Do có địa hình nằm trong hệ thống đá vôi Karst có hàng triệu năm lịch sử, nên huyện Minh Hóa cũng được xem như một “vương quốc hang động” khi mỗi ngọn lèn (núi) đều chất chứa trong mình những điều ít người biết. Và lèn Phổi ở thôn Yên Phong, xã Hóa Tiến là một trường hợp như vậy…

Các bậc cao niên trong vùng kể lại rằng, Minh Hóa là vùng đất có bề dày văn hóa lâu đời nên qua những cuộc khảo cổ đã xuất hiện dấu tích cư trú của người tiền sử, ít ra cũng từ thời đại đồ đá giữa cách đây trên dưới vạn năm. Thời đó cư dân của vùng đất này chủ yếu là người Chứt thường sinh sống ở các hang động, vì vậy họ còn có tên gọi là người của các hang động.

Qua các cuộc dâu bể, những người nông dân ở các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa… hay các huyện Bố Trạch, Quảng Trạch (Quảng Bình) đã tìm đến mảnh đất Minh Hóa giữa núi rừng Trường Sơn lập nghiệp bao đời để đến nay đã trở thành nơi “chôn nhau cắt rốn” của họ. Vì thế, cho đến tận bây giờ, đất và người Minh Hóa với bản sắc văn hóa rất riêng vẫn còn nhiều điều bí ẩn cần được khám phá.

Minh Hóa vốn nằm giữa hệ thống núi đá vôi Phong Nha-Kẻ Bàng, lại được bao bọc bởi hai dãy núi đá vôi lớn, đó là dãy núi Đen và Bông Dương, Bông Dầm (hay còn gọi là dãy Giăng Màn). Chính vì vậy, ở Minh Hóa có rất nhiều núi đá cao so với mực nước biển, như núi Ca Reeng 1.326m, Bãi Dinh 1.029m, Mia Xeng 848m, Mai Ra 718m… Ngoài những dãy núi đá kéo dài, còn có nhiều lèn đá đơn lẻ nằm giữa đồng ruộng hay trong các làng mạc trù phú sầm uất là lèn Bảng, lèn Một, lèn Ông Ngoi, lèn Phổi…

Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Đinh Thanh Dự, lèn Phổi hay còn gọi là lèn Con Ngựa thuộc xóm Phổi, xã Hóa Tiến, huyện Minh Hóa. Ngày trước khi còn làm hiệu trưởng Trường cấp 1-2 Hóa Tiến, trong khoảng thời gian từ 1962 đến 1963, ông đã từng dẫn học sinh đi lấy phân dơi ở hệ thống hang này về trồng khoai sắn tăng gia sản xuất. Nơi đây người dân địa phương đã từng phát hiện một số đồ vật có thể là dấu tích của người tiền sử như: vỏ ốc, xương thú…

Vào những ngày cuối năm, chúng tôi theo đường Hồ Chí Minh nhánh đông tìm về xã Hóa Tiến. Thời điểm này, Minh Hóa vốn là “vùng đệm” giữa hai vùng đất Việt-Lào nên đang trải qua một đợt mưa dầm kèm theo giá rét kéo dài. Tôi và một anh bạn đồng nghiệp mặc áo mưa phủ kín từ đầu đến chân lấm lem bùn đất tạt vội vào quán cóc liêu xiêu bên đường để hỏi thăm đường vào lèn Phổi.
NISAVA
May mắn là ở đây chúng tôi đã gặp được anh Đinh Minh Thắng, sinh năm 1964, ở thôn Yên Hòa, xã Hóa Tiến-người trước đây đã từng được Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, Tư lệnh Binh đoàn 559 nhường cho một suất cơm khi ông dừng chân ở cụm hang động này-tình nguyện làm người dẫn đường.

Anh Thắng kể lại, lèn Phổi có 3 cửa hang, gồm 2 cửa dưới và 1 cửa trên, thời điểm từ năm 1971 đến 1973, thì Thắng chỉ là một cậu bé đã biết cùng với người dân quanh vùng vào hang trú tránh bom đạn của không quân Mỹ khi chúng tăng cường đánh phá để tạo thêm áp lực trên bàn đàm phán ở Hội nghị Paris.

