Những trận mưa trái mùa vừa dứt, sau nhiều ngày đợi chờ, theo “quảng cáo” của mấy dân “phượt”, tôi vác balô lên Núi Chúa (vườn quốc gia Núi Chúa, huyện Ninh Hải, Ninh Thuận) tìm đến Ao Hồ cách vách đá dựng bãi Thùng về phía biển Đông khoảng 1,3km đường chim bay.

Xuất phát từ TP.HCM trên chuyến xe lửa cuối hôm trước, tôi có mặt tại TP Phan Rang từ sáng sớm. Sau khi ăn sáng và mua ít thực phẩm cho chuyến đi, tôi đến văn phòng vườn quốc gia Núi Chúa (thị trấn Khánh Hải, huyện Ninh Hải) để gặp người dẫn đường. Anh Phan Anh Dũng (phòng bảo tồn vườn quốc gia Núi Chúa) là người hướng dẫn chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình.

Mấy hôm trời mưa liên tục, đường 702 ven biển bị sạt lở nên cả nhóm phải dùng xe gắn máy thay tuyến xe buýt từ Phan Rang – Vĩnh Hy. Đường hư hỏng nhiều, xe máy phải ì ạch vượt qua những bãi đất lở, những dòng nước cuồn cuộn cắt đường chảy ra biển… nên gần một giờ sau mới đến được Vĩnh Hy. Gửi xe ở nhà một ngư dân, chúng tôi có thêm bạn đồng hành là kiểm lâm viên Thạch Ngọc Co Dum. Tất cả trực chỉ hướng Núi Chúa.

Men theo con đường cũ (Vĩnh Hy – Bình Tiên) bị bỏ hoang, cả nhóm đến một ngã ba – nơi tiếp giáp con lộ đang được thi công, từ đó bỏ đường lộ cắt rừng đi tiếp. Độ cao tăng dần từ 100m, 200m rồi 250m (so với mực nước biển).

Trời lại tiếp tục mưa. Một con rắn hổ ngựa trườn nhanh qua lối mòn dưới chân làm mọi người hú vía, vội tìm một cành cây vừa để chống vừa làm vũ khí phòng thân. Vừa chui ra khỏi một vạt rừng lại xuyên qua một rừng cỏ lau, rồi luồn tiếp vào rừng… Cả nhóm phải vừa đi vừa cúi thấp người tránh những bụi gai treo trên đầu sắc như dao cạo.

Vừa đủ mệt phờ người thì anh bạn kiểm lâm thông báo sắp đến khu vực Ao Hồ khi nhìn thấy một thác nước đẹp như tranh vẽ hiện ra trước mắt. Và rồi Ao Hồ xuất hiện như chiếc gương khổng lồ treo trên núi cao ngay cuối con đường rừng… Tất cả thở phào!

Ao Hồ được xem đẹp nhất vào mùa mưa khi màu xanh của thảm thực vật bao trùm. Hồ có chiều dài chừng 80m, ngang 50m, sâu 1,5m, ở độ cao 236m so với mực nước biển. Mặt hồ có nhiều vỉa đá nổi lên như những hòn non bộ xen lẫn những tán cây truông gai, găng néo… đẹp như bonsai soi bóng quanh hồ. Điểm tô trên mặt nước là những dây rau muống tạo đường xanh mềm mại, uốn lượn…

Nghỉ ngơi sau hai giờ lội bộ, chúng tôi chuẩn bị bữa ăn ngay bên hồ. Người được phân công tìm cành khô nhóm lửa, người múc nước hồ nấu ăn, người làm gà, người lo hái rau muống làm rau… Trưa thanh vắng và yên ả, sau bữa ăn ngon lành, ngả lưng trên tấm võng dưới bóng những cây đẹp như bonsai ven hồ, ngỡ như đang lạc chốn tiên bồng…

Chiều, trên đường trở về Vĩnh Hy còn kịp thấy những chiếc xe làm đường đang thi công tuyến đường mới Vĩnh Hy – Bình Tiên. Trong một năm tới, trên con đường này du khách có thể dễ dàng đến với những điểm đến Đá Vách, suối Lồ Ồ, hang Rái, Ao Hồ, suối Đồng Nha, suối Tiên, bãi biển Bình Tiên, thác Đá Thảo, di tích lịch sử CK19…
Chỉ mong các điểm đến du lịch trên vẫn giữ được nét hoang sơ, quyến rũ như bây giờ.

* Vườn quốc gia Núi Chúa nằm gần cuối dãy Trường Sơn và vùng Đông Nam bộ (trước đây là khu bảo tồn thiên nhiên Núi Chúa) có tổng diện tích tự nhiên 29.865ha, trong đó diện tích trên đất liền 22.513ha. Phân bổ trên phức hệ núi nằm sát bờ biển tạo nên một thắng cảnh đẹp hiếm có vùng ven biển với 18 bãi biển có cảnh quan rừng và vùng biển đẹp: Bình Tiên, Vĩnh Hy, Thái An, Rạng, Thùng…

* Ao Hồ còn được gọi là hồ treo trên vách đá hoặc Ao Hồ Đá Dựng do hồ nằm giữa những ngọn núi có cao độ trên 300m. Do vị trí đặc biệt nên Ao Hồ có thể trữ lại phần lớn lượng nước mưa từ các dãy núi lân cận đổ về. Vào mùa khô kiệt, nước vẫn còn lấp xấp nên một số loại cá, ếch nhái, rắn, chà vá, voọc, sơn dương, quạ, diệc… vẫn tụ về đây sinh sống.

Theo Dulichtuoitre

Bà Nà – Núi Chúa
442 Chinh phục núi Chúa – Phần 1

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *