Phiên chợ ngày cuối cùng của năm cũ ở Nghệ An có một tên gọi rất đặc biệt, đó là chợ Con nít. Được đi phiên chợ này là niềm vui của trẻ nhỏ dân quê sau một năm chờ đợi.

< Từ sáng sớm, trẻ nhỏ đã rủ nhau đi chợ Con nít.

Đến hẹn lại lên, cứ ngày 30 Tết là lũ trẻ con ở vùng quê lúa Yên Thành (Nghệ An) lại rủ nhau đi chợ Con nít. Gọi là chợ Con nít vì đa số chỉ có trẻ nhỏ đi xem người bán hàng, mua những gì chúng thích. Những đứa trẻ có điều kiện hơn thì được cha mẹ chở đi mua những bộ quần áo mới. Phiên chợ này cũng có người lớn nhưng rất ít vì họ đã mua đồ tết ở các phiên chợ trước và thường ở nhà chuẩn bị cỗ bàn.

< Mới 7 giờ sáng nhưng có trẻ đã mua được món hàng yêu thích.

Được đi phiên chợ độc đáo này không đơn giản là “mình thích thì mình rủ nhau đi thôi” mà có trẻ phải phấn đấu một năm học đạt thành tích cao thì cha mẹ mới đồng ý cho đi chợ Con nít.

< Người anh chia cho em món quà vừa mua được.

Năm nay 30 Tết đúng vào ngày chẵn nên chợ Con nít được mặc định tổ chức ở chợ Vẹo (xã Liên Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An), còn những năm thiếu, chỉ có 29 ngày thì bọn trẻ lại đi chợ Kè (xã Mỹ Thành, Yên Thành).

< Một số trẻ nhỏ còn phụ giúp cha mẹ bán hàng tết.
NISAVA
Từ sáng sớm, bọn trẻ con đã mặc những bộ quần áo tươm tất nhất, í ới gọi nhau đi chợ tết. Dọc con đường đến chợ, lũ trẻ chia đi từng tốp 3 – 4 đứa, cười nói rôm rả náo động cả một miền quê.

< Các em nhỏ thích thú khi được cha mẹ đưa đi chợ Con nít.

Có trẻ còn cõng em nhỏ sau lưng, vượt cả quãng đường dài khoảng 3 km để cùng nhóm bạn đến chợ. Những đứa trẻ được cha mẹ chở đi chợ bằng xe máy, xe đạp, khi gặp bạn lại í ới gọi nhau hẹn gặp ở phiên chợ.

< Bóng bay là món hàng không thể thiếu.
NISAVA
Người lớn đi chợ ngoài việc mua hàng hóa còn là nơi gặp gỡ bạn bè. Lũ trẻ con cũng vậy. Chợ Con nít là dịp chúng hớn hở so nhau tiền đi chợ, xem ai được nhiều hay ít sau một năm tiết kiệm, là sự sẻ chia khi mua được món đồ chơi đẹp hay thưởng thức một món ăn giá rẻ.

< Lũ trẻ thường ghé những gian hàng bắt mắt.

Tiền đi chợ đối với bọn trẻ không nhiều, đứa được cha mẹ cho dăm ba nghìn đồng, đứa “hoành tráng” hơn có khi cũng chỉ khoảng 50.000 đồng góp được từ tiền đi cấy thuê, bắt cua đồng, bắt lươn bán dành dụm quanh năm…

< Gian hàng dày dép cũng tấp nập khách nhí.
NISAVA
Đến chợ, bọn trẻ không cần phải tính toán như người lớn phải mua gì hay trả giá đắt, rẻ. Chúng hào hứng xem ngắm những món đồ ưa thích và mua những thứ vừa với số tiền mang theo. Quanh quẩn cũng chỉ là ít quả bóng bay và những thứ bánh trái rẻ tiền như bắp nổ, táo xiên hay bánh xèo, bánh rán.

< Bồng cả em đi chợ.

Khung cảnh chợ huyên náo nhưng không phải là sự tranh giành, lời qua tiếng lại của người mua và người bán, thay vào đó là tiếng gọi của bọn trẻ, là sự ê a của những đứa trẻ đi theo anh chị mà chưa biết mùi vị chợ Con nít là gì.

< Niềm vui đóng vai người bán hàng.

Tình bạn, tình anh em ruột thịt cũng được thể hiện rõ khi chúng chia nhau ăn một trái ổi, trái táo mà không cần phải tính thiệt hơn. Hễ đứa nào mua được miếng ăn, chúng lại xúm lại chia nhau từng mẩu nhỏ ăn ngon lành xem lẫn tiếng cười giòn giã.

Ngoài mua quà cho mình lũ nhỏ còn tự tay mua đồ chơi cho các em, có đứa còn mua quà về cho bố mẹ. Phiên chợ còn là nơi để trẻ con thể hiện tấm lòng của mình với cha mẹ. Dù món quà không lớn, không nhiều tiền nhưng đó là cả tấm lòng thành của con trẻ.

Theo Phạm Đức (Thanh Niên)
NISAVA TRAVEL!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *