Những đứa trẻ Sán Dìu chúng tôi sống dưới chân núi Tam Đảo (Vĩnh Phúc) từ thuở ấu thơ tâm hồn đã được dưỡng nuôi bằng những giai điệu “soọng-cô” (hát đối đáp) sâu lắng, ngọt ngào trong lời ru của bà, của mẹ.
Ở quê tôi, dịp đón xuân, thời điểm nông nhàn, khi lễ hội, bản làng có hỷ sự, thanh niên nam, nữ mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình, rủ nhau thành đội đi hát. Qua mỗi bản, đội “soọng-cô” dừng lại hát giao lưu rồi rủ thanh niên nơi đó nhập đội cùng tiếp tục đến các bản khác. Nhiều khi đội “soọng-cô” đông tới mấy chục người, đi hát giao lưu mấy ngày liền.
Một canh hát ban đêm thường có các bước: Mở đầu là hát giọng, mời ngồi xuống chiếu, mời nước mời trầu. Khi đã quen rồi chuyển sang hát hỏi. Hỏi về quê quán, gia sự, hát thăm dò tìm hiểu nghề nghiệp, ý nguyện của nhau… Đến tầm canh ba, chủ nhà nơi diễn ra canh hát mời mọi người ăn lót dạ xôi hoặc chè, cháo. Sau đó là hát chào, hát xin về, hát níu giữ nhau, vừa tiễn nhau ra cổng, vừa hát hẹn hò cuộc hát tới.
Khi hát “soọng-cô” không ai được đùa cợt, trai gái không được tách đội đi riêng. Nếu qua cuộc hát mà ai đó ưng nhau, mấy hôm sau, người bên trai lựa tìm ông mai mối (mu nhin) mối mai cho hai người nên duyên. Hát “soọng-cô” trong đám cưới thường do các cặp nam giới đối đáp nhau.
Nhà trai cử hai anh, nhà gái cử hai anh. Hát giọng du thì song ca, hát cộc thì đơn ca. Mở đầu cuộc hát cưới là cặp nhà trai hát xin phép tổ tiên rồi chào ông bà chủ, chào cô, dì, chú, bác, bà con anh em. Tốp nhà trai hát, tốp nhà gái hát đáp lại từng câu, từng bài. Điệu “soọng-cô” vang ngân trong suốt đám cưới…
Với tôi, điệu “soọng-cô” quê nhà là một phần ký ức của những kỷ niệm thiếu thời. Chính anh trai và chị dâu tôi nhờ có những đêm đi đối đáp “soọng-cô” mà nên duyên chồng vợ. Mỗi khi rời phố về bản, tôi vẫn được đắm mình trong những làn điệu “soọng-cô” như của bà, của mẹ ru thuở nào…
Theo Dân Việt