Có nhiều phượt thủ rất khoái trải nghiệm cái lạnh rét buốt mùa đông. Và họ vác ba lô lên đường. Phượt thủ Thu Hường đã chia sẻ với bạn đọc iHay những điểm đến thú vị trong hành trình “săn” rét mùa đông.
Tam Đảo chìm đắm trong màn sương
Vào mùa hè, Tam đảo được ví như thiên đường nghỉ dưỡng lý tưởng với khí hậu bốn mùa hội tụ trong ngày. Qua mùa hè, sang thu đến suốt mùa đông, không khí ở Tam Đảo tuyệt hơn bao giờ hết nếu bạn thực sự muốn tận hưởng cảm giác đắm chìm trong sương, run rẩy trong cái rét buốt và mọi vật xung quanh nhạt nhòa làn hơi nước.
Đường đến Tam Đảo khá thuận tiện, có thể đi được bằng xe máy hoặc ô tô bởi Tam Đảo chỉ cách Hà Nội hơn 70 km. Tuy nhiên, nếu đến Tam Đảo bằng xe máy bạn sẽ tận hưởng được cảm giác thuần khiết của thiên nhiên, tiếng suối róc rách trên suốt con đường cua chừng 20 km uốn lượn theo triền núi. Một lời khuyên cho bạn nếu muốn đến Tam Đảo mùa đông bằng xe máy cần chuẩn bị kỹ lưỡng về kinh nghiệm và đồ tư trang.
Con đường dẫn đến Tam Đảo liên tục có những đoạn cua lắt léo, dốc này nối dốc khác, liên tục cây cối um tùm và sương giăng dày đặc sẽ khiến “tay xế” khó có thể quan sát được gương cầu. Thông thường, đường sẽ khá vắng, thỉnh thoảng có một vài chiếc xe tải lớn hay xe của những người dân chở su su xuống núi, nếu bạn không biết điều chỉnh tốc độ sẽ dễ đụng nhau bất cứ lúc nào. Càng lên cao, với độ cao gần 1000m so với mực nước biển, cái lạnh mùa đông ở Tam Đảo càng trở nên se sắt, buốt giá hơn.
Tam Đảo mùa đông sẽ mang đến cho bạn cảm giác hoang vu, vắng vẻ. Tam Đảo lúc này như thành phố nhỏ chìm đắm trong màn sương, chỉ thấy một màu xanh ẩn hiện của những vườn su su mát mắt.
Mộc Châu rét buốt mùa đông
Từ lâu, cái tên Mộc Châu không còn xa lạ với nhiều người, bởi mỗi mùa Mộc Châu lại có những nét đẹp riêng, nét đẹp gắn với mỗi loài hoa theo mùa như hoa đào, hoa ban trắng, hoa cải, hoa ngũ sắc…
Riêng tôi, gọi Mộc Châu về đông là Mộc Châu rét buốt. Nếu những ngày này, Hà Nội run rẩy trong cái lạnh kéo dài thì nhiệt độ ở Mộc Châu cũng lạnh không kém. Đoàn chúng tôi có dịp dừng chân ở bản Lóng Luông để cùng đón tết với đồng bào Mông nơi đây nên cũng thấm thía cái lạnh cóng của cao nguyên hoa.
Cả đoàn ai cũng sụt sịt vì chưa quen giá rét, nhưng được ngồi sưởi ấm trong những bếp lửa hồng cùng bà con dân bản và nhâm nhi chén rượu thì cũng phần nào quên đi cái lạnh buốt ấy.
Săn băng tuyết trên đỉnh đèo Ô Quý Hồ
Đèo Ô Quý Hồ được dân phượt mệnh danh là “Cổng Trời” bởi đứng trên đèo, chúng ta có cảm giác giơ tay lên đã chạm được vào những áng mây trắng bồng bềnh tựa chốn thần tiên. Đèo Ô Quý Hồ còn có tên gọi khác là Đèo Hoàng Liên Sơn hay đèo Hoàng Liên.
Nơi đây năm xưa có trạm khí tượng thủy văn trên đỉnh núi Hoàng Liên, là nguyên mẫu trong truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” của nhà văn Nguyễn Thành Long.
Ngày nay, đây là ngọn đèo có đường ô tô chạy qua, cao nhất Việt Nam và cũng là cung đường nối liền hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu, nổi danh là một trong những cung đường dài, hiểm trở và hùng vĩ vào loại bậc nhất.
Với độ cao xấp xỉ 2.000m so với mực nước biển, đèo Ô Quý Hồ là nơi thường xuất hiện băng tuyết và mưa tuyết nhiệt đới nhất mỗi khi đông về. Vì thế, địa danh này là nơi lý tưởng mà nhiều du khách muốn đặt chân đến vào mùa đông.
Vào mùa đông năm ngoái (2011), khi nhiệt độ Sapa giảm xuống còn 1o C, nhiệt độ trên đỉnh đèo giảm sâu dưới 0o C, sương mù dày đặc kèm theo mưa phùn nhỏ tạo băng tuyết phủ trắng đèo Ô Quý Hồ.
Còn gì tuyệt hơn nếu chúng ta đặt chân đến đây đúng dịp có băng tuyết để có thể tận hưởng trọn vẹn một mùa đại hàn với băng giá phủ trắng rặng cây, núi đồi và chộp lại những khoảnh khắc đẹp mê hồn.
NISAVA TRAVEL! – Theo Thu Hường (iHay)