(ĐNO) – Tỉnh Đắk Nông có hơn 40 dân tộc anh em, mỗi dân tộc có một nét văn hóa đặc trưng riêng. Trong đó, về ẩm thực, mỗi dân tộc đều có những món ăn riêng, đặc trưng không thể lẫn vào đâu được.
Nhiều người đến Đắk Nông đã từng biết đến các món ăn như: Gà nướng, thịt nướng, cơm lam, canh thụt của đồng bào các dân tộc M’nông, Mạ, Ê đê; lợn quay, vịt quay mắc mật của đồng bào Nùng; xôi ngũ sắc của đồng bào Thái… Nhưng có một món ăn ngon còn ít người biết đến, đó là bánh cuốn của dân tộc Tày.
Tại Đắk Nông, đồng bào Tày sinh sống ở hầu hết các huyện, thị xã, nhưng định cư nhiều nhất là ở các huyện: Chư Jút và Krông Nô. Đồng bào Tày có nhiều món ăn ngon, chế biến cầu kỳ, song phổ biến nhất là món bánh cuốn. Trước đây, món bánh cuốn chủ yếu được các gia đình tự chế biến để thưởng thức trong những ngày nông nhàn hay những lúc mưa gió không thể lên nương, rẫy.
NISAVA
Bánh cuốn được làm từ những nguyên liệu chính là gạo tẻ và thịt heo. Bà con thường chọn loại gạo tẻ ngon, dẻo ngâm nước sau đó vớt ra để cho ráo nước rồi cho vào cối đá xay thành bột mịn. Để tạo thành bánh, bà con hòa bột với một lượng nước vừa phải sao cho khi tráng phải kết dính, bánh không quá mỏng hay dày. Công cụ tráng bánh là một nồi nước đun sôi, trên miệng nồi dùng một tấm vải mịn cạp tròn, mặt cong lên trên. Khi ăn, bà con tráng từng chiếc một (tương tự như tráng bánh đa).
Nhân bánh chủ yếu dùng thịt lợn, nhưng muốn nhân ngon phải chọn loại thịt ba chỉ, xay hoặc băm nhuyễn trộn gia vị, rồi phi hành, đảo đều cho đến khi chín tới. Khi ăn, sau khi tráng bánh, bỏ nhân vào dàn đều rồi cuốn lại. Bánh cuốn được ăn kèm với các loại rau thơm, hành tươi và chấm với loại nước chấm làm từ ớt bột ngâm với măng chua. Những người không thích thì có thể chấm với nước mắm ớt hay xì dầu. Cách ăn trên được gọi là ăn khô.
Món bánh cuốn còn có một cách ăn khác nữa là ăn nước. Để làm nồi nước dùng, bà con hầm xương heo thật nhừ, sau đó cho các gia vị và không thể thiếu hành, tỏi, sả, thảo quả. Khi ăn, dùng bánh đã cuốn bỏ vào bát nước dùng để ăn cùng với rau sống. Cái thú của món ăn này là phải ăn nóng. Thực khách phải chờ chủ quán cuốn từng chiếc, vừa ăn vừa nhìn bánh nóng hổi, trên bàn tay thoăn thoắt của chủ quán, trông rất ngon miệng.
Hiện nay, các gia đình dân tộc Tày ít khi tự làm bánh. Nhưng tại các chợ vùng sâu ở các huyện Chư Jút, Krông Nô có rất nhiều quán bánh cuốn mang thương hiệu “bánh cuốn Cao Bằng” do người Tày làm chủ. Theo bà con, làm bánh tưởng chừng giản đơn, song để làm ngon không phải là chuyện dễ dàng, ngoài tay nghề còn đòi hỏi người làm phải có kinh nghiệm.
NISAVA
Tại thôn 1, xã Ea Pô (Chư Jút), quán bánh cuốn nhỏ của bà Bế Thị Tâm luôn đông khách bởi bánh bà làm rất ngon, giá cả lại phải chăng. Ngoài người dân ở địa bàn, nhiều người ở các xã lân cận như Nam Dong, Đắk Wil cũng thường về thưởng thức.
Bà Bế Thị Tâm cho biết, bà biết nghề làm bánh từ khi còn nhỏ, sau khi vào Đắk Nông lập nghiệp, bà mở quán bánh cuốn để kiếm thêm thu nhập. Quán luôn đông khách bởi giá rẻ, hơn nữa bánh được khách hàng đánh giá rất ngon, ăn dẻo, thơm, không có vị chua của bột.
Mỗi đĩa bánh 5 chiếc chỉ khoảng 10.000 đồng. Hiện nay, trung bình mỗi ngày bà bán được vài cân bột, khi đông lên tới 10 cân.
NISAVA
Bà Tâm tâm sự: “Để làm được món bánh này yêu cầu quan trọng nhất là phải có kinh nghiệm ngâm gạo trước khi xay, thời gian ngâm là bí quyết của từng người. Nhân bánh cũng vậy, cần phải biết chọn các gia vị và cách chế biến”.
Trên địa bàn Chư Jút, hiện có khá nhiều quán bánh cuốn mang thương hiệu “bánh cuốn Cao Bằng”. Ngoài loại nhân bằng thịt heo, một số quán còn làm phong phú thêm bằng các nguyên liệu khác như trứng gà, tôm, tép, thậm chí cả đậu phụng để phục vụ người ăn chay.
Theo Hoàng Thanh (Báo Đăk Nông)
NISAVA TRAVEL!