Tuy nằm ở lưng chừng núi nhưng trong lòng hang có một dòng suối nước trong vắt quanh năm không bao giờ khô cạn. Đặc biệt, do kiến tạo bởi đá vôi cùng với sự tác động của nước nên trong lòng hang thạch nhũ được hình thành nguy nga tráng lệ không thua kém động Thiên Đường, Phong Nha, Tiên Sơn… ở Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng.

Còn ông Cao Hồng Tân, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hóa Tiến cho biết, cụm hang động nằm ở thôn Yên Phong, gồm có hang Binh Trạm 12, hang xăng và hang đường ống (hay hang y tá), riêng ở lèn Phổi với độ cao khoảng 500m là nơi đứng chân của hang Binh trạm 12.
NISAVA
Theo yêu cầu của chiến trường miền Nam, ngày 3-4-1965, Bộ Quốc phòng đã có quyết định phát triển tuyến chi viện chiến lược từ thô sơ lên cơ giới. Nhằm bảo đảm quyết tâm chiến lược của Trung ương, Sở chỉ huy Bộ Tư lệnh 559 đã được chuyển ra tuyến đầu, nơi địch đánh phá ác liệt nhất để tập kết đóng quân chỉ huy toàn tuyến đường vận tải trục dọc, trục ngang nối đông-tây Trường Sơn.

Do vậy, Bộ Tư lệnh 559 đã chọn cụm hang động ở xã Hóa Tiến, Hóa Thanh làm nơi đặt Chỉ huy sở, đồng thời cất giấu hàng hóa, đạn dược, xăng dầu… để trực tiếp chỉ đạo vận tải cho chiến trường miền Nam, Lào và Campuchia. Từ Sở chỉ huy dã chiến này, Bộ Tư lệnh và các cán bộ, chiến sĩ Đoàn 559 đã kiên cường bám trụ, vượt qua nhiều thử thách khắc nghiệt của thiên nhiên để triển khai thế trận cầu đường như “thiên la địa võng” nhằm vận tải hàng hóa, chuyển quân, thương bệnh binh, công văn… đến các chiến trường. Và cũng là nơi vinh dự được đón và làm việc với đại diện Quân ủy Trung ương, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước vào thị sát chiến trường để từ đó có các phương án tác chiến phù hợp.

Ông Đinh Thanh Dự cho hay, trong thời gian đóng quân tại vùng này, cán bộ, chiến sĩ Đoàn 559 luôn được người dân nơi đây tin tưởng đùm bọc, tình quân dân thắm thiết keo sơn, sát cánh kề vai cùng nhau đánh giặc. Nhất là những dịp Tết đến, người dân thường mang bánh hoặc các sản phẩm tự tay làm ra như hoa quả, cốm… đến thăm và động viên tinh thần cán bộ, chiến sĩ vững tay súng, chiến đấu với giặc Mỹ.

Bí thư Đảng ủy Hóa Tiến Nguyễn Cảnh Tuấn cho biết, là nơi lưu giữ những chiến công của cán bộ, chiến sĩ Đoàn 559, lực lượng thanh niên xung phong nên ngày 12-12-1986, hệ thống hang động ở xã Hóa Tiến là nơi Chỉ huy sở Bộ Tư lệnh 559, nơi cất giữ các kho hàng và điều trị thương bệnh binh của bộ đội Trường Sơn trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã được Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) công nhận là điểm di tích lịch sử Quốc gia đường Hồ Chí Minh.
NISAVA
Với ý nghĩa lịch sử to lớn đó nên cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương đã có nhiều biện pháp để bảo tồn gìn giữ các cụm hang nhằm giáo dục cho thế hệ trẻ về nơi sinh hoạt, chiến đấu anh dũng kiên cường của bộ đội, thanh niên xung phong Trường Sơn, góp phần làm nên chiến công thần thánh của dân tộc trong thế kỷ 20.

Theo Trần Minh Văn, Phan Mạnh Chi (Báo Quảng Bình)
NISAVA TRAVEL!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *