Không phải ai thăm xứ Huế cũng từng đặt chân đến Hổ Quyền, có lẽ họ cho rằng đó chỉ là phế tích nhỏ, không hoành tráng như các lăng tẩm, thành quách quen thuộc. Thật đáng tiếc, vì Hổ Quyền từng là đấu trường voi-hổ của nhà Nguyễn, duy nhất không chỉ so với các vương triều châu Á mà có thể là duy nhất trên thế giới.

< Bậc cấp lên khán đài.

Theo đường Bùi Thị Xuân bờ Nam sông Hương, ngược lên phường Đúc, qua đến phường Thủy Biều, cách trung tâm thành phố Huế chừng 5km, hỏi lối vào Hổ Quyền người dân sẽ chỉ một con ngõ nhỏ…

Sau bao thăng trầm gần 200 năm, giờ đây nhà cửa làng xóm chen kín đến tận sát một bức tường thành xây gạch uốn vòng nhuốm màu thời gian. Thoạt nhìn chỉ thấy giống như một đoạn tường hoàng thành nhưng thấp hơn nhiều (cao chừng 5m).

Tường xây rất chắc chắn, từng quãng ngay dưới đường gờ chỉ đắp nổi là những miệng ống xả nước mưa hình đầu hổ, trên cùng là dãy tường hoa trang trí giản dị. Khi dạo bước một vòng theo chân tường, du khách mới thực sự cảm nhận quy mô và ý đồ tổng thể của việc xây dựng một đấu trường hình tròn. Được biết, đấu trường này vua Minh Mạng cho xây dựng năm 1830, là nơi nuôi nhốt hổ và sân đấu voi – hổ, có khán đài cho vua quan nhà Nguyễn dự khán trên mặt thành cao và an toàn.

Khám phá đấu trường đấu hổ độc nhất thế giới ở Việt Nam

Chúng tôi thận trọng theo những bậc cấp đã nứt vỡ thử trèo lên mặt thành, nhưng cũng phải dừng lại ở những bậc cuối vì có bảng cảnh báo nguy hiểm. Có hai lớp tường gạch, lớp trong cao hơn lớp ngoài, còn thấy rõ các bệ ngồi, từ đây nhìn xuống sân cỏ tròn của đấu trường tưởng như còn thấy những trận đấu voi – hổ khốc liệt của quá khứ. Theo sử cũ, thực ra hổ đã bị bẻ hết nanh vuốt, và cuộc đấu chính là một cách huấn luyện đội Kinh Tượng – voi chiến của nhà Nguyễn.

Toàn bộ đấu trường chỉ có một cửa lớn phía tây bắc, cao rộng, là lối vào cho voi. Cửa này nhìn thẳng vào cửa năm chuồng hổ bên kia thảm cỏ sân đấu, trên trụ còn dấu tích hai chữ “Hổ Quyền”.

Cửa các chuồng hổ hướng vào sân cỏ còn nguyên dấu tích các rãnh trượt trên tường của loại cửa sập, xưa quan quân dùng tời đặt trên mặt thành để kéo đóng mở tùy yêu cầu trận đấu. Thời các vua nhà Nguyễn, việc luyện voi chiến qua các trận đấu voi – hổ có từ rất sớm, thoạt tiên tại các bãi đấu trên cồn Dã Viên, nhưng đã từng xảy ra những tình huống nguy hiểm cho quan quân khi hổ dữ cùng đường.

Từ khi có Hổ Quyền, các trận đấu luyện voi an toàn hơn và dần mang tính giải trí. Càng về sau, mỗi năm thường chỉ có một lần đấu voi – hổ và trận giao đấu cuối cùng diễn ra năm 1904 dưới triều vua Thành Thái.

Để có hiểu biết đầy đủ hơn về đội Kinh Tượng của các vua nhà Nguyễn, sau khi thăm Hổ Quyền chúng tôi ghé viếng điện Voi Ré gần đó. Điện này là nơi ghi nhớ công tích của những chú voi chiến đã xông pha trận mạc giúp nhà Nguyễn, nay có mộ nằm đó. Trước điện còn có hồ rộng, là nơi voi uống nước trước khi được dẫn sang Hổ Quyền giao đấu với hổ dữ.

Được biết thêm: Vùng đất quanh đồi Long Thọ, nơi có cụm di tích độc đáo Hổ Quyền – Voi Ré còn có tên gọi dân gian là Thành Lồi, hồi thế kỷ thứ IV vốn là kinh thành Kandapurpura (Phật Thành) của nước Lâm Ấp người Chăm.

Điện Voi Ré (Miếu Long Châu)

Nằm cách trung tâm thành phố Huế khoảng 5 km về phía Tây-Nam, trên địa phận thôn Trường Đá thuộc xã Thủy Biều, điện Voi Ré vừa là chứng tích một thời của đội Kinh tượng nhà Nguyễn, vừa là một di tích độc đáo thuộc quần thể di tích cố đô Huế.

Theo truyền thuyết, dưới thời Trịnh – Nguyễn phân tranh, trong một trận giao tranh với quân đội Đàng Ngoài, một dũng tướng của Đàng Trong hy sinh giữa trận tiền. Đau buồn trước cái chết của chủ, con voi của vị dũng tướng đã chạy trên một quãng đường dài hằng trăm dặm từ chiến địa về tận thủ phủ Phú Xuân, đến địa điểm phía đông của đồi Thọ Cương, nó đã rống lên một tiếng vang trời như phẫn uất, như đau thương cùng cực rồi phủ xuống trút hơi thở cuối cùng. Cảm động trước sự trung thành của một con vật có nghĩa, dân địa phương đã làm lễ an táng, xây mộ cho nó, nguời ta vẫn gọi một cách mộc mạc là mộ Voi Ré. Sau khi lên ngôi, vua Gia Long đã cho xây dựng bên cạnh mộ con voi một ngôi điện thờ với tên gọi là Long Châu Miếu để thờ các vị thần bảo vệ và miếu thờ bốn con voi dũng cảm nhất trong chiến trận của triều Nguyễn. Từ truyền thuyết và sự kiện lịch sử như vậy, dân gian quen gọi ngôi miếu này là điện Voi Ré.

Điện Voi Ré tọa lạc trên một khu đất rộng, diện tích chừng 2.000m2, nằm về phía Đông-Nam đồi Thọ Cương. Cũng theo những nguyên tắc chung về thuật phong thủy của Đông phương, người ta vận dụng Thành Lồi (thành cũ của người Chàm) có sẵn để làm bình phong che chắn cho ngôi điện; tiếp đến là hồ Điện tạo nên yếu tố thủy (minh đường) và tăng thêm giá trị mỹ học cho công trình. Với diện tích khoảng 1.000m², độ sâu chừng 3m, hai bên không kè đá, mặt hồ từng tràn ngập những đóa sen thơm ngát. Tương truyền các Quản tượng ngày xưa thường đưa voi đến uống nước ở chiếc hồ này trước mỗi trận đấu giữa voi và cọp tổ chức tại Hổ Quyền. Đây là một hành động mang tính lễ nghi và tâm linh, có thể người ta nghĩ rằng làm như vậy khiến những con voi sẽ tăng thêm dũng khí và sự may mắn sẽ đến với chúng trong trận quyết đấu.

Phía Bắc là miếu Long Châu cổ kính thâm u; phía Nam có cổng tam quan rêu phong tĩnh mịch. Phía trước cổng tam quan có hệ thống bậc cấp đi lên gồm 17 bậc; bên trên chính giữa ở lối chính có ba chữ Hán bằng sành “Nghiễm Nhược Lâm”. Thẳng theo lối chính, người ta sẽ bắt gặp một bức bình phong Long Mã rất đẹp trước khi vào đến sân miếu.

Nằm hai bên miếu Long Châu là hai ngôi nhà thờ phụ thường được gọi là Đông Phối Điện và Tây Phối Điện. Hai ngôi nhà này dùng làm nơi thờ những con voi lập được nhiều chiến công trong trận mạc vào thời kỳ quật khởi dựng xây đế nghiệp của Nguyễn triều, và đồng thời đây cũng làm nơi khoản đãi quan khách sau khi tế lễ. Trước hai ngôi nhà này, còn có hai tòa miếu phụ thờ thần vị voi, còn được gọi là miếu Tượng. Cách miếu Tượng khoảng 2m là miếu thờ tượng voi chế tác tinh xảo bằng đá Thanh, cao khoảng 0,7m.

Công trình kiến trúc quan trọng nhất trong khu vực này là Miếu Long Châu. Cũng như các công trình kiến trúc cung đình khác, miếu Long Châu được xây dựng theo kiểu nhà truyền thống trùng thiềm điệp ốc. Nhà chính gồm năm gian hai chái, mái lợp ngói liệt. Bên trong trang trí bằng hệ thống liên ba bằng gỗ với 104 ô hộc trình bày đơn giản hơn nhiều so với những cung điện khác, chủ yếu là chữ Thọ theo lối triện và hoa lá chim muông.

Treo chính giữa ngôi miếu là một bức hoành phi khắc nổi ba chữ Hán màu vàng rất sắc sảo “Long Châu Miếu”. Bức hoành phi này được làm lại mới vào năm Khải Định thứ 2 (1917). Theo tư liệu của những nhà nghiên cứu trước, phần hậu điện của ngôi miếu có thờ 15 vị thần hộ vệ và tất cả đều thờ bằng bài vị. Hiện nay, trong miếu chỉ còn lại bài vị của 4 vị thần là: thần Thiên Sư, thần Chúa Động, thần Hồng Nương, thần Tiền Hậu Khai Khẩn. Mỗi bài vị được đặt trong một cái khám giống như một chiếc ngai cách điệu trông rất uy nghiêm. Nguyên thủy, còn có bài vị của các vị thần trong tín ngưỡng dân gian như các thần Hà Bá, Thổ Công, Ngũ Hành, Thủy Long Ngọc Nữ…

Ngoài ra, trước đây ở hai miếu hai bên phía trước còn có bốn bài vị khác đề tên tước hiệu được phong của bốn con voi lập nhiều công trạng nói trên:

1.Đô Đốc Hùng Tượng Ré
2.Đô Đốc Hùng Tượng Bích
3.Đô Đốc Hùng Tượng Nhĩ
4.Đô Đốc Hùng Tượng Bôn

Điện Voi Ré không phải nổi tiếng bởi quy mô lớn rộng hay kiến trúc đa dạng phong phú, mà nó được tôn vinh và đưa vào quần thể di tích cố đô Huế nằm trong Danh mục Di sản Văn hóa Thế giới vì nó thể hiện được tính nhân văn độc đáo của con người Việt Nam.

Cha ông ta thường nuôi voi để chuyên chở vật nặng, đặc biệt là kéo gỗ ở rừng sâu. Ngoài ra, voi còn là con vật được trang hoàng uy nghi nhất trong những ngày hội lớn, là chiến xa thông minh khi ra trận, là vũ khí mãnh liệt chà nát quân thù và là một người bạn chiến đấu giàu đức hy sinh vì đồng đội.

Đặc biệt, đối với các vua nhà Nguyễn voi được xem như một biểu tượng cho uy lực của hoàng quyền bất khả chiến bại. Với quan điểm này, khi tổ chức những cuộc đấu giữa voi và hổ, bằng mọi cách người ta phải dành chiến thắng về phía voi. Vì vậy, thực chất những cuộc đấu giữa voi và hổ là những buổi voi tàn sát hổ với hai mục đích chính: thứ nhất, bày tỏ chính kiến của người tổ chức tối cao là thiện tất phải thắng ác; thứ hai, người ta muốn rèn luyện cho voi quen với không khí của chiến trận. Vua Nguyễn cho xây dựng Hổ Quyền cạnh điện Voi Ré, có lẽ cũng ngụ ý xem hổ như những con vật tế thần, và Hổ Quyền thực chất là Sở Tể sinh (nơi giết súc vật để cúng tế) của những con hổ xấu xố mà thôi.
Sau khi điện Voi Ré xây xong, triều đình đã ban cấp thêm nhiều tiền bạc để tổ chức tế lễ hai lần trong mỗi năm (vào mùa xuân và mùa thu).

Những con voi trung nghĩa đã được suy tôn ngang hàng với thần linh. Đồng thời, ưu ái hơn nữa, người ta còn thờ thêm những vị thần khác ở đó để cầu mong bảo vệ cho những con voi nhiều chiến tích. Đây là một vấn đề thể hiện tính nhân bản trong cách đối xử với những con vật nô bộc trung thành, quả cảm. Sử ghi, năm 1825, vua Minh Mạng xét thấy các vị thần đều có công trong việc bảo vệ voi nên đã sắc phong cho điện Voi Ré và ban thêm cho các vị thần danh hiệu Trợ Oai Tượng Võ Linh Ứng Hộ Tượng chi thần. Có lẽ, ai ai cũng phải thừa nhận, công trình độc đáo này không những chỉ có ý nghĩa về mặt lịch sử mà còn mang đậm ý nghĩa giáo dục, và trên hết là đề cao tinh thần trọng tình trọng nghĩa của dân tộc Việt Nam hào hùng khí phách, có thủy có chung.

NISAVA TRAVEL! – Theo Nguyễn Việt Bắc (báo Phụ Nữ) + Phạm Đức Thành Dũng (Hueworldheritage.org), internet

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *