“Tây Hồ chân cá thị Tây Thi” tức Hồ Tây đích thị nàng Tây Thi. Câu thơ của Cao Bá Quát ví Hồ Tây đẹp như nàng Tây Thi, một cách ví độc đáo vì Tây Thi đẹp theo bốn mùa: mùa xuân lộng lẫy, mùa hè rực rỡ, mùa thu thanh tú và đẹp thuần nhị mùa đông. Còn Hồ Tây vạt nước mênh mang cũng đẹp như vậy.
Hồ Tây đẹp vì đã ấp ủ cả một kho tàng văn học dân gian phong phú và sáng giá. Ven hồ hội tụ đủ mọi chủ đề tiêu biểu của thần thoại Việt Nam, Lạc Long Quân đã để lại ở đây một trong ba công tích là thêu dệt cáo trắng chín đuôi đem lại yên lành cho dân chúng. Vì thế tên ban đầu của Hồ Tây là hồ Xác Cáo, rồi Khổng Minh thu hết đồng phương Bắc đem về đúc chuông lớn mà khi đánh lên Trâu Vàng cứ ngỡ tiếng mẹ gọi (đồng đen là mẹ vàng), đã vùng chạy sang quần mãi đất thành ra Hồ Tây.
Hồ Tây còn có thêm tên gọi là hồ Trâu Vàng. Rất nhiều các nhân vật lẫn huyền thoại và lịch sử hoạt động ven hồ như: Linh Lang, Trấn Vũ, Mục Thận, Lê Văn Thịnh, Phùng Hưng, Quỳnh Hoa, Quế Hoa, Liễu Hạnh, …
Ven Hồ Tây có nhiều làng nghề mà tên tuổi có thể tính bằng thiên niên kỷ: nghề làm giấy Yên Thái, Nghĩa Đô có cách đây khoảng 11 thế kỷ; nghề dệt lĩnh ở Trích Sài có từ thời Lý; nghề trồng hoa, cây cảnh ở Nghi Tàm, Quảng Bá, Nhật Tân cũng có mặt ở đây khi Thăng Long trở thành kinh đô; nghề đúc đồng Ngũ Xã cũng đã dư vài thế kỷ.
Ngoài ra nhiều di tích lịch sử, văn hóa ven hồ như: đình, đền, chùa, miếu mà tuổi đời cũng xấp xỉ nghìn năm. Đền Đông Cổ ở làng Đông là ngôi đền cổ nhất hiện có ở Thăng Long, Hà Nội. Tính đến nay, ven Hồ Tây đã có 32 di tích đã xếp hạng trong đó 22 di tích xếp hạng cấp quốc gia và 7 di tích xếp hạng cấp thành phố trên tổng số 62 di tích. Những di tích đó cứ mỗi khi xuân về, đã thu hút số lượng lớn khách thập phương trong và ngoài nước đến vãn cảnh, tham quan. Các lễ hội ở đây giàu bản sắc dân tộc mà chỉ ở Thăng Long – Hà Nội mới có. Đó là lễ hội trung hiếu ở đền Đồng Cổ, lễ hội bắt trạch ở làng Hồ Khẩu, lễ hội rước nước ở đình làng Yên Phụ, Nhật Tân, Quảng Bá, Nghi Tàm,…
Đền Quán Thánh tương truyền có từ khi Lý Công Uẩn dời đô ra Thăng Long, tức đầu thế kỷ XI. Chùa Trấn Quốc còn sớm hơn, từ thế kỷ thứ VI ở ngoài đê nên có tên là Khai Quốc, năm 1615 dời vào trong đê lấy tên là Trấn Quốc. Còn Phủ Tây Hồ theo truyền thuyêt kể rằng: đây là nơi Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan đã gặp Quỳnh Hoa công chúa tức Mẫu Liễu Hạnh. Sau được nhà vua ban sắc phong và cho phép nhân dân lập đền thờ và tôn vinh là “Mẫu nhi thiên hạ”.
Tây Hồ còn là nguồn cung cấp hoa, cây cảnh cho thì trường Hà Nội: đào Nhật Tân, quất Tây Hồ, Tứ Liên, cá cảnh Yên Phụ, cây cảnh Nghi Tàm. Tây Hồ với diện tích mặt nước khá rộng còn là vựa cá, cá chép Hồ Tây là đặc sản riêng của Hà Nội.
Từ bao lâu Hồ Tây vẫn như nàng Tây Thi thủa còn giặt lụa ở Trữ Na. Trong những năm gần đây, các nhà đầu tư, kinh doanh du lịch đã đánh thức “người đẹp”. Mặt hồ và đất hồ cựa mình trỗi dậy, bao nhà hàng, khách sạn,… cần quản lý.
Một cấp hành chính quản lý riêng khu vực Hồ Tây được ra đời vào cuối năm 1995. Dự án quy hoạch tổng thể được phê chuẩn. Dải đất này sẽ trở thành một trung tâm văn hóa, du lịch, dịch vụ, trung tâm thể thao và thương mại.
Trong tương lai gần, khu phía nam của hồ sẽ là trung tâm giao dịch thương mại Quốc tế với văn phòng, khách sạn, căn hộ cho thuê,… nối liền trung tâm chính trị Ba Đình với đường Thăng Long – Nội Bài. Phía tây hồ là phường Xuân La sẽ là trung tâm thể thao Quốc gia, có sân vận động chứa hàng vạn người và nhiều dịch vụ giải trí khác. Khu phía bắc với phường Nhật Tân được quy hoạch thành nơi nghỉ cuối tuần. Du khách sẽ thăm các làng hoa, cây cảnh, tham dự các hoạt động thể thao thư giãn như câu cá, bơi thuyền,…Phía đông hồ với hai phường Yên Phụ, Tứ Liên sẽ là trung tâm du lịch, dịch vụ với khách sạn, nhà hàng, các tòa nhà phục vụ hội nghị Quốc tế. Quy hoạch này đang chờ nhà đầu tư.
Những năm gần đây UBND TP Hà Nội đã quan tâm đầu tư kinh phí để làm đường dạo quanh Hồ Tây, vừa tạo cảnh quan phục vụ du khách dạo chơi quanh hồ, vừa chống lấn chiếm đất. Đồng thời sẽ phải có những giải pháp kiến trúc hạn chế không cho làm nhà quá cao bên cạnh hồ. Mật độ xây dựng cũng vừa phải tạo sự thông thoáng.
Hiện đã có một dự án của nước ngoài liên doanh với Hà Nội, xây dựng một thành phố bên Hồ Tây với diện tích khoảng 400 ha. Nếu dự án này được nghiên cứu ở nhiều góc độ: quy hoạch, kiến trúc, văn hóa, lịch sử, kinh tế và được chấp nhận thì Hồ Tây không chỉ là Tây Thi trong thơ ca mà là “người đẹp” tuyệt trần trong hiện thực đời sống của thủ đô Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.
NISAVA TRAVEL! – Theo Vietbao