Những buổi sáng trời quang mây tạnh hay buổi chiều nắng đẹp, từ thành phố Lào Cai hay từ một nơi nào đó của quê mình, bạn nhìn về phía Tây thấy hiện lên một bức tranh huyền ảo. Hai dãy núi chắn ngang tạo khung cho bức tranh hoành tráng. Những ngọn núi nhấp nhô uốn lượn trập trùng làm nền, từ phía sau vút lên ngọn núi như năm ngón tay chĩa thẳng lên trời. Dãy núi hình năm ngón tay ấy mang tên Ngũ Chỉ Sơn.

Buổi sáng, Ngũ Chỉ Sơn mờ xanh, ẩn hiện trong mây. Chiều tà, mặt trời từ sắc vàng chuyển sang ửng đỏ từ từ xuống núi. Hoàng hôn hắt vàng rực lên nền mây. Trên cái phông trời ánh chiều biến chuyển huyền diệu ấy, Ngũ Chỉ Sơn xanh mờ chuyển dần sang xanh lam rồi tím sẫm, gợi bao suy tưởng huyền thoại.
Chuyện xưa kể rằng: từ xửa từ xưa, từ thủa trời đất còn tối tăm mờ mịt, mặt đất bằng phẳng trơn tru. Bỗng xuất hiện một vị thần thân hình vạm vỡ, cao lớn khoẻ mạnh phi thường. Một mình ông chuyên làm công việc tạo dựng nên núi non, sông biển. Ông gồng sức lên làm việc hăm hở miệt mài. Ông đào đất đắp nên đồi thấp núi cao.

Chỗ ông lấy đất tạo thành biển rộng và ao hồ. Ông khéo léo tạo nên những suối khe nối với sông con, sông cái, dẫn nước vào ao, vào hồ rồi chảy ra biển rộng. Cuối cùng ông dồn tất cá đất đá đắp một dãy núi thật cao. Dãy núi ấy được đắp cao dần, cao mãi, cao vượt tầng mây đen mây trắng, cao đến tận tầng mây tím, mây xanh, chóp núi nhô đến tận xứ sở Nhà Trời.

Nhà Trời thây thế giận lắm, liền sai thần Sấm Sét đến đánh suốt mấy ngày đêm. Thần Sấm Sét gầm thét, chớp rạch sáng loè, đất trời rung chuyển. Dãy núi cao ngạo nghễ ấy bị sứt mẻ, còn lại năm ngọn núi cao ngất như năm ngón tay chĩa thẳng lên trời như thách thức. Thần Sấm Sét kiệt sức, đành phải bỏ về. Năm ngọn núi cứ đứng vững vàng như thế cho đến ngày nay. Người ta đặt tên cho núi ấy là Ngũ Chỉ Sơn, tức là núi Năm Ngón Tay.

Ngũ Chỉ Sơn hiện hình từ bao đời, bao thế hệ ngắm nhìn. Bao nhiêu chàng trai đã vượt bao nhiêu Cổng Trời, đã lên đỉnh núi trước mặt, đã tới đỉnh núi sau lưng, chỏm núi bên trái, bên phải cũng đã vượt qua. Nhưng đỉnh Ngũ Chỉ Sơn thì chưa ai dám thử sức. Làng kia có chú bé người Mông trán cao, cằm bạnh, mắt sáng, vóc dáng cao lớn hơn chúng bạn trong làng. Đã nhiều hôm chú ngắm nhìn Ngũ Chỉ Sơn, ánh mắt xa xăm, đầu nung nấu một ý nghĩ.

Một sáng đẹp trời, chú chống chiếc gậy sắt dài, chào bố mẹ, chào mọi người rồi nhắm hướng Ngũ Chỉ Sơn đi tới. Chú đi, đi mãi, đi trong gió mát, nắng tươi, đi trong mưa dầm, giá rét. Ngày đi đêm nghỉ. Qua bao dốc thẳm khe sâu, vượt bao dốc đèo hiểm trở. Chú đến được chân núi. Chú ngước nhìn đỉnh núi cao sừng sững như dựng đứng trước mặt. Chú dừng nghỉ ít lâu  lấy sức rồi hăm hở leo lên. Bao ngày ròng rã nữa, bao nắng mưa, sương gió cản bước chân chú. Chim muông thấy chú phải trố mắt nhìn. Chú mải miết leo lên.

Cuối cùng, chú đã lên được đỉnh cao nhất. Rồi chú quay về ngay. Đường về vẫn vất vả nhưng bước chân nhanh hơn. Đến nhà, chú bé đã thành một ông già râu tóc bạc phơ, chân tay gầy nhưng săn chắc, đôi mắt sáng và nụ cười nở trên gương mặt nhăn nheo dạy dày sương gió. Chiếc gậy sắt dài đã mòn vẹt, chỉ còn hai gang tay.

Ngày nay, Ngũ Chỉ Sơn thêm đẹp, thêm hùng vĩ trong cuộc sống thanh bình. Ngũ Chỉ Sơn đã đi vào bài hát, bài thơ ngợi ca quê hương. Ngắm Ngũ Chỉ Sơn, kể lại huyền thoại xưa, dáng núi gợi thêm bao suy tưởng….

NISAVA TRAVEL! – Theo Egov.Laocai, ảnh sưu tầm

Chinh phục Ngũ Chỉ Sơn —————–

Giọng ông Sùng Tếnh trần trầm:
– Các cháu có nhìn thấy dãy núi hình năm ngón tay sừng sững chĩa lên trời kia không. Thấy rồi á! Núi Ngũ Chỉ Sơn đấy.

Chuyện đời xửa  đời xưa kể lại thế này. Thuở xa thăm thẳm, mặt đất còn phẳng phiu trơn  tru, bỗng một hôm có vị thần xuất hiện. Vị thần cao lừng lững, mang sức lực của đất của trời, người thường không ai bì kịp. Vị thần này chuyên làm công việc đào sông đắp núi. Sau khi đã khơi đào bao nhiêu hồ rộng, sông sâu, suối khe chằng chịt, đắp nên gò đồi nhấp nhô và núi non trập trùng, vị thần bèn gom tất cả đất đá đắp một ngọn núi  cao sừng sững. Ngọn núi ấy cứ được đắp cao lên, cao mãi, cao đến tận xứ sở của Nhà Trời. Một hôm trời mây quang đãng, Nhà Trời nhìn thấy đỉnh núi sừng sững ấy thì giận lắm, bèn sai Thần Sấm Sét đi đánh phá.

Hàng tháng trời ròng rã, Thần Sấm Sét ra tay. Sấm nổ đùng đùng rung trời chuyển đất. Sét toé lửa sáng loè chằng chịt dọc ngang. Ngọn núi cao chỉ sứt mẻ nham nhở, phần còn lại tẽ thành năm ngọn núi ngạo nghễ chĩa lên trời. Thần Sấm Sét mệt rã rời, phải dừng tay. Nhà Trời đành phải gọi Thần Sấm Sét trở về. Từ bấy giờ đến nay, năm ngọn núi ấy vẫn sừng sững, như năm ngón tay chĩa lên trời…
Ông Sùng Tếnh chìa năm ngón tay ra, giơ lên trước mặt mấy đứa cháu. Môi ông bặm lại, mắt nheo cười. Lũ trẻ trố mắt kinh ngạc. Sùng Páo tò mò hỏi:

– Từ đây sang đó xa không hả ông?
– Hầy dá! Xa lắm! Xa như thế này nhá…

Giọng ông Sùng Tếnh lại trầm trầm:

– Có một chú bé người Mông ta thấy dãy núi hình năm ngón tay cao đến tận trời như thế thì thích lắm, bèn nhằm hướng núi ra đi. Chú mang theo chiếc gậy sắt dài một sải tay, vừa làm gậy chống, vừa làm vũ khí dọc đường. Chú vượt qua bao nhiêu mỏm núi hiểm trở, bao nhiêu sông suối thác ghềnh. Đến chân Ngũ Chỉ Sơn, chú bé đã trở thành chàng trai Mông cường tráng, chân khoẻ, tay chắc, mắt sáng. Chàng trai ngước nhìn:  Đỉnh Ngũ Chỉ Sơn cao hút tầm mắt. Vách núi dốc đăm đẳm.  Chàng trai Mông không chùn bước, tiếp tục leo lên. Miệt mài, hăm hở. Nắng dội và mưa xối. Gió cuốn và sương giăng. Giá rét. Lưng đầm đìa mồ hôi. Bàn chân toé máu. Rồi chàng đã lên đến đỉnh núi. Chàng quay nhìn bốn phương bời bời mây trắng. Rồi chàng lại mau chóng lần theo đường cũ trở về. Đến nhà, chàng đã trở thành ông già tóc bạc phơ, chân tay săn lại. Chiếc gậy sắt mòn vẹt, chỉ còn độ hai gang tay. Các cháu thấy có xa không.

Mấy đứa cháu tròn mắt. Chậc Chậc! Xa quá! Ầy dô! Xa thế. Ông Sùng Tếnh lại bặm môi, nheo mắt cười.

Sùng Pao nói một câu chắc như cọc gỗ chẩn đóng xuống đất thịt:

– Cháu sẽ lên đỉnh Ngũ Chỉ Sơn!

Ông Sùng Tếnh trố mắt, quay nhìn Sùng Pao:

– Cháu lên Ngũ Chỉ Sơn á?
– Vâng! Cháu sẽ lên Ngũ Chỉ Sơn, rồi ông xem.

Sùng Páo nhìn về phía tây, nơi năm ngọn núi màu xanh thẳm in trên ráng chiều huyền ảo, gợi bao mơ mộng xa xăm. Mấy đứa ngồi bên quay nhìn Páo. Chúng biết Páo là đứa học giỏi, đã làm được bao việc táo bạo mà chúng phải thán phục. Nhưng việc Páo sẽ lên đỉnh Ngũ Chỉ Sơn thì chúng chẳng tin. Chúng cùng cười ồ lên. Riêng Páo thì vẫn nhìn đăm đắm về phía Ngũ Chỉ Sơn, mắt mơ màng. Hình như hồn vía nó đã gửi sang phía  đỉnh núi xa, nơi những ngọn núi hình năm ngón tay ẩn hiện trong mây…

…Sau mấy tháng hì hục, cặm cụi, mày mò, chiếc máy bay của Sùng Páo đã hoàn thành. Con Đại Bàng của Páo đấy. Đó là con Đại Bàng bằng hợp kim rất nhẹ và chắc chắn. Con Đại Bàng của Páo bụng thon, dang đôi cánh gọn nhưng bề thế. Buồng lái có mui che bằng mi ca trong suốt. Động cơ chạy bằng ga, gắn khuất trong khoang bụng. Không cần vô lăng, không có cần số, tất cả chỉ điều khiển bằng  năm nút bấm tròn tròn màu trắng, xanh, đỏ, tím, vàng, kèm theo mũi tên hay ký hiệu do Sùng Páo nghĩ ra. Một bên là đồng hồ chỉ tốc độ bay và bên kia là đồng hồ báo ga còn nhiều, ít và vệt đỏ an toàn. Khoang buồng lái có ghế phủ tấm vải lanh nhuộm chàm thêu hoa văn, vừa chỗ ngồi cho Sùng Páo làm phi công và có thể cho Seo Mỷ, đứa em gái hơi nhõng nhẽo nhưng chăm ngoan của Páo ngồi sau.

Mọi việc đã hoàn tất. Sùng Páo đưa máy bay ra bãi chăn trâu trên đỉnh La Pán Tẩn, để cất cánh bay thử. Sùng Páo bảo Seo Mỷ leo lên mỏm đá, ngồi xem. Sùng Páo đẩy mui che, ngồi vào buồng lái, hơi hồi hộp nhưng tự tin. Máy khởi động dễ dàng, nổ ro ro đều đều, phun ra làn khói trắng mỏng. Páo khẽ bấm nút. Con Đại Bàng trắng từ từ lướt nhẹ trên nền cỏ rồi hếch đầu hướng lên cao. Một loáng sau nó như cánh chim trắng nhỏ xíu trên bầu trời vọng về tiếng “ro ro ro… eng eng eng…”. Seo Mỷ vừa thích thú vừa sợ, nó gào to:

– Anh Sùng Páo! Anh Sùng Páo! Bay về đi!

Nhưng nó có nghển cổ lên gào đến rách cổ thì anh nó cũng chẳng làm sao nghe thấy. Nó lo quá, nó sợ anh nó lên trời mất, cũng sợ anh nó rơi ùm xuống vực sâu, xuống dòng Sông Xanh  hun hút phía xa. Nhưng kìa, con chim trắng đã vòng về, cánh nó lấp loá ánh mặt trời. Tiếng “ ro ro ro…eng eng eng” to dần. Rồi con chim sắt trắng lao về rà rà sát mặt đất và dừng lại. Sùng Páo đẩy mui buồng lái bước ra nhìn cái Seo Mỷ, vẻ đầy sung sướng và kiêu hãnh. Seo Mỷ chạy đến bên anh, miệng vừa cười, vừa mếu, phụng phịu, nước mắt vẫn còn loang trên má:

– Em lo quá. Chỉ sợ anh lên trời hay rơi ùm xuống vực!.

– Máy chạy tốt lắm. Anh là phi công, sợ gì. Ngày mai anh sẽ bay xa hơn, bay lên đỉnh Ngũ Chỉ Sơn, phía kia kìa. Sùng Páo chỉ tay về phía tây, nơi có dãy núi hình năm ngón tay màu xanh thẳm chĩa lên trời, ẩn hiện trong mây trắng bồng bềnh.

Cái Seo Mỷ ngúng nguẩy:

– Ứ! Em ứ cho anh bay đi xa thế. Em sợ lắm!

– Sợ gì. Ngồi trên máy bay nhìn xuống, cũng giống như  trèo lên mỏm đá nhìn ra bốn phía và trông xuống dưới thấp kia. Thích lắm. Mai anh sẽ cho Seo Mỷ bay cùng.

Sùng Páo vỗ vỗ vào vai đứa em gái ngoan nhưng hay nhõng nhẽo, mỉm cười động viên.

– Em cũng thích ngồi máy bay. Nhưng mà em sợ!
– Không sợ. Con Đại Bàng sắt sẽ cõng anh em chúng mình bay vút lên. Thích lắm, em gái ạ!

Cái Mỷ về nhà, hồi hộp, thích bay một chuyến với anh, nhưng cứ phấp phỏng lo lo. Anh Sùng Páo bảo phải mặc quần, mặc áo thun, đi giày vải cho gọn. Mặc váy loè xoè và bịt khăn len vuông phấp phới là không được. Lại còn không được ăn no quá, không được uống nhiều nước. Máy bay của anh không có chỗ ị, chỗ tè. Anh Sùng Páo phổ biến nội quy chuyến bay đầy vẻ quan trọng, nhưng rồi lại vuốt tóc Seo Mỷ động viên, để nó không sợ, bay cùng anh cho vui.

Sùng Páo rà xiết lại các chốt ốc, xem lại sải cánh, soi xét kỹ khắp từ đầu, thân cho đến đuôi con Đại Bàng trắng. Ga được nạp đầy bình, kim đồng hồ ga nằm nghiêng bên trái, chỉ mức tối đa. Máy móc được soi đi soi lại cho thật an tâm. Nghe đài, xem ti vi, báo thời tiết trời nắng, quang mây. Trời đẹp thế là thuận lắm rồi. Con Đại Bàng trắng từ từ tiến ra bãi cỏ chăn trâu rộng rãi và thoáng đãng. Cỏ hôm nay như xanh hơn, mượt mà hơn. Sương núi hôm nay dường như tan sớm hơn. Nắng trải vàng rực cả triền núi bao la. Con Đại Bàng trắng nằm chênh chếch, hướng về phía tây, vẻ sẵn sàng.

Sùng Páo mặc quần áo thun, ngực in chiếc máy bay đang lướt cánh trong mây, chiếc áo này Páo chọn mua hôm xuống thị xã. Cái Mỷ trong bộ áo thun xanh gọn gàng, vẻ rón rén, rụt rè. Sùng Páo xem đồng hồ. Tám giờ kém một phút. Páo đẩy mui buồng lái bước lên rồi đưa tay đỡ em gái lên cùng. Mui buồng lái kéo lại. Kim đồng hồ chỉ đúng tám giờ.

– Bắt đầu bay nhá! Ôm chặt lấy anh! À quên, cài dây an toàn vào!

Sùng Páo bấm nút. Con đại bàng sắt khẽ rùng mình. Máy nổ ro ro ro êm êm. Sùng Páo bấm một nút khác. Đại bàng sắt giật nhẹ rồi từ từ rà rà lướt trên nền cỏ. Nó nghếch đầu lên và hướng về phía tây. Tiếng máy  “ro ro ro… eng eng eng…”. Seo Mỷ ôm chặt tay, áp sát người vào lưng Sùng Páo. Sùng Páo nghe rõ tiếng tim nó nẩy bình bịch. Páo nắm lấy tay nó, động viên: “Đừng sợ!”. Đại  Bàng trắng đã vút lên cao. Nhìn qua mui mi ca trong suốt thấy đôi cánh trắng loáng loáng nắng.

Seo Mỹ đã bớt sợ hơn. Sùng Páo nhìn xuống giảng giải cho em:

– Qua triền núi quê mình rồi đấy. Bây giờ đang bay qua vùng núi thấp. Con suối ngoằn ngoèo như dải vải lanh nhuộm chàm uốn lợn. Con đường nhựa vòng vèo theo chân đồi, lúc khuất lúc hiện. Những quả núi như những cái đầu cạo trọc lóc. Những miền đồi có vạt nương mới đốt đen nhẻm bên mảnh mới gieo trồng đang mờ mờ xanh, loang lổ, chắp xá. Những khoanh ruộng bậc thang uốn vòng, vân vi trông đẹp mắt. Sông Hồng! Sông Hồng đấy! Seo Mỷ thấy không? Sông Hồng như tấm vải đỏ trải dài giữa  hai triền  đồi núi, luồn giữa  san sát nhà cửa màu trắng trắng, xam xám và đỏ hồng từng ô viền cây xanh. Thành phố Lào Cai đấy. Không biết họ có nhìn thấy máy bay của anh em chúng mình không. Chắc là họ đang cắm cúi đi bộ, đang chăm chắm cầm lái xe máy hay đang ngồi trên ô tô, đâu có thảnh thơi nhìn lên trời mà thấy con Đại Bàng trắng của anh em mình. Cũng có thể có bọn trẻ con khum tay che nắng nheo mắt nhìn lên chăm chú. Tưởng tượng thế, lòng Páo sướng rơn.

Máy bay lướt nhanh qua vùng trời thành phố, lại qua vùng đồng lúa dưới chân núi mà Sùng Páo chả biết tên. Nhìn về phía trước, Ngũ Chỉ Sơn vẫn xa xa. Những lời của anh Sùng Páo truyền tự tin cho Seo Mỷ. Ban đầu, Seo Mỷ nhắm nghiền mắt, ôm chặt lấy anh. Dần dần, Mỷ hé hé mắt nhìn và rùng mình thấy mặt đất xa tít hút. Rồi Mỷ hé mắt nhìn lâu hơn, nghe anh Sùng Páo thuyết minh. Bây giờ thì cái sợ đã vợi đi nhiều lắm. Tiếng máy bay vẫn “ro ro ro … eng eng eng”…, đôi cánh trắng vẫn loang loáng, thỉnh thoảng, một làn mây mỏng lướt qua mui.

– Cho phi công ăn gì đi chứ?

Tiếng Sùng Páo nhắc Seo Mỷ.

– Sao anh không nhắc em đem cơm nếp hay ngô luộc đi. Bây giờ có gì mà ăn?
– Phi công ai lại ăn ngô luộc trên máy bay? Có thức ăn đặc biệt dành riêng cho phi công, trong túi anh đây này.

Seo Mỷ thọc tay vào túi áo thun Sùng Páo và nhón ra một gói nhỏ, tròn tròn. Thì ra thức ăn đặc biệt của anh phi công là kẹo béo. Seo Mỷ đưa thức ăn đặc biệt cho anh phi công.

– Thế em có được ăn không?
– Được. Seo Mỷ là phi công phụ, giúp việc cho phi công chính, được ăn.

Seo Mỷ bỏ viên kẹo béo vào miệng. Ơ lạ! Seo Mỷ cảm thấy ngon hơn, khác lạ hơn kẹo béo ngày thường.

Một đám mây chắn trước mặt, máy bay lao qua, lắc nhẹ. Seo Mỷ giật mình ôm chặt lấy lưng anh. Bây giờ nhìn xuống không thấy làng bản, đồi nương và ruộng bậc thang nữa. Phía dưới là bạt ngàn rừng cây. Một mầu xanh thắm nhấp nhô như sóng dâng theo thế núi.

– Rừng nguyên sinh đấy, thích không?
– Rừng nguyên sinh là thế nào?
– Là rừng già từ xưa, nguyên vẹn còn sót lại. Trong rừng này nhiều muông thú lắm.
– Phà ơi! Thế thì em sợ lắm.
– Sợ gì. Lúc nào em cũng sợ.

Con Đại Bàng trắng đã đến gần Ngũ Chỉ Sơn. Càng đến gần, núi không còn hiện hình từng ngón tay nữa, mà là dãy núi lớn, vách núi như dựng đứng, phủ đầy cây xanh. Càng đến gần, càng nhìn rõ lớp cây xanh bám vào vách núi, vài chỗ lộ ra mảng đá trắng. Sùng Páo bấm nút giảm tốc độ. Máy bay lại lắc nhẹ. Đỉnh núi đây rồi. Con chim sắt nghiêng cánh quay vòng. Cây trên đỉnh núi lướt lướt. Sùng Páo quan sát. Một bãi bằng gần giống như bãi chăn trâu quen thuộc, cây cỏ xanh một màu xanh hơi khác. Con chim sắt rà rà trên mặt cỏ. Tiếng bánh xe lăn lịch kịch, thỉnh thoảng khẽ nẩy lên, chắc là gặp hòn đá. Sùng Páo bấm nút tắt máy rồi xem đồng hồ. Đúng 9 giờ.

– Ngồi yên đấy! Để anh ra trước.

Sùng Páo đẩy mui buồng lái, bước ra. Không khí trên đỉnh Ngũ Chỉ Sơn thoáng đãng, lâng lâng. Gió thổi ù ù. Lớp cỏ cây lúp xúp, khô ráp. Lạnh. Trời rất lạnh. Páo kéo khoá cổ áo, che kín lên giáp vành tai rồi đẩy mui, đỡ cho Seo Mỷ bước ra.

Seo Mỷ run lập cập, vì rét, vì lạ lẫm, và sợ sợ. Páo đưa ống nhòm quan sát bốn phía: Núi non trập trùng xa tít tắp, sâu hun hút. Nó tìm đến một tảng đá to, rút con dao con khắc lên đó dòng chữ:

“ Sùng Páo và Seo Mỷ. Ngày…. tháng…. năm”. Đá rắn, lưỡi dao nhỏ, dòng chữ hằn không sâu.

Rồi Páo đi lượm mấy hòn sỏi nhỏ, ngắt mấy nhánh cây đem về làm kỷ niệm. Seo Mỷ đã phát hiện ra những chấm hoa. Trên đỉnh núi cao chót vót này, những cây dại se sắt lại mà cũng nẩy hoa. Cánh hoa nhỏ, có màu sắc riêng. Nó mải miết tìm hoa quanh chỗ con chim sắt đỗ. Đúng là con gái, đến đâu cũng thích hoa.

Sùng Páo hạ lệnh:

– Lên máy bay. Chín giờ ba mươi rồi.

Con chim sắt quay đầu về hướng đông, nổ máy ro ro ro … rồi cất cánh.

Đường về, hình như con chim sắt bay nhanh hơn. Tiếng máy “ ro ro ro … eng eng eng…” đều đều. Chẳng mấy chốc đã gần đến đỉnh núi La Pán Tẩn quê nhà. Bỗng Sùng Páo khẽ giật mình. Cái kim đồng hồ ga đã nằm ngang về phía trái, sát cái vạch đỏ cảnh báo. Páo lấy lại bình tĩnh, bấm nút hạ độ cao. Con đại bàng sắt rà rà xuống bãi chăn trâu, bánh xe lăn lịch kịch rồi dừng lại. Kim đồng hồ ga nằm ngang, vừa chấm vạch đỏ nguy hiểm. Xem đồng hồ: 10 giờ 28 phút, nhanh hơn lượt đi 2 phút . Cả đi về hơn hai tiếng đồng hồ. Páo đẩy mui mi ca, dắt Seo Mỷ ra. Chuyến bay chinh phục Ngũ Chỉ Sơn kết thúc và hạ cánh bình yên. Hai anh em ôm lấy nhau và nhảy cẫng lên…

Sùng Páo giật mình bừng tỉnh. Seo Mỷ từ ngoài vườn đi vào:

– Anh làm gì mà ớ ớ lên ghê thế.
– Mơ à! Hai anh em mình vừa lên máy bay đi chinh phục Ngũ Chỉ Sơn về. Cái đỉnh núi hình năm ngón tay mà ông Sùng Tếnh kể ấy. Hoá ra là mơ à?
– Anh lúc nào cũng chỉ mơ mộng.

Sùng Páo đi rửa mặt rồi ngồi vào bàn học. Nó với tay lấy cuốn sách chuẩn bị trước bài ngày mai  theo lời cô giáo dặn.  Trước mặt nó là cuốn sách Vật lý…

Cao Văn Tư – Tạp chí Phan Si Păng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *