đi nào cũng vui vẻ và để lại nhiều dấu ấn”.
Nhóm của anh, gần đây nhất vừa tổ chức một chuyến đi ra đảo Quan Lạn (vịnh Hạ Long). Cả đoàn gần chục người tổ chức thuê xe xuống Hòn Gai rồi lên tàu đi Quan Lạn.
Ấn tượng đầu tiên khi đến Quan Lạn là sự hoang sơ. Quan Lạn mùa hè nắng nóng, đầy gió, mùa đông lạnh, người dân địa phương còn nhớ có năm có tuyết rơi.
Đứng trên cảng Minh Châu ta có thể thấy sông Mang, cửa Tử, cửa Ôn – những địa danh lịch sử.
Yến, một thành viên của đoàn cho hay, cả nhóm tổ chức đi từ sáng thứ sáu đến chiều chủ chật là đã có mặt ở Hà Nội. Chi phí cho một chuyến đi nghỉ 3 ngày chỉ vào khoảng 600 – 700 nghìn/người. Trong khi đó, nếu đi tour ngoài, thì chi phí phải tính đến tiền triệu. Mà về cơ bản thì lịch trình, đường đi không khác nhau, chỉ khác ở chỗ ăn, ngủ mà thôi.
Mọi cung bậc của cảm giác
Những người mạo hiểm hơn thì chọn hình thức đi du lịch bằng xe máy. Không chỉ đi hội, họ còn sẵn sàng một mình một ngựa đi đêm ngắm cảnh ban ngày. Tuy nhiên, con đường du lịch này thường ít ưu ái với giới nữ.
Topic “Xa ngái Mù Cang Chải – Rùng rợn Háng Tề Chơ” của nickname Dugia trên box Dulich, diễn đàn TTVNOL đã thu hút hàng ngàn lượt views (người vào xem) với đoạn tường thuật lại chuyến đi ngoạn mục của mình đầy hấp dẫn như sau: “Hà Nội – Thanh Sơn – Thu Cúc – Ba Khe – Văn Chấn – xã Phình Hồ và xã Làng Nhì (huyện Trạm Tấu) – suối nước nóng Co Cọi Nghĩa Lộ – Nậm Búng – Tú Lệ – đèo Khau Phạ – xã Chế Cu Nha – xã La Pán Tẩn – thị trấn Mù Cang Chải: Một chuyến “phượt” với đủ mọi cung bậc của cảm giác mạnh !”.
Thái Kenzzo thì khác. Một chuyến “phượt” Mường Lát đã khiến cậu “chao đảo” vì cảm giác trong một thời gian dài sau đó. Mường Lát là huyện vùng sâu của tỉnh Thanh Hóa, giáp ranh biên giới Lào với Đồn biên phòng Tén Tằn.
Cái đọng lại là sự vất vả trên cung đường. Cả đoàn xe nối đuôi nhau trên con đường rộng chừng 30 cm – nói “đường” có quá chăng hay chỉ là lối mòn do dân đi rừng phát quang mở lối? Dò dẫm dò dẫm đi. Cảnh vật thì quá tráng lệ mà con người thì nhỏ bé.
Bên phải là vách sừng sững. Thi thoảng trút xuống vài tảng đá hộc sau cơn mưa. Cây rừng và cỏ dại um tùm. Bên trái là vực sâu thăm thẳm, nơi có con sông Mã mùa mưa nước ngầu đỏ cuộn tung bọt trắng lòa. Ấy thế mà chẳng ai dám ngắm cảnh, chỉ chăm chăm cùng xế ngắm đường, bụng đồng suy nghĩ “chệch tay lái thì bye bye mặt đất ta cùng xe bay”… Nghĩ lại vẫn giật mình thích thú.
Đường đi cứ dài mãi, hết dốc này sang dốc khác, qua khúc cua này là vực sâu kia. Thi thoảng, gặp dăm người dân tộc cầm dao đi rẫy, ú ớ dăm câu tiếng Kinh chỉ đường, nhưng kỳ thực chỉ là sự ngăn cản: “Khó đi lắm, không đi được đâu, quay lại đi, đi đến đêm cũng không tới được đâu… nghĩ lại càng… thấy nhớ đến điên khùng…
Tôi thèm phượt trên những con đèo bát ngát mây, chiều biên giới biển mây lờ lững, mây che những nóc sàn ẩm mốc, che con suối thiếu nữ tắm trần…, mây che lũ trẻ con nghịch đất… đừng khẽ nhăn mày chê bẩn, nó chả nghịch đất thì nghịch gì…”. Đó là những gì còn đọng mãi trong tâm trí Thái sau 5 ngày “phượt” về Mường Lát với Đường Tre Suối Mường.
Đi một ngày đàng…
Đối với những cuộc du lịch “tự sướng” như dân “phượt” vẫn gọi thì những sự cố dọc đường là không thể tránh khỏi. Những yếu tố khách quan, do “dòng đời xô đẩy” như: mưa giông sấm chớp, đường lầy khó đi, xe hỏng hóc… phải gửi xe lại trạm biên phòng… là những khó khăn nằm trong kế hoạch của bất kỳ dân du lịch bụi nào. Ngoài ra thì những sự cố do chủ quan, thiếu chuẩn bị của các thành viên trong đoàn cũng là chuyện thường ngày ở huyện.
Vân Anh, thành viên tour Quan Lạn kể: “Dù đã được trưởng đoàn dặn trước, nhưng mình vẫn chủ quan không mang theo chăn và áo ấm, báo hại đêm phải bò dậy mặc áo phao để ngủ cho đỡ lạnh. Mọi người tỉnh dậy thấy một cục vàng chóe nằm giữa lều cứ cười mình suốt”.
Gần đây nhất, trên box Du Lịch của TTVNOL xôn xao vì sự việc một trưởng nhóm tổ chức chuyến đi du lịch Quảng Châu – Trung Quốc có động cơ lừa đảo. Chuyến đi đã diễn ra không như mong đợi và gặp khá nhiều trục trặc, mọi người trong đoàn đều phải “tự thân vận động” dù đã nộp tiền chi phí đầy đủ cho người trưởng đoàn có nickname thuongmaivietnam_china. Hiện tại, người trưởng đoàn này vẫn chưa hoàn trả lại cho đoàn số tiền thừa lên tới gần 20 triệu đồng và vẫn đang trong tình trạng “im thin thít và lặn mất tăm”.
Đó chỉ là một sự cố hiếm hoi khi mọi người giao lưu và quá tin tưởng nhau khi cùng chơi trên một diễn đàn. Tuy nhiên, đó cũng là bài học cảnh giác đối với những bạn trẻ có ý định tham gia vào các chuyến du lịch tự tổ chức như vậy.
Dân “phượt” vẫn trêu đùa nhau: “Người ta bảo đi một ngày đàng học một sàng khôn. Còn mình đi một ngày đàng học một sàng dại…. sàng đi sàng lại… lọc được ít khôn”. Nhưng sau mỗi lần lượt “phượt” để lọc lại được một ít khôn như thế, thì mỗi dân “phượt” thâm niên cũng đủ để xuất bản một cuốn “cẩm nang du lịch bụi” rồi.
* Để tham gia “phượt” tập thể, bạn nên sẵng sàng tâm lý, ý thức tập thể “mình vì mọi người”. Chuẩn bị hành trang cần thiết của chuyến đi để hạn chế tối đa những rắc rối ảnh hưởng đến tập thể.
* Đi “phượt” bạn phải độc lập xoay sở từ A đến Z vì không người hướng dẫn, không ở khách sạn, vì vậy trong ba lô của bạn phải có đầy đủ: túi ngủ, thuốc, đèn pin, lương khô, bản đồ, vật dụng đa năng. Và nhớ đừng bao giờ quên mang theo giấy tờ tùy thân.
* Đi “phượt” không cần mặc đẹp, tiêu chí hàng đầu là càng lâu dơ càng tốt. Nên chọn loại áo quần cơ động như áo thun, quần jeans, giày thể thao.
* Với phương tiện xe máy, trước khi lên đường, bạn nên bỏ chút ít thời gian để học sửa xe căn bản. Trong ba lô của bạn cũng đừng quên các dụng cụ sửa xe cần thiết mỏ lết, ốc vít. Đặt biệt, đừng từ chối nón bảo hiểm nếu như bạn không muốn chuyến đi hỏng giữa chừng. Còn trên lộ trình cần đến bằng tàu hỏa hay ô tô bạn cần tìm hiểu trước giờ xe chạy. (T.L)
Minh Minh
Vietbao
Tránh bất trắc khi du lịch ‘bụi’, “phượt”
Cẩm nang du lịch Bụi Phần 1