(LĐO) – Đường vào Mộc Châu dốc núi liên tục khiến ta có cảm giác đâu đâu cũng là đèo, nhưng khi đến Hua Tát, đoạn rẽ ngã ba đường mới thấy thế nào là đèo núi thực sự.

Quốc lộ 6 dẫn lối đến Sơn La, những con đường uốn lượn dưới ánh mặt trời dát vàng. Qua đèo Thung Khe, khung cảnh mỗi lúc một hùng vĩ. Đường đẹp nên xe chạy bon bon. Một chốc đến Mai Châu mùa em thơm nếp xôi, rồi một chốc đến Mộc Châu.
Từ ngày quốc lộ 6 mới mở ra, đèo Hua Tát (hay còn gọi Hua Tạt) trong đường 6 cũ bị lãng quên, ít người qua lại. Lần nào đến Mộc Châu tôi cũng qua đèo, lần nào cũng thấy rõ sự khác biệt của nó. Thời gian và sự quên lãng khiến con đèo dần trở thành hoang phế và hỏng hóc.

< Đường đèo nhỏ, vắng bóng xe cộ qua lại.

Lần đầu tiên khi qua đèo, tôi không khỏi ngỡ ngàng vì cảnh đẹp suốt dọc con đường, nơi một bên là núi và bên kia là thung lũng bạt ngàn cây mận. Xe túc tắc đi qua những bản làng, con đường không một bóng xe. Đến cuối đèo mới gặp một nhóm các cô cậu bé dân tộc Mông đi bộ chơi.

Lần thứ 2 sau đó hơn 1 năm, con đèo trở thành đường chở vật liệu xây dựng, lổn nhổn đá dăm và đất cát. Một xế đi trước tôi đã “xòe” ngay khúc cua vì chệch bánh vào đá, khiến tay bị xước nhẹ. May là lúc đấy cả nhóm đều đang đi rất chậm ngắm cảnh. Những lần sau đi trên Hua Tát, chỉ nghe tiếng gió rít qua những khúc cua và tiếng sỏi lạo xạo dưới bánh xe, chục cây số đèo không bóng người qua.

< Những đứa trẻ chơi đùa trên đèo.
NISAVA
Dù đã vắng và ít người qua, tôi vẫn muốn chạy qua Hua Tát, như chạy qua nhà người yêu cũ, chỉ để ngoái lại một cái nhìn rồi đi ngay, một thói quen của ngày đầu. Tôi thả xe chầm chậm trên con đường hoa nắng, những thân lau phất phơ như những cánh tay vẫy, những ruộng ngô đều tăm tắp chạy dài dưới thung.

Cảnh vẫn vậy, chỉ có đường là mỗi lúc một hoang vắng. Đôi khi xe tôi bị chặn bởi một cành củi mục nào đó vắt ngang. Chắc chỉ vài năm nữa, khi không được chăm sóc và chịu tác động của thiên nhiên, đường sẽ nứt và sạt, sẽ trở thành con đường khó đi.

Lác đác chỉ có dăm nóc nhà ẩn mình giữa những rặng ngô, một phần của đèo không có sự sống, không có cây trái, chỉ có những đồi đất đủ màu. Vào những ngày nhiều mây, đi trong Hua Tát là đi trong mây.


< Ngôi nhà nhỏ nơi lưng chừng con dốc.

Những người đi qua Hua Tát bây giờ chỉ còn giới đi bụi là chủ yếu. Nếu đã tính chạy chinh phục  cung đường 6 cũ năm xưa từ Mai Châu đến Co Lương, Trung Sơn, Xuân Nha, nhất định sẽ phải qua Hua Tát, chạy trên con đèo một thời nổi tiếng dốc và nguy hiểm.
NISAVA
Cung đường Xuân Nha khủng với vô số những đèo dốc và những đoạn sạt lở do đường không còn sử dụng nữa. Họa hoằn lắm mới có người chạy xe máy qua, còn lại là đi bộ. Thế nên đường đã khó đi, càng vắng vẻ hưu quạnh. Đường 6 mới trải nhựa đẹp, đường 6 cũ mỗi ngày cỏ lấp thêm một chút, đường chỉ còn là những lối mòn. Cung đường của quá khứ và hiện tại, đó là con đường huyết mạch một thời, nơi ghi dấu ấn lịch sử nhiều năm trước.

< Khung cảnh hoang vu, hiu quạnh.

Đèo Hua Tát và đường 6 cũ chạy qua xã Vân Hồ và Phiêng Luông, ngoại trừ một số điểm chạy qua xã có chục nóc nhà tập trung thì đường hoàn toàn vắng lặng. Đường đèo bắt đầu từ cuối Lóng Luông, nơi ngã ba 64, một đường lên với con đường chữ S nổi tiếng Mộc Châu.
NISAVA
Đi hết con đường đèo, đường nối xuyên trong đồi chè của nông trường Mộc Châu và nhập lại với đường 6 mới. Cung đèo hơn 25km mê hoặc với tiếng gió rít. Những ngọn gió Hua Tát không ngừng thổi đêm ngày.

Theo Lam Linh (Lao Động)
NISAVA TRAVEL!

Những ngọn gió Hua Tát
Cung đường hoang vu qua đèo Hua Tạt
Khám phá bản Hua Tạt

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